“Biện pháp cấm tham gia một số loại hình lao động nặng nhọc áp dụng chỉ cho lao động nữ có vẻ tuỳ tiện và định kiến. Vì thực tế, có phụ nữ có thể lực rất tốt, và cũng có nhiều nam giới thể lực kém”, bà Nghiêm Kim Hoa nhận xét.

Sau khi VietNamNet đưa tin phản ánh việc thông tư 26 của Bộ LĐ-TB&XH quy định danh mục 77 công việc không được thuê phụ nữ làm, nhiều chuyên gia về giới cho biết thông tư này còn nhiều điểm bất cập, thiếu căn cứ khoa học cho biện pháp quản lý này.

TS. Nghiêm Kim Hoa, chuyên gia độc lập về nhân quyền, tác giả cuốn “Giới thiệu công ước quốc tế về các quyền kinh tế xã hội và văn hóa” cho rằng xác định những việc nguy hại đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng là một việc làm cần thiết, thể hiện quan điểm tiến bộ trong quản lý. Tuy nhiên cách thực hiện cần dựa trên những cơ sở khoa học cụ thể để đưa ra những biện pháp hợp lý.

{keywords}

Mưu sinh nhọc nhằn. Ảnh chỉ có tính minh họa

"Ví dụ, cho rằng việc vác nặng 50kg sẽ ảnh hưởng đến hệ vận động của người lao động. Cần có nghiên cứu xác định rõ ngưỡng chịu đựng của thể lực, sau đó mới có thể đưa ra giải pháp. Nếu ngưỡng này là đúng thì biện pháp bảo vệ người lao động nên là cần có biện pháp giảm tải trọng (ví dụ yêu cầu đóng gói khi vận chuyển thủ công không quá 50kg/kiện - nhiều hãng hàng không có quy định như vậy), nếu nặng hơn thì bắt buộc phải có phương tiện hỗ trợ như máy nâng, vv.. Đồng thời xác định người lao động khi tham gia công việc này cần đáp ứng tiêu chuẩn thể lực nào, chứ không phải là nam hay nữ.

Biện pháp cấm tham gia một số loại hình lao động nặng nhọc áp dụng chỉ cho lao động nữ có vẻ tuỳ tiện và định kiến. Vì thực tế, có phụ nữ có thể lực rất tốt, và cũng có nhiều nam giới thể lực kém. Ngược lại, cũng có thể có những công việc có ảnh hưởng đến nam giới, cũng cần hiểu biết thêm về vấn đề này để có biện pháp khắc phục phù hợp. Chúng ta cũng cần lắng nghe ý kiến của chính những người đang làm những nghề này”, bà Hoa phân tích.

Theo bà Hoa cơ quan quản lý cần có, và công khai căn cứ khoa học cho các biện pháp quản lý của họ. “Đó cũng là cách thuyết phục mọi người rằng biện pháp cấm đó là hợp lý chứ chỉ áp dụng biện pháp hành chính thì không có sức thuyết phục được”, bà Hoa nói.

Ảnh 1: Không khuyến khích sử dụng lao động nữ chứ không nên cấm bởi dù công việc nặng nhọc nhưng nếu phụ nữ có nguyện vọng hay mong muốn thì vẫn được chấp nhận. (Ảnh Kim Minh)

Ông Trương Hồng Quang, chuyên gia về giới của tổ chức Care Việt Nam cho biết, thông tư 26 này ra đời nhằm cụ thể hóa điều 160 của luật Lao Động liên quan đến cái khái niệm gọi là công bằng giới, nghĩa là chấp nhận sự khác biệt về sinh học giữa cơ thể nam giới và phụ nữ để có những đối xử phù hợp cho từng giới; cụ thể ở đây nền tảng của điều 160 đề cập về sự liên quan của phụ nữ với việc mang thai và nuôi con nhỏ. Tóm lại việc ra đời thông tư này là cần thiết và quan trọng.

Tuy nhiên, quyết định nào cũng có 2 mặt “được” và “mất”, vì vậy cần xem xét yếu tố “mất” để xem có hướng nào giảm nhẹ được những điểm bất lợi đó. Theo ông Quang, nên chia làm hai loại công việc/nghề nghiệp “không được sử dụng lao động nữ” và “không khuyến khích sử dụng lao động nữ” chứ không nên cấm hoàn toàn.

“Trong các công việc KHÔNG KHUYẾN KHÍCH sử dụng lao động nữ có nghĩa là nếu phụ nữ có nguyện vọng hay mong muốn thì vẫn được chấp nhận”, ông Quang nói.

Ngoài ra, ông Quang cũng chỉ ra, một số công việc/nghề nghiệp trong danh sách cấm chưa cho thấy rõ ràng mối liên quan đến đặc điểm sinh học của giới, ví dụ mục 30 - lái ô tô có trọng tải trên 2,5 tấn (trừ các ô tô trọng tải dưới 10 tấn có hệ thống trợ lực), 31 - các công việc phải mang vác trên 50kg, 34 - lái máy kéo nông nghiệp có công suất từ 50 mã lực trở lên.

TS. Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) trả lời trên Lao Động cũng cho rằng, thoạt tiên Thông tư 26 có vẻ bênh vực quyền lợi cho phụ nữ, tuy nhiên nó lại làm gia tăng khả năng khó tìm việc của phụ nữ. Thực tế có những công việc có tên trong “danh sách cấm” chỉ chị em phụ nữ làm chứ lao động nam cũng không tha thiết.

Đó là chưa nói, cơ cấu, đặc thù ngành nghề của ta khác rất xa thế giới, trong hoàn cảnh hiện nay, chủ trương này quá lý thuyết, quá hàn lâm và vênh thực tiễn. Nếu muốn thực sự đi vào đời sống, thông tư không thể chỉ mất một sớm một chiều mà phải có giai đoạn quá độ. Ngay bây giờ, nếu cứ loại trừ lao động nữ ra khỏi những công việc vất vả, cực nhọc mà họ đã gắn bó bao năm vì cuộc mưu sinh sẽ dẫn đến những hệ quả vô cùng bất cập về lao động, xã hội.

Kim Minh