- Gặp phải những cô nàng ‘cao tay’, các chàng keo kiệt đến ‘vắt cổ chày ra nước’ cũng phải méo mặt móc hầu bao.
Đẩy vào tình huống ‘sự đã rồi’
Bực mình với tính keo bẩn của anh chàng đồng nghiệp, mấy chị em cùng phòng chị Thảo (nhân viên kinh doanh) mới bàn cách ‘cho hắn một bài học nhớ đời’.
“Làm ở đây lương khá, người thấp cũng phải kiếm được hơn ngàn đô một tháng. Thế nên chuyện tiêu pha của mọi người cũng thoải mái. Phòng mình thì tổ chức đi ăn uống, hát karaoke suốt. Đầu tháng thì share, cuối tháng ai có thành tích tốt, lĩnh tiền thưởng thì mời cả phòng. Riêng hắn vẫn đi ăn uống với phòng đều nhưng chưa bao giờ share tiền và cũng chưa bao giờ đứng ra mời bữa nào dù nhiều lần hắn được thưởng hậu.
Ảnh minh họa |
Bực cái tính của hắn nên nhóm mình mới lập mưu, buộc hắn phải móc hầu bao. Hôm ấy công ty tổ chức hội thảo ở khách sạn 5 sao, sau đó có mời đối tác quan trọng dùng buffet. Chúng mình mới tung tin là được đưa cả người thân đến dự. Hắn nghe thế liền gọi ngay bạn gái hắn đến, ăn uống thoải mái lắm.
Vài hôm sau quyết toán, chị kế toán đến thu tiền buffet của bạn gái hắn. Hắn ngớ người ra, bảo sao lại phải đóng tiền. Chị kế toán giải thích là công ty chỉ mời nhân viên và đối tác quan trọng có trong danh sách khách mời, người ngoài đi kèm đều phải đóng tiền. Hắn ấm ức mang 800 ngàn ra đóng. Sau rồi gọi tụi mình ra hỏi ‘sao mấy đứa bảo được đưa người thân đến hội thảo, anh phải đóng tiền buffet kia kìa’. Tụi mình mới bảo là ‘thì rõ là được đưa người thân đến dự nhưng ăn thì phải đóng tiền ạ’. Hắn bực lắm nhưng không làm gì được”.
Dĩ độc trị độc
“Đối phó với kẻ keo kiệt thì mình cũng phải chai mặt theo”, chị Yến (nhân viên marketing) bày tỏ. Chị bảo công ty chị có anh chàng đồng nghiệp keo kiệt, mọi người mới lập mưu bắt chàng phải móc hầu bao.
“Phòng mình có thông lệ, đến sinh nhật ai thì người đó mời cả phòng đi liên hoan một bữa, các thành viên còn lại thì góp tiền mua cho người đó một món quà tương xứng. Đến lượt chàng keo thì chàng ấy không tổ chức ở nhà hàng, mà mời mọi người đến nhà dùng ‘bữa cơm thân mật’.
Bữa cơm của chàng đúng là ‘thân mật’ thật, ngoài 7 đứa phòng mình còn có thêm 5 người bạn nữa của chàng, tính cả chàng là 13 người. Thế mà chỉ có 2 con vịt luộc, 2 cân bún, 2 đĩa lòng lợn luộc và một ít dưa chuột chẻ. Mọi người nhìn nhau ngán ngẩm không biết ai ăn, ai đừng.
Có chị cùng phòng mình bạo miệng mới bảo chàng là gọi thêm ít pizza, vì mọi người đều chưa ăn tối, rất đói. Chàng không biết số nên nhờ chị ấy gọi hộ, chị ấy gọi luôn 4 cái to, tổng thiệt hại hết 1 triệu đồng. Chàng ra trả tiền mà há hốc mồm bảo ‘em tưởng chị gọi có 1 cái thôi chứ’. Từ vụ ấy chàng cảnh giác hẳn, nhờ mua cái gì cũng phải hỏi lại giá tiền bao nhiêu”, chị Yến kể.
Cho mượn xe… hết xăng
Sau một thời gian chịu đựng tính keo bẩn của ‘lão’ sếp, chị N. Vân (Đống Đa, HN) đã nghĩ ra cách trả đũa khiến cả phòng phải thán phục.
Chị kể: “Lão trưởng phòng cũ của mình, keo kiệt khét tiếng cả cơ quan. Lão chả bao giờ đóng góp một cắc nào vào các vụ ăn uống, tụ tập của phòng. Tính tiền thì chi ly từng tí một, ai đời quỹ phòng còn dư có 8 ngàn đồng lão cũng hỏi, quỹ này là trích từ tiền thưởng của mọi người đóng nhá. Đi ô tô đi làm nhưng hễ đi ra ngoài có việc gì là lại lấy xe công, mà có những việc không liên quan đến cơ quan lão cũng mượn cớ để mượn xe.
Lão chê cơm căng tin đắt mà lại không ngon nên trưa nào cũng về nhà ăn cơm vợ nấu. Nhưng lão lại chả bao giờ đi ô tô của mình về, xoay vòng mượn xe máy của đồng nghiệp. Nhà lão cách cơ quan tầm 3km nên cũng chả tốn xăng là bao nhưng vì lão hỏi mượn nhiều quá, thêm cái tính keo kiệt nên mọi người ghét. Lão mượn nhiều mà chả bao giờ đổ xăng cho ai, có chị bị hết xăng giữa đường vì lão đi gần hết mà không đổ hộ, ức lắm.
Có một hôm xe sắp hết xăng nhưng mình không thèm đổ. Buổi trưa lão hỏi mượn, mình đưa ngay. Đầu giờ chiều đến cơ quan lão đưa mình chìa khóa và bảo ‘xe em hết xăng, anh đổ HỘ em 100 ngàn rồi nhé’. Lão nhấn mạnh chữ HỘ, ý là để mình gửi lại tiền. Mình cảm ơn rồi lờ đi không thèm đưa tiền. Lão tẽn tò đứng ở bàn mình một lúc rồi cũng về chỗ ngồi.
Mấy bà phòng mình mới rỉ tai bảo chắc lão tính đổ ít sợ không đòi được tiền nên đổ 100 cho chẵn, ai dè bị hớ. Mấy hôm sau mượn xe, lần nào lão cũng nhắc câu ‘hôm nọ anh đổ xăng đầy bình rồi nhé’ ý là đổ xăng rồi thì phải cho mượn xe thoải mái ấy. Đến chết cười với cái tính keo của ông này”.
K. Minh