- Vì quan niệm trả nợ miệng, làm cỗ nhỏ thì sợ anh em họ hàng chê bai, khinh bỉ, nên đám cưới nào ở quê tôi cũng thường tổ chức hoành tráng và linh đình, cỗ bàn ăn mấy ngày với cả trăm mâm.

Quan niệm này dường như đã ăn sâu vào máu những người dân quê tôi, nên đám cưới nào cũng vậy, bất kể là cưới con cả, con út, con trai hay con gái, nhà giàu hay nhà nghèo, đều phải theo nhau.

Những gia đình có khách khứa cơ quan thì thuê rạp cả tuần rồi ăn uống linh đình suốt 4, 5 ngày. Những gia đình không có khách khứa cơ quan, hoặc không có nhiều anh em họ hàng ở xa thì bét nhất cũng phải ăn uống suốt 3 ngày.

{keywords}
Một đám cưới quê. Ảnh: CAND

Trong những ngày đó, vì tính gắn kết giữa anh em họ hàng, nên 1 nhà có đám cưới là tất cả các thành viên trong gia đình họ hàng đều đến giúp đỡ rồi ở lại ăn uống cho đến khi nào đám cưới kết thúc, rạp đám cưới bị gỡ bỏ thì mới thôi.

Vì thế cho nên, nhiều gia đình có họ to trong làng, khi tổ chức đám cưới cho con, thì riêng khoản cỗ phục vụ cho anh em, họ hàng ăn triền miên suốt 3, 4 ngày cũng đã tốn đến 7, 8 chục mâm. Mà đã là cỗ thì mâm nào mâm nấy phải có đến chục món, và món nào món nấy đầy ụ, chứ chẳng ai bầy đĩa thức ăn mà lèo tèo và toàn rau như trên thành phố.

Tuy nhiên, chính vì làm to và ăn uống linh đình suốt mấy ngày ròng rã như vậy nên tiền mừng cưới thu về so với tiền chi ra thường bị lỗ nặng, bởi tiền mừng của nông dân thường không nhiều, chỉ khoảng 100.000 đồng. Còn chỗ họ hàng thân quen thì cũng chỉ 200-300 nghìn đồng là cùng. Có khi, một hộ chỉ mừng cưới 300.000 đồng, mà hơn chục thành viên trong gia đình kéo tới ăn cỗ ròng rã mấy ngày. Trong khi đó, mỗi mâm cỗ ở quê bây giờ tính ra cũng phải 600 – 700 nghìn, đấy là còn chưa kể đến khoản tiền mua rượu bia uống tràn lan, rồi loa đài thuê về để xập xình xuốt mấy ngày...

Thế nên, sau đám cưới, từ nhà giàu đến nhà nghèo, không ai không nợ. Nhà giàu thì số nợ ít hơn chỉ khoảng vài chục triệu, vì đã có sẵn chút lưng vốn, còn nhà nghèo, có những nhà, khi cưới con mà trong tay không có lấy vài triệu nên phải đi vay toàn bộ, thậm chí vay nặng lãi đến 6, 7 chục triệu để lo liệu cưới xin cho con cho bằng làng bằng xóm, nên số nợ ấy cứ như cái gông đeo bám suốt cả cuộc đời họ.

Tuy nhiên, nếu có thêm việc cỗ bàn thì họ cũng lại vẫn phải theo đòi cho bằng anh bằng em. Thế nên có nhà, vì số nợ đám cưới con, mà trả nợ hết đời mình vẫn chưa hết nợ, phải chuyển sang cho con cho cháu trả.

Độc giả Minh Hiền (Thái Bình)

NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ THÓI TIÊU HOANG HOẶC TIẾT KIỆM TRÂN TRỌNG MỜI ĐỘC GIẢ GỬI THEO MẪU PHẢN HỒI DƯỚI ĐÂY HOẶC EMAIL DOISONG@VIETNAMNET.VN!TRÂN TRỌNG CẢM ƠN