Chào anh Hưng, tôi đã khóc thầm từ hôm qua sau khi đọc bài báo "Bị bố đánh gãy 8 cái roi vì quên không nấu cơm" của anh, tôi cũng đã đọc những phản hồi của độc giả và nói chung không tìm được một lối thoát nào cho trường hợp những người không thể tự kềm chế cơn giận dữ như anh, có lẽ ngành Tâm lý học vẫn còn quá mới mẻ với VN.


Có một số ý kiến cho rằng nhờ bị đòn roi mà chúng ta đã ăn học thành tài, đỗ đạt và được cuộc sống giàu sang như bây giờ. Nhưng liệu những người giàu sang thành đạt này có đạt được hạnh phúc trong cuộc đời không?

Như trong trường hợp của anh, tôi tin rằng anh đã cảm nhận được.

Trong đời sống tất cả chúng ta đều thấy những nguy hiểm chung quanh, người lớn thì ở nơi làm việc trẻ em thì ở trường học, nhưng khi trở về gia đình, chúng ta được che chở, bảo vệ và được tiếp sức để rồi tiếp tục ra đời. Trong gia đình thì vợ chồng là nơi để chúng ta được tiếp sức hoặc cha mẹ là nơi trẻ em nương tựa, tối cần thiết và tối quan trọng đối với các em. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu như 1 đứa trẻ có người mẹ lạnh lùng hoặc người cha dữ tợn.

Bây giờ tôi xin mời anh và mọi người xem lại những diễn biến của anh Hưng từ thủa bé cho đến hiện tại để hiểu rõ ngọn ngành hơn (ở đây tôi xin gọi anh Hưng bằng bé Hưng):

{keywords}

Với thời gian, những vết thương của thể xác cũng lành lặn và phai mờ. Nhưng những nỗi sợ hãi trong tâm hồn đã đi sâu vào trong tiềm thức. Ảnh minh họa: Internet

Bé Hưng không thể hiểu được tại sao nó lại bị bố đánh đập dữ tợn như vậy, ông ấy đã không giải thích để bé Hưng hiểu được điều gì đúng điều gì sai và đúng thì sẽ được gì hoặc sai thì sẽ bị gì, ông ấy đã đánh, đánh và đánh... gãy hết rất nhiều cây roi... lâu dần bé Hưng trở nên chai lỳ với đòn roi, nhiều dây thần kinh trong thể xác bé đã tê liệt và bé không còn cảm thấy đau nữa. Những lúc ấy đầu óc của bé Hưng lùng bùng hỗn độn không còn biết những gì đang xảy ra chung quanh mình. Cảm giác sợ hãi khi bị cây roi đầu tiên cũng đã tê liệt như những dây thần kinh của thể xác... Bé Hưng đã chạy đến cầu cứu mẹ sau những trận đòn roi, mẹ là người duy nhất còn lại trong đời nầy có thể cứu giúp bé Hưng... Nhưng thật buồn cho bé, mẹ của bé đã ngoảnh mặt đi nơi khác và bỏ rơi bé với những nỗi đau thể xác và những nỗi sợ hãi trong tâm hồn.

Với thời gian, những vết thương của thể xác cũng lành lặn và phai mờ. Nhưng những nỗi sợ hãi trong tâm hồn đã đi sâu vào trong tiềm thức, nó không bị mất đi, nó chỉ ngủ yên đó như một nấm mồ với con ma sợ hãi bên trong....

Bây giờ bé Hưng đã là 1 người đàn ông thành đạt... Nhưng anh Hưng không thể hiểu được tại sao mình rất dễ dàng bộc phát giận dữ, đánh vợ đập con tàn nhẫn, anh Hưng đã nói và đã làm nhiều điều mà thực lòng anh Hưng không muốn.

Mỗi khi anh Hưng cảm thấy lo (sợ) phản ứng của anh Hưng là chống trả mãnh liệt, cảm giác như 1 đứa trẻ yếu ớt phải chống trả tất cả mọi nguy hiểm trong cuộc đời này, những lúc ấy đầu óc của anh Hưng cũng lùng bùng hỗn độn giống như thủa bé... "phải chống trả, phải chống trả..." ý tưởng mơ hồ trong đầu anh Hưng là phải chống trả và tự vệ, anh Hưng dùng hết sức lực và khả năng của thể xác mình để tự vệ và chống trả lại người... vợ yêu quý và đứa con thơ dại bé bỏng của mình.

