Được mẹ chồng quý như con gái nên chị Trang về quê chồng ăn Tết trong tâm trạng phấn khởi, vui vẻ, không một chút áp lực.
“Mẹ sắm hết rồi, con đừng mua gì nữa nhé”
Khác với tâm lý chung của nhiều nàng dâu “sợ Tết quê chồng”, chị Trang (Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội) lại rất thích về quê chồng ăn Tết. Mẹ chồng chị là người tâm lý và tốt bụng, đối xử với con gái, con dâu như nhau nên chị cảm thấy rất thoải mái.
Ảnh minh họa |
“Nghe các chị than mẹ chồng vòi sắm Tết mấy chục triệu, rồi phải chuẩn bị tiền biếu Tết bố mẹ chồng, thấy mình may mắn quá. Mẹ chồng mình chẳng đòi hỏi gì, thậm chí bà còn gọi điện dặn nhiều lần là về không phải mua gì cả, ở nhà bà sắm hết rồi. Tết về hai vợ chồng chỉ đi chọn cành đào nữa thôi.
Năm ngoái vợ chồng mình biếu bà 5 triệu tiền tiêu Tết, bà chỉ lấy 2 triệu coi như vợ chồng mình góp ăn Tết cùng, còn lại để vợ chồng mình lo tiền sinh hoạt sau Tết. Mình ngại nên để phong bao mừng tuổi ông bà mỗi người 1 triệu. Bà mừng tuổi cháu (con mình) 2 triệu, coi như trả lại. Nói chung quan điểm của ông bà là không cho con cái được thì thôi chứ không lấy của con cái, vì ông bà vẫn khỏe mạnh và làm kinh tế cũng ổn. Thực tế là ông bà cũng cho vợ chồng mình rất nhiều”, chị chia sẻ.
Ba năm làm dâu, ba năm chị đều ở nhà chồng hết chuỗi ngày nghỉ Tết. Với chị, về nghỉ Tết ở quê chồng thoải mái như đi du lịch.
“Nhà khác thế nào mình không biết chứ nhà chồng mình Tết không phải nấu nướng mấy. Có nấu nướng thì cả mẹ chồng, mình và em chồng cùng làm nên rất nhanh. Ở quê nhưng cũng không phải dậy sớm 4,5 giờ chuẩn bị cơm nước gì đâu, cứ phải 6,7 giờ mới dậy, vì mẹ chồng mình bảo lạnh, dậy sớm cũng chẳng làm gì.
Sướng nhất là có người trông con cho hai vợ chồng đi lượn. Chứ ở nhà không có người giúp việc, tối tăm mặt mũi với con, chẳng đi đâu được. Về có ông bà trông cháu, Tết năm nào vợ chồng mình cũng tranh thù đi thăm quan được vài điểm trong tỉnh”, chị chia sẻ.
Tết chỉ ăn và ngủ
“Mình không ở chung với bố mẹ chồng nhưng cảm nhận được ông bà rất thương mình, thương như con gái luôn”, chị Thương (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Chị bảo từ ngày lấy chồng, chị chưa bao giờ phải đắn đo suy nghĩ chuyện mẹ chồng bênh và thương con đẻ hơn con dâu. Bà luôn đối xử với các con như nhau, thậm chí chồng chị còn hay bị mẹ “quạt”, nhắc phải giúp vợ cái nọ cái kia.
“Mình thì hơi vụng về nhưng làm gì mẹ chồng cũng không chê, mà chỉ nhắc khéo lần sau nên làm thế này sẽ tốt hơn. Đợt mình sinh, về quê chồng ở cữ 3 tháng, mẹ chồng không cho làm việc gì hết, chỉ ôm con đợi cơm cả 3 tháng trời, quần áo của hai mẹ con bà giặt hết. Bà chăm cháu cũng rất khéo, bà ngủ với mình toàn nửa đêm dậy thay bỉm, pha sữa cho cháu, nói chung mình được nhờ rất nhiều.
Tết về mẹ cũng chẳng cho làm gì, vì mẹ bảo hai vợ chồng làm lụng cả năm vất vả rồi, Tết về chỉ ăn ngủ rồi đi chúc Tết họ hàng thôi. Rất thoải mái. Riêng khoản mừng tuổi bà rất tiến bộ, chính bà bảo vợ chồng mình không nên để phong bao nhiều, chỉ mừng tuổi lấy may thôi. Thế nên dù họ hàng đông nhưng khoản mừng tuổi cũng không tốn kém lắm”, chị chia sẻ.
Chị bảo ai cũng có nhược điểm, và mẹ chồng chị cũng không phải là ngoại lệ. Để giữ được mối quan hệ tốt đẹp giữa chị và mẹ chồng, chị cũng phải khéo léo và cảm thông với mẹ. Mình coi mẹ như mẹ đẻ thì mẹ mới đối xử với mình như con gái được.
“Trong cuộc sống cũng có lúc không hài lòng chuyện nọ chuyện kia nhưng mình không để bụng, cố gắng kiềm chế tối đa. Mình nghĩ cứ sống chân thành với bà, tôn trọng bà, yêu thương bà thì bà tự hiểu và cũng sẽ đối xử với mình như thế. Thế nên mình lấy chồng 4 năm rồi mà chưa bao giờ có chuyện gì căng thẳng, nặng lời giữa hai mẹ con”, chị chia sẻ.
K. Minh