Mấy năm về làm dâu nhà anh, chị đã được chứng kiến rất nhiều lần đổi “màu sắc” của chú tắc kè hoa mang tên “mẹ chồng” ấy.
Nhắc đến mẹ chồng mình, chị Ngọc vẫn không khỏi ngao ngán và chán nản. Nhưng chính chị cũng phải thật lòng ngả mũ ngưỡng mộ và thán phục độ “tắc kè hoa” của bà.
Mẹ chồng chị là người kiểu gì cũng nói được và thái độ cứ gọi là thay đổi liên xoành xoạch cho hợp với hoàn cảnh, cho đạt được mục đích của bà, y như một chú tắc kè hoa chính hiệu vậy. Mấy năm qua về làm dâu nhà anh, chị đã được chứng kiến rất nhiều lần đổi “màu sắc” của chú tắc kè hoa mang tên “mẹ chồng” ấy.
Ngày đầu tiên chị chính thức bước chân về nhà anh, mẹ chồng cầm tay chị, nhìn chị âu yếm: “Con đã về nhà này thì giờ con là con của mẹ. Con dâu con gái, con trai hay con rể mẹ đều coi như con. Con cũng hãy coi mẹ như mẹ đẻ của con ở nhà mà đối đãi nhé!”. Chị cảm động lắm, chắc mẩm mình đã có được một bà mẹ chồng tốt. Đó cũng là ao ước, khát khao của bao nàng dâu khi về nhà chồng sao?
Nhưng ngay sau đó, mẹ chồng lại thủ thỉ bảo vợ chồng chị đưa của hồi môn bà giữ cho. Chị đang chìm trong men say hạnh phúc lâng lâng khi có được người mẹ chồng tốt nên chẳng suy nghĩ gì, đưa hết cho bà giữ hộ luôn. Với lại, dâu mới toe ai lại nỡ trái ý mẹ chồng bao giờ!
Sau khi tiền vào tay một cái, những ngày sau đó thái độ mẹ chồng của chị liền quay ngoắt 180 độ thành một bà mẹ chồng khó tính, xét nét và ghê gớm khiến chị phát khiếp. Chị cả đêm mất ngủ để lí giải tốc độ thay đổi thái độ như chong chóng của bà nhưng không tìm ra nguyên nhân. Chị còn cứ ngỡ, cái giây phút bà cầm tay chị dịu dàng ấy là chị mơ cơ. Nhưng của hồi môn không còn trong tay mình đã chứng minh cho chị thấy, điều đó là sự thực.
Ảnh minh họa |
Một thời gian sau, chị ngã ngửa khi phát hiện ra, bà đâu có giữ hộ vợ chồng chị mà lại sang tay ngay cho con gái bà (em gái chồng chị) để nhà cô ấy sửa nhà. Chị có thỏ thẻ hỏi mẹ chồng thì bà đanh mặt lại, nạt nộ chị: “Cái cô này hay nhỉ? Tiền cho anh em người nhà vay mà sợ mất hả? Nếu cô sợ thì tôi lấy cái thân già này ra bảo lãnh cho em nó được chưa? Không ai ăn không ăn hỏng tiền của cô đâu mà cô lo!”.
Của đáng tội, chị nào có dám phàn nàn gì đâu nếu như bà với em chồng nói với chị một tiếng đàng hoàng. Chưa dừng ở đó, hôm sau bà còn mang chuyện đó ra chì chiết và đay nghiến chị khiến chị không ăn hết nổi bát cơm. Cơm nước xong, chị ở ngoài có kể chuyện với chồng việc được công ty cho 2 vé đi nghỉ dưỡng Đà Lạt, định mang về biếu bố mẹ đẻ vì lâu lắm chưa biếu được các cụ cái gì.
Mẹ chồng chị vừa trong bữa cơm mắng chị te tát, nói móc nói mỉa chị đủ kiểu xong, thế mà giờ nghe được chị nói thế liền chạy đến cười tươi như hoa: “Mẹ thích đi Đà Lạt lắm mà chưa có dịp nào được đi! Con cho mẹ 2 tấm vé này đi, lần sau thì biếu các cụ nhà bên nhé. Được không con dâu của mẹ?”.