Nhiều lần anh Hưng suy nghĩ và không thể hiểu được tại sao mình lại làm như vậy? Tại sao lại đối xử tàn bạo với người vợ bé bỏng và đứa con thơ dại của mình, những người mà anh Hưng tin tưởng chắc chắn là yêu thương và quý trọng mình nhất trong cuộc đời này. Anh Hưng tự nhủ mình sẽ đối xử nhẹ nhàng, êm ấm, ngọt ngào tràn đầy yêu thương với vợ con... Nhưng rồi bất chợt anh Hưng thấy lo (sợ) vợ con mình dại khờ thì sẽ bị khổ, tương lai con mình sẽ khổ... "phải giành lại, phải chống trả lại..." và... anh Hưng đã nổi nóng...

Tất cả mọi điều trên đời này phải có 2 đầu hoặc 2 mặt, cũng giống như tấm áo hoặc bất cứ điều gì. Vậy thì rõ ràng GIẬN DỮ và nổi nóng phải có mặt trái của nó đó là LO SỢ.

Tôi chắc chắn rằng anh Hưng đã biết giận dữ là gì khi viết lên những dòng tâm sự trên bài báo, ở đây tôi xin được góp ý thêm với anh 2 câu ngắn gọn:

1. Khi anh cảm thấy tức giận, hãy tự hỏi trong lòng mình: "(mình) tức giận cái gì?"

2. Khi anh cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng, hãy tự hỏi trong lòng mình: "(mình) sợ cái gì?"

Với thời gian khi 2 câu hỏi này trở thành thói quen trong lòng anh, tôi tin chắc chắn anh sẽ thấy không còn điều gì đáng để phải sợ hãi hay lo lắng quá sức, anh cũng sẽ thấy không còn điều gì đáng để phải nóng giận, tôi cũng tin chắc chắn là mỗi khi anh vượt qua được sợ hãi và nóng giận, anh sẽ thấy vợ và con anh dễ thương hơn, đẹp hơn và đáng quý trọng hơn.

Với trường hợp của bố anh và mẹ anh, xin anh nên thông cảm cho họ, tôi tin chắc rằng họ cũng đã không hiểu được tại sao họ đã đối xử với anh như vậy dù thật lòng họ đã rất yêu và rất quý anh. Nếu họ còn sống anh hãy đến gặp họ, nói rõ cho họ tất cả những cảm giác của anh, những gì anh đã trải qua và đã còn phải chịu đựng tới bây giờ, và hãy mở rộng lòng tha thứ cho họ, hãy làm hòa với họ. Tôi tin chắc chắn là anh sẽ cảm thấy lòng thanh thản hơn, giống như trút bỏ được 1 gánh nặng gì đó (có thể đó là nấm mồ của con ma sợ hãi).

Nhưng xin anh lưu ý, anh có thể trút bỏ được nấm mồ nhưng con ma sợ hãi vẫn sẽ đeo bám anh, nếu anh không có gì thì cũng sẽ không có gì để lo sợ ngược lại nếu anh có được bình yên và hạnh phúc thì anh sẽ lo lắng lo sợ bị mất hạnh phúc, anh sẽ "tự vệ và chống trả" để gìn giữ hạnh phúc... Nhưng xin anh hãy lập đi lập lại câu hỏi "(mình) sợ cái gì?".

Câu hỏi này là 1 tấm áo giáp nhỏ nhoi tôi đã tìm ra được để chia sẻ với anh, cũng còn nhiều áo giáp và thần dược khác mà các chuyên gia trị liệu tâm lý mới có được, và nếu anh muốn thì anh nên đến gặp họ.

Chúc anh được nhiều hạnh phúc với vợ con anh và với xã hội chung quanh anh.

Cám ơn anh đã chia sẻ tâm sự, hy vọng là nhờ có anh mà mọi người chúng ta sẽ cùng nhau đốt đuốc mở đèn soi sáng để xua đuổi được con ma lo sợ và giận dữ.

Độc giả Nguyễn Thiện Phước

Theo bạn, có nên dùng đòn roi khi trẻ bướng bỉnh không nghe lời? Hãy chia sẻ câu chuyện hay những kinh nghiệm của bạn trong mẫu phản hồi dưới đây hoặc email: doisong@vietnamnet.vn . Xin cám ơn.