Cứ khi nào chị không làm bà vừa ý, bà lại lôi chuyện gia đình chị để bêu rếu. Biết chuyện, mấy người bạn bảo chị: “Đừng nhịn, mẹ chồng 'hư' thì phải xử!”.

Có lẽ chưa điều gì khiến chị Trinh (Hàng Nón, Hà Nội) thất vọng như thất vọng về mẹ chồng. Trước đây, khi mới tiếp xúc với bà Liên, chị ngây ngất và hãnh diện khi có một người mẹ chồng hiện đại và vô cùng quảng giao như bà. Chị cảm tưởng mọi tiếng cười trong ngôi nhà đều xuất phát nhờ sự hài hước, yêu đời của mẹ chồng mà ra. Chị cảm nhận được sự xởi lởi qua cách nói chuyện của bà, vậy nên hàng xóm xung quanh có vẻ ai cũng quý mến bà.

Thế nhưng đúng là ở trong chăn mới biết chăn có rận. Từ khi về làm dâu, chị mới biết mẹ chồng không đơn giản như chị nghĩ và làm dâu phố cổ cũng khó khăn hơn chị tưởng tượng nhiều.

Chị và anh Ánh yêu nhau khi cả hai chân ướt chân ráo ra khỏi trường đại học và đi làm. Khi công việc cũng tương đối ổn định, anh chị quyết định đưa nhau về dinh. Anh Ánh là một chàng trai tốt bụng, thông minh, nhanh nhẹn, ưa nhìn. Ngày đầu tiên, anh đưa chị về giới thiệu với gia đình rất êm xuôi, bố mẹ chồng tương lai ra vẻ rất ưng chị. Đến nhà anh, chị cảm nhận được sự nồng ấm trong không khí gia đình, sự hạnh phúc qua cách mọi người đối xử với nhau.

{keywords}

Chị Trinh thấy mình càng nhịn, bà càng không coi ra gì (Ảnh minh họa).

Sau khi cưới, chị cũng thật thà tìm đến mẹ để giãi bày tâm sự về mình. Gặp chuyện buồn, chị không ngại ngùng gục đầu vào vai mẹ khóc ngon lành, chị cứ nghĩ mẹ chồng như mẹ đẻ mình vậy.

Chị sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên, mảnh đất tươi đẹp nổi tiếng với món chè thượng hạng, chị cũng từng được bố mẹ yêu thương, dạy dỗ, chăm bẵm suốt tuổi thơ ngọt ngào, nhưng không may bố chị sớm qua đời vì bị sốc khi biết mẹ có người đàn ông khác.

Lúc đó chị còn quá nhỏ để có thể can thiệp giữ gìn mái ấm, mọi thứ cứ thế tuột qua chị lúc nào không biết. 9 tuổi, chị đã sống với ông bà ngoại, số lần mẹ về thăm chị đếm trên đầu ngón tay.

Đến giờ khi được làm con của bố mẹ chồng, chị mong mỏi chị sẽ bù đắp được sự thiếu thốn tình cảm thời bé. Nhưng rồi chị vô cùng buồn và tự ái khi một ngày người em của mẹ chồng đến chơi và nói: “Cháu là cháu sướng lắm đấy. Sinh ra, bố mẹ đã không ra gì mà giờ lọt ngay vào gia đình có bố mẹ chồng tốt. Đúng là chuột sa chĩnh gạo đó”. Chị biết câu nói đó không sai hoàn toàn nhưng chị không hiểu mẹ chồng đã nói gì với dì mà bà bảo bố mẹ chị là "loại không ra gì".

Rồi một ngày chị thực sự bị sốc khi chính tai chị nghe thấy mẹ đi rêu rao với hàng xóm: “Bố mẹ nó là loại chẳng ra gì, mẹ thì theo trai khiến bố nó uất mà chết”. Chị đứng trân trân khi nghe họ lời qua tiếng lại. Chị khóc như mưa khi nghe mẹ chồng còn tự hỏi: “Liệu có khi nào nó sẽ giống mẹ nó không nhỉ? Con cái kiểu gì mà chẳng giống bố mẹ?”

Nuốt nước mắt vào trong, chị im lặng tự an ủi mình: “Có lẽ với người tính xởi lởi như bà khó tránh khỏi những lúc lỡ lời”.