Chị choáng váng trước độ đổi sắc mặt của mẹ chồng, lại nghe được từ “con dâu của mẹ” khiến chị nổi cả da gà. Đến khi chị định thần lại thì bà đã cầm 2 tấm vé vui vẻ vào phòng rồi.
Bà ốm, vợ chồng em gái chồng và vợ chồng anh trai - chị dâu chồng chẳng thấy mặt mũi đâu. Một tay chị phải chăm bà từ A đến Z trong suốt quãng thời gian bà nằm bệnh. Thời gian ấy bà hiền lành và nhẹ nhàng đến lạ. Bà luôn nhìn chị ái ngại: “Khổ thân con, công việc bề bộn lại còn phải chăm mẹ thế này! Thường ngày mẹ đối xử với con tệ lắm phải không? Đừng để bụng bà già này nhé!”.
Lâu lắm mới được nghe bà xưng mẹ - con, chị cảm động rớt nước mắt. Lại được nghe bà nhận lỗi về mình, chị đinh ninh rằng bà đã nhận ra bà đã có phần quá đáng với chị, và rằng công sức, tấm lòng của chị bấy lâu nay đã được bù đắp. Chị vui lắm, hạnh phúc lắm, chẳng quản ngại chăm sóc bà chu đáo hơn từng li từng tí một. Chị thầm nghĩ, nhờ có lần bị ốm này mà tình cảm giữa chị và mẹ chồng đã có một bước ngoặt đáng kể.
Thế nhưng khỏi ốm một cái, mẹ chồng chị lại “hiện nguyên hình” về như trước đây. Đã thế, khi chị lỡ tay làm rơi cái đĩa, bà còn mắng chị: “Ngữ cô thì làm được nên trò trống gì? Đến chăm người ốm còn không xong!”. Chị choáng váng. Vậy là công lao của chị lại bị phủ nhận sạch trơn và đổ hết xuống sông xuống biển rồi.
Mặc dù chẳng được ghi nhận và mẹ chồng vẫn đối xử tệ với chị đều đều nhưng trong lòng chị vẫn tâm niệm: “Gái có công… mẹ chồng chắc sẽ không phụ đâu”. Vì thế chị vẫn kiên trì và nhẫn nại với công cuộc làm dâu và lấy lòng mẹ chồng. Cho dù chị biết, có thể mẹ chồng không đối xử thật lòng với chị, khi có việc cần thì ngon ngọt thế thôi, nhưng khi xong việc rồi thì lại phủi dễ dàng như phủi hạt bụi trên áo.
Nhưng mới hôm rồi thôi, nhà có giỗ cụ nội. Trước đó, mẹ chồng chị bỗng dưng đổi “màu sắc”, vô cùng thương mến bảo chị: “Chắc đợt giỗ này anh chị với em con bận không đến giúp được rồi, khi nào cúng bái xong thì chúng nó đến ăn cơm thôi. Con thôi thì chịu thiệt thòi, giúp mẹ để mẹ làm tròn chữ hiếu với các cụ nhé!”.
Chị nghe vậy lại mềm lòng, lại như con thiêu thân lao vào cố gắng giúp bà để bà vui lòng. Mấy ngày trời chợ búa, cơm nước, dọn dẹp, còn phải bỏ tiền túi ra nhưng chị cũng không một lời kêu ca. Mẹ chồng chị đi qua đi lại cứ xuýt xoa khổ thân chị một mình phải cáng đáng hết, chẳng có ai giúp đỡ. Được câu nói ấy chị cũng thấy an ủi nhiều.
Xong việc, chị lăn ra ốm, nằm bẹp một chỗ. Mẹ chồng đi qua đi lại, chẳng được câu nào động viên, còn bĩu môi phang ngay một câu khiến chị chết đứng: “Biết chị hay ốm đau thế này thì ngày xưa tôi chẳng cho con tôi cưới! Về nhà chẳng làm được việc gì, toàn nằm một chỗ thế này thì ai hầu được?”.
Chị cười như mếu. Có lẽ hết hy vọng đả động được tấm lòng của bà mẹ chồng “tắc kè hoa” như bà rồi…
(Theo Trí Thức Trẻ)