- Khi những cú sốc ban đầu về những hình ảnh hành hạ trẻ ở trường Trường mầm non tư thục Phương Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) qua đi, nhiều câu hỏi được đặt ra với các ông bố bà mẹ.

Tin bảo mẫu hơn tin con

Những hành động phản cảm, độc ác của các cô bảo mẫu trường Trường mầm non tư thục Phương Anh không chỉ gây bất ngờ cho hàng triệu độc giả, mà còn cả cho cha mẹ các bé, những người gần gũi các bé nhất.

Mẹ bé Lê Tuấn Khang (SN 2012), một trong những trẻ bị bạo hành được ghi lại trong clip, cho biết: "Khi mang con gửi ở nhóm trẻ này được chừng nửa tháng, khi đón con về tôi có thấy cháu có nhiều vết bầm ở hai sườn sau, bầm ở mặt nữa nhưng tôi cứ nghĩ rằng cháu hiếu động, khi chơi đùa bị va quệt với vật cứng nên mới bị bầm, ai ngờ rằng tất cả đều là dấu vết của việc con tôi bị bạo hành”.

“Tôi cũng thấy nhiều lần Khang không muốn đi học nữa mà đòi ở nhà. Có nhiều lần khi đón con về, tôi thấy Khang bị ói ra cơm vẫn còn nguyên hạt nên tôi có gọi điện hỏi cô Phương là tại sao lại như vậy thì cô Phương nói là cháu ăn như vậy là tốt". Chị cũng cho biết, bình thường Khang ở nhà rất dễ ăn, nhưng khi gửi vào trường thì cháu trở nên khó ăn hơn. Nhiều lúc, cháu nằm ngủ nhưng hay bị mê sảng.

Chị vẫn liên tục hỏi thăm, quan tâm tới tình hình con mình ở nhóm trẻ, thậm chí, để yên tâm hơn, hàng tháng chị còn bồi dưỡng thêm tiền cho các “cô giáo”. Không ngờ con mình vẫn bị đối xử như vậy. Cũng có lần chị hỏi thẳng bà Phương nhưng cô Phương chối. Và người mẹ ấy đã tin.

{keywords}
Mẹ cháu Hòa đau xót khi xem clip con mình bị bạo hành.

Chị Phương, mẹ bé Nguyễn Trần Hòa (3 tuổi) khi xem đoạn clip cũng bật khóc nức nở: "Trời ơi, tôi không ngờ con tôi khổ thế này..."

Chị Phương nói rằng, cháu Hòa là một trong những trẻ đầu tiên tại nhóm trẻ Phương Anh. Thấy bà Phương (chủ nhóm trẻ) vốn có vẻ ngoài hiền lành, học thức, có bằng cấp hẳn hoi nên chị rất tin tưởng mà gửi đứa con trai duy nhất của mình vào. Tuy nhiên, qua một thời gian thì chị thấy cháu có những biểu hiện rất lạ như sức khỏe của cháu ngày càng giảm sút.

Thông thường, mỗi khi cháu Hòa bị cảm thì khoảng 2,3 ngày sau sẽ tự lành, lâu lắm thì uống thuốc chừng 4,5 ngày sẽ ổn nhưng càng về sau cháu mỗi khi bị bệnh thì rất lâu mới lành. Ngoài ra, nhiều đêm đang ngủ cháu bất ngờ thức dậy rồi khóc, nôn ói. Đến nỗi, mỗi khi Hòa ngủ thì chị lại mang chiếc thau nhựa nhỏ màu xanh bỏ lên đầu nằm của con để khi nào cháu ói thì có cái mà hứng cho kịp.

Hiện tại, sau khi nhà trẻ đóng cửa, chị Phương phải ở nhà trông con. Cháu Hòa có những biểu hiện rất lạ như rất thích mẹ cột chân mình. Lâu lâu, đang nằm thì cháu lại luôn miệng nói những câu lảm nhảm trong miệng mà không ai có thể biết nội dung là gì. Có lúc, bất thình lình cháu lại đòi bóp cổ mẹ rồi cười.

Điểm chung của các bà mẹ này là hết sức tin tưởng bảo mẫu nên lơ là những biểu hiện bất thường ở con sau khi được đưa đi nhà trẻ như nôn ói, mê sảng lúc ngủ, sức khỏe giảm sút.

Một thành viên Facebook có tên Diệp Chi bức xúc chia sẻ: "Chả nhẽ cha mẹ của lũ trẻ không hề hay biết khi việc con họ bị bạo hành diễn ra trong từng bữa ăn, ám ảnh từng giấc ngủ, triền miên hàng tháng trời? Chả nhẽ không mảy may nghi ngờ mỗi lần đưa đón khi phản ứng hiển nhiên của một đứa trẻ khi bị bắt nạt (chưa nói đến bạo hành) là lập tức mách với cha, với mẹ, với ông bà, với bất kỳ ai thân thiết mà chúng gặp (thậm chí còn nhớ rất dai và thường xuyên nhắc đi nhắc lại cho tới khi nhận được sự chú ý)?