Chị cố gắng quên đi sự việc đó và vẫn tận tâm với chồng, với gia đình chồng. Ngày ngày đi làm về đúng giờ, chị lao vào làm việc nhà, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Thấy vợ đảm đang, chăm chỉ, anh Ánh vui lắm. Anh bảo: “Từ ngày có vợ, gia đình vui hơn, cơm ăn ngon hơn, nhà sạch hơn”. Nhiều khi anh còn vô tư khen vợ trước mặt mẹ: “Trinh còn khéo hơn cả mẹ, mẹ nhỉ? Trinh làm gì cũng không ai phải chê”.

Và khi cả chồng lẫn bố chồng đều khen ngợi chị, chị cảm thấy mẹ chồng không hài lòng chút nào.

Một ngày, chị bị mệt và xin nghỉ làm sớm, về tới nhà chị thấy bà đang bới tung tủ đồ của chị. Thấy chị, bà có chút ngượng nghịu, song bà cũng không vòng vo, đi thẳng vào vấn đề: “Đồ lót mà sao con cầu kỳ thế, có bao nhiêu chiếc chưa mặc, còn nguyên mác. Mà mẹ góp ý luôn nhé, con dùng những đồ lót phản cảm thế này chẳng khác nào như đàn bà không đàng hoàng. Không phải con đang có ý định quyến rũ người đàn ông nào đó chứ?”.

Đến lúc này chị mới hiểu mẹ chồng đang nghĩ chị cũng giống mẹ đẻ mình, sẽ là người không ra gì. Chị giải thích thế nào bà cũng nhất nhất bảo chị “khôn hồn thay đổi đi”.

Không những thế, bà còn nói rõ với chồng chị rằng “nhìn thấy điềm gở về đức hạnh của con dâu”. Anh Ánh hiểu rõ tính vợ nên anh chỉ gạt đi và không nghe.

Thấy con trai bênh vợ chằm chặp, bà càng không hài lòng. Từ đó, bà ghét con dâu ra mặt. Không dưới 3 lần chị bắt gặp bà lọ mọ lục lọi phòng riêng của vợ chồng chị, lén lút đọc tin nhắn trong máy điện thoại của chị. Trước mặt con trai, bà luôn vui vẻ với chị nhưng sau lưng, khi chỉ có hai mẹ con, bà lại lôi chuyện gia đình không hạnh phúc của chị ra để đay nghiến rằng chị quá sướng khi lấy được con bà, làm dâu bà.

Chị Trinh thấy mình càng nhịn, bà càng không coi ra gì. Chị đã cố gắng 9 bỏ làm 10 những mong gia đình được êm ấm nhưng càng ngày bà càng được nước lấn tới. Cứ khi nào chị không làm bà vừa ý, bà lại lôi chuyện gia đình chị để bêu rếu. Biết chuyện, mấy người bạn bảo chị: “Đừng nhịn, mẹ chồng 'hư' thì phải xử!”.

Một lần, khi cả nhà chưa ai xuống ăn, có bà và chị, bà chê chị: “Thức ăn thì mặn, cơm thì nhão. Thế này thì nuốt sao nổi mà còn khen là sao?”.

Chị quá mệt mỏi và nói thẳng với mẹ chồng: “Tại con có nghe mẹ chê con với các bác hàng xóm con là đứa bất hạnh, bố mẹ thất đức, sống vô vị nên nấu ăn cũng nhạt toẹt, hôm nay con phải nấu đậm hơn”.

Sượng sùng, bà im lặng, bà biết mình đã sai. Từ hôm đó, chị thay đổi hẳn thái độ, chị không vui vẻ, hăm hở tâm sự với mẹ chồng như trước đây nữa.

Điều chị lo lắng nhất là điều này biết đâu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tình cảm của vợ chồng chị. Chị biết, hàng ngày bà vẫn chê trách chị với anh Ánh. Chị tâm sự: “Chẳng bao giờ mình nghĩ chuyện mẹ chồng nàng dâu lại căng thẳng như thế này. Nhưng thực sự mình không biết phải làm thế nào...”.

Cuối cùng, sau rất nhiều lần cố gắng 9 bỏ làm 10 mà không khí gia đình vẫn càng căng thẳng hơn, chị bàn với anh Ánh xin phép bố mẹ chồng cho ra ở riêng. Chị bảo đây chính là cơ hội “xử” mẹ chồng và hơn cả, biết đâu sự xa cách này sẽ khiến mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu dịu bớt.

(Theo Trí thức trẻ)