Câu chuyện về người vợ buộc lòng phải phá bỏ cái thai khi chồng vừa qua đời khiến bác sĩ Kim Dung nhớ mãi.

Theo quan niệm của nhiều người, phá thai là điều gì đó thật kinh khủng. Với người phụ nữ khi quyết định phá thai, sự dằn vặt và đau khổ chất chứa không phải là ít và thậm chí đeo đẳng suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên, với người bác sĩ thực hiện việc phá thai, nỗi day dứt ấy không phải là không có. Thậm chí, đôi khi để tiếp tục sống và làm việc phải lạnh lùng hơn một chút, không dám nghĩ đến những trường hợp đã nạo, phá thai.

Ám ảnh nhất cho đến bây giờ đối với bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Trung tâm y tế Thái Hà) là phá thai cho một trường hợp mà chồng của người phụ nữ đó vừa qua đời.

"Còn gì đau khổ hơn việc thai nhi được 3,5 tháng, người chồng qua đời. Với một người vợ yêu chồng, chẳng bao giờ ai mong muốn điều đó. Bản thân tôi khi thực hiện ca đó cũng không cầm lòng được, thậm chí cảm thấy đó là trường hợp khó khăn nhất. Điều đáng nói nữa là khi thực hiện phá thai, phải huy động 5-7 bác sĩ mới lấy được thai ra. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ trường hợp này, bởi nỗi đau mất chồng chưa nguôi thì phải cắn răng phá thai", bác sĩ Dung kể lại.

Còn một trường hợp khác cũng khiến bác sĩ Dung "vã mồ hôi" đó là cháu của một người bạn đồng nghiệp có thai khi mới 16 tuổi. Tuy nhiên, cô bé còn quá non nớt để hiểu rằng còn tương lai dài phía trước đang chờ đợi nên không chịu phá thai.

"Người yêu của con bé bị nghiện, thậm chí dọa phá phòng khám nếu phá thai. Trong tình huống trớ trêu đó, tôi phải đưa cô bé vào trong một căn phòng. Còn chị gái của cô bé phải nhờ người bảo vệ bên ngoài phòng khám. Tôi cho cô bé uống thuốc, sau đó máu chảy ra, lúc đó chỉ còn biết nói nếu không cầm máu thì sẽ dẫn đến tử vong. Tôi không còn cách nói nào khác, sau đó mọi việc rồi cũng xong. Bây giờ cô bé chín chắn hơn và nghĩ lại việc làm hồi đó thực sự là điều dại dột", bác sĩ Dung nhớ lại.

Bên cạnh những nỗi buồn, sự đồng cảm khi một sinh linh bé nhỏ phải "ra đi" khi chưa được chào đời. Bác sĩ Dung cảm thấy hạnh phúc khi một số người vẫn tìm đến sau nhiều năm và không quên dắt theo đứa con nhỏ.

Bác sĩ Kim Dung xúc động nói: "Đó là những trường hợp đã suy nghĩ lại sau khi nhận được tư vấn của tôi. Thay vì phá thai, họ giữ thai và sinh ra những đứa con khỏe mạnh, kháu khỉnh. Niềm vui dù nhỏ thôi nhưng cũng là niềm an ủi, động viên đối với bác sĩ sản khoa như chúng tôi".

Lạnh lùng để tiếp tục sống

Trong cuộc đời làm nghề của mình, bác sĩ Kim Dung không nhớ đã thực hiện biết bao nhiêu ca nạo, hút thai. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn nhớ chính xác trong vòng 3 năm khi còn làm việc ở một bệnh viện quận là 10.000 ca phá thai.

"Trước đây chỉ có một số ít bệnh viện, còn bây giờ rất nhiều cơ sở y tế được mở ra cho nên các trường hợp tìm đến phá thai cũng phân tán hơn. Tuy nhiên, con số từng thống kê đó cũng khiến tôi phải giật mình", bác sĩ Dung cho biết.

Cũng theo bác sĩ này, làm công việc phá thai cần sự lạnh lùng. Khi bệnh nhân đã lên bàn, cảm xúc cần đặt qua một bên. Vì thế, mới có việc không cho phép người thân thực hiện cho người thân, sẽ có lúc cảm xúc bị xen vào.

Bác sĩ Dung tâm sự: "Lúc tư vấn cho bệnh nhân về việc tại sao lại phá thai, tại sao không giữ thai, hãy suy nghĩ lại là lúc tôi có cảm xúc. Tôi đặt cảm xúc vào lúc đó để đồng cảm và mong họ suy nghĩ lại. Còn khi đã quyết định thực hiện thì vẫn lạnh lùng. Thậm chí, sau đó không phép cho mình tự suy nghĩ về những trường hợp nạo, phá thai. Bởi vì, nếu suy nghĩ thì thực sự bị ám ảnh và chính bản thân tôi chắc là không làm được gì nữa".

Nạo, phá, hút thai đồng nghĩa với việc tước đi sự sống của một sinh linh bé nhỏ đang lớn lên từng ngày. Chính vì điều này, bác sĩ Dung có những khi không khỏi trăn trở, thậm chí suy nghĩ rất lâu về quả báo như nhiều người nói. Nhưng, nếu bản