Đã băn khoăn tự hỏi nhiều như thế cho tới khi đọc được những lời đau xót muộn màng của các phụ huynh. Hoá ra những dấu hiệu bất thường là có & quá rõ ràng. Là khóc lóc, là hoảng sợ, là không muốn tới trường, là về nhà trớ ra cả những hạt cơm còn nguyên (vì bị ép nuốt vội ở trường), là những thương tích, lở loét (mà mẹ đứa trẻ đã hồn nhiên nghĩ là do con tự gãi?!)...".

Hãy lắng nghe con

Chị Thu Phượng (Đại La, Hà Nội) có 2 con trai dưới 5 tuổi. Dù công việc không bận rộn lắm nhưng, giờ giấc thất thường, chị đăng ký gửi con ở một nhà trẻ tư từ 7 giờ sáng tới 9 giờ tối. Bé ăn một ngày 3 bữa chính, bữa phụ ở trường, tối về nhà với bố mẹ chỉ để ngủ. Hôm nào nổi hứng thì chị Phượng cho trẻ uống thêm chút sữa hoặc ăn vài thứ thức ăn vặt. Đi đâu chị cũng tự hào khoe chị nuôi con nhàn lắm, khoe tìm được chỗ gửi con tốt... Thế nhưng ai cũng ái ngại khi thấy hai đứa bé nhà chị da xanh xao, đầu to, hiếu động nhưng thấy người lạ là nép vào người bố mẹ.

Còn chị Thúy (Hà Tĩnh) có con gái hơn 3 tuổi thì đặc biệt hơn. Là giáo viên cấp 1, chị có thời gian chăm lo cho con, chịu làm món này món nọ đổi bữa cho con, nhưng con chị lại rất lười ăn. Vì thế chị đành nhờ vả hoàn toàn vào các cô bảo mẫu. Chị vui vẻ: ở nhà bé ăn nửa bát cơm có khi cả buổi không hết, nhưng cứ đến lớp là bé ăn thun thút hai bát liền vì... sợ cô. Nhiều hôm, thứ 7, Chủ nhật bé được nghỉ nhưng chị vẫn cùng con xách cơm, cháo đến nhà cô để nhờ cô cho ăn xong thì đến đón về.

Không ít phụ huynh có tâm lý giống chị Phượng, chị Thúy, phó mặc việc ăn uống, việc chơi của con cho bảo mẫu, người giúp việc rồi cuối ngày chỉ ôm ấp, vuốt ve con một chút trước khi lên giường. Thấy con "vẫn ổn" là yên tâm. Cũng có những người vì cuộc mưu sinh quá nhọc nhằn mà việc hỏi han, lắng nghe con thành quá xa xỉ.

Trở lại với câu chuyện của các bé ở trường Mầm non tư thục Phương Anh, Facebooker Diệp Chi viết: "Thật đau xót khi những đứa trẻ ở độ tuổi lẽ ra phải được nâng niu nhất lại bị bạo hành một cách dã man, nhưng đau xót hơn là sự việc đã diễn ra trong thời gian dài, những đứa trẻ đã hoảng loạn thực sự, đã phát ra tín hiệu "cầu cứu" mà cha mẹ chúng vẫn "tin hoàn toàn ở cô giáo".

Có phải vì lời nói của những đứa trẻ không có trọng lượng?

Thay vì đổ hết niềm tin vào "cô giáo" thì hãy tin giọt nước mắt của những đứa trẻ, tin vào lời nói ngây ngô nhưng thật thà, tin vào những xết trầy xước trên cơ thể mỏng manh. Tất cả chúng không tự nhiên mà có. Những đứa trẻ chưa biết bịa chuyện trên trời".

Diệp Chi cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình: "Không phải ngẫu nhiên mà mình cho con đi học khi con tròn 2 tuổi - là muộn so với nhiều bạn khác. Khi con nói tương đối sõi, biết mách, biết cảm nhận và thốt lên thế nào là "đau". Với mình, đó là cái mốc "an toàn" để đưa con tới trường. Để mẹ không phải mông lung, hoang mang trước những dấu hiệu lạ, để buộc phải tin hoàn toàn vào cô giáo khi con chưa thể cất lên tiếng nói (dù rất nhỏ) của mình.

Trở thành một người bạn của con, thể hiện rõ sự quan tâm, thích thú lúc con kể chuyện thì khi con đã biết nói ríu rít như chim chích, dù mẹ không ở trường, dù cô không kể thì mẹ cũng trở thành "biết tuốt": hôm nay con ăn gì, học thế nào và có bạn nào (nhỡ) đánh con hay không".

Mong sao không còn người mẹ người cha nào còn phải đau lòng vì con bị ngược đãi bạo hành, nhất là ở môi trường giáo dục. Mong sao, bằng chính sự quan tâm luôn luôn tới các con, cha mẹ phải biết, phải có hành động ngăn chặn ngay khi những hành động bạo lực xấu xa mới manh nha.

Minh Thư

BẠN NGHĨ GÌ VỀ QUAN ĐIỂM NÀY? MỌI Ý KIẾN XIN GỬI THEO MẪU PHẢN HỒI DƯỚI ĐÂY HOẶC EMAIL DOISONG@VIETNAMNET.VN !TRÂN TRỌNG CẢM ƠN!