Ngay sau khi vụ việc trẻ mầm non bị cô bảo mẫu hành hạ, nhiều bậc phụ huynh đứng ngồi không yên khi gửi con. Và còn những chuyện bi hài bất ngờ...

“Nếu con tôi không ăn, hãy mặc kệ nó”

Clip trẻ con bị cô giáo bạo hành khiến cả xã hội xôn xao, công ty chị Ánh (Tây Hồ, Hà Nội) cũng không ngoại lệ. Sau giờ trưa, clip được anh chị em trong phòng Kinh doanh lôi ra mổ xẻ rồi đi đến kết luận: “Tất cả trường hợp bạo lực xảy ra trong nhà trẻ Phương Anh, trùng hợp thay, đều xảy ra trong giờ ăn, tuyệt nhiên không thấy trong giờ chơi hay giờ ngủ, cộng thêm cô giáo kém trong khoản kiềm chế nóng giận, thiếu kiên nhẫn mới xảy ra cơ sự này”.

Kết luận đưa ra, anh chị em trong phòng mới ồ lên. Trưởng phòng Kinh doanh kể lể: “Cu nhà chị 16 tháng, 2 người trông mà còn kêu như vạc, ấy là hoàn toàn không phải nấu nướng gì, chị nấu sẵn đồ ăn cho bé tất cả các ngày, buổi sáng trước khi đi làm thì đã rửa mặt thay tã sạch sẽ, tối về tự tắm con ru con ngủ. Ấy thế mà đến giờ con ăn, 2 người giúp việc người xúc người nhảy múa bên cạnh cũng cả tiếng mới xong bát cháo.”

{keywords}

Ảnh minh họa

Nghe trưởng phòng kể thế, chị Vân hoang mang lắm: “Con người ta hai bảo mẫu còn chẳng ăn ai, nhà mình không được điều kiện như thế phải gửi con đi trẻ. Cháu cũng mới 18 tháng, hai cô trông cả hai mươi cháu, mà con mình nổi tiếng cả xóm vì khảnh ăn…” Thế là, chân sấp chân ngửa, chị Vân vội vàng phi đến nhà trẻ, đang giờ các cháu ăn, chị đứng ngoài rình rập ngó vào, thấy bé Bon đang lắc lắc đầu trước bát cháo cô cho ăn. Cô bảo mẫu cố nựng cháu há miệng ra để ăn cháo: “Bon ăn nhanh, không ông ba bị bắt!”

Nghe thế, Vân xông vội ra, phi ra chỗ bé Bon đang ngồi, nói: “Nếu con tôi không ăn, cô cứ mặc kệ nó!” Cả cô cả trò ngẩn tò te, bé Bon thấy mẹ đến làm nũng khóc ầm lên, phun cả thìa cháo cô vừa đút được tung tóe.

Bảo mẫu trả các cháu cho cha mẹ vì sợ… mang tiếng

Trong các khu dân cư đông đúc ở thành thị, hay có một gia đình, thường là ông bà về hưu đứng ra trông giúp các cháu còn nhỏ, chưa đến tuổi đi mẫu giáo để cha mẹ yên tâm đi làm. Xóm 1, Xuân Thủy, CG nhà chị H.M (Nhân viên truyền thông) cũng không ngoại lệ. Bà Hoa xóm chị đã có kinh nghiệm trông trẻ mấy năm. Chị chia sẻ: “Bà trông trẻ thi thoảng hay nạt bọn nhóc, bọn nó hư cũng đánh, nhưng bà đánh khá nhẹ nhàng và để chúng nó có ý thức thôi.”

Mọi chuyện bắt đầu từ buổi tối hôm kia, chồng bà Hoa vừa ăn cơm nhắm rượu vừa xem thời sự thì nhìn thấy clip bạo hành trẻ em. Ông hoảng lắm, quay sang bà nói luôn: “Đấy, bà thấy kinh chưa. Bố mẹ chúng nó mà nhìn thấy bà quát với phát mông bọn trẻ con rồi mích lòng thì sao? Rồi dùng ai – pôn với ai – pét quay lại thì sao?”.

Ông lớn tiếng “dân vận” bà từ nay không được quát mắng, đánh gì cả, không trông được bình thường thì trả bố mẹ nó chứ nhỡ đâu người ngoài nghe thấy bà quát lại tưởng bạo hành trẻ con...

{keywords}

Ảnh minh họa

Hậu quả, sáng hôm sau các mẹ túi lớn túi nhỏ mang con sang gửi, bà Hoa vừa nhận cháu vừa khóc rấm rức, rồi bà bảo cuối tháng bà ko trông nữa cho khỏi mang tiếng. Chị M. và các mẹ hoảng hồn vội "a lô" lên cơ quan xin đi làm muộn để “họp kín” tìm cách tháo gỡ. Cuối cùng, tối hôm đó các mẹ phải mua hoa quả bánh trái sang chơi với ông bà, tâm sự nói khéo làm “công tác tư tưởng” cho "cụ ông", để "cụ bà" an tâm trông trẻ.

Hội “camera công sở”

Trước đến nay, khi công việc nhàn rỗi, chị em ban biên tập tạp chí C.V (Hoàng Cầu, Đống Đa) có thói quen lên mạng rình hàng giảm giá và săn vé máy bay giá rẻ. Thì nay, sở thích ấy đã không còn vì các chị các mẹ còn sốt sình sịch không yên tâm các con ở nhà trẻ đang không biết “đi đâu, về đâu”

Chị T.Bình (29 tuổi) chia sẻ: “Nhà trẻ của “hĩm” nhà mình vốn có camera từ lâu, nhưng mình có để ý làm gì. Con về ngoan ngoãn ngồi chơi, tăng cân đều là bố mẹ mừng rồi. Nhưng bây giờ mình lo lắm, nhỡ đâu các cô cũng đánh mắng ép ăn, rồi “dạy lén” các con ở góc nào thì sao?”

Thế là, chị bật luôn 2 cửa sổ máy tính, 1 để làm việc, 1 để “soi” camera nhà trẻ, thấy con đấy thì tạm yên tâm, không thấy con đâu phải vội vàng bốc máy gọi cho cô giáo, mặc cô phân trần: “Em đang dẫn cháu đi bô.”

Không chỉ chị Bình, các chị em trong công ty cũng cùng chung tâm trạng. Mấy hôm trời lạnh nhưng không khí trong phòng thì nóng hừng hực, các mẹ ngó trước ngó sau không thấy sếp đâu là lại bật camera nhà trẻ ra xem, xì xồ bàn tán. Công việc chất đống chưa được giải quyết, nhưng các chị em chẳng màng.

Tìm đâu phương pháp

Lo lắng thái quá và những thái độ tiêu cực vốn không giúp con trẻ được an toàn hơn, khỏe mạnh hơn. Cha mẹ cần bình tĩnh và tìm ra phương pháp hữu ích bảo vệ con trẻ. Muốn con mình được chăm sóc tốt thì cha mẹ cũng cần phải học cách làm một ông bố bà mẹ thông thái.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Thay vì suy nghĩ tiêu cực, lên mạng “chém gió”, các ông bố bà mẹ chúng ta hãy thử hỏi han con mỗi ngày hôm nay ở trường con thế nào, tắm cho con hỏi xem con có đau ở đâu hoặc chơi cùng với con 1 trò chơi, vẽ cùng với con một bức tranh, xem cùng con một bộ phim hoạt hình… Mỗi ngày như thế, con hẳn sẽ hạnh phúc và lớn lên mạnh mẽ.

(Theo PLXH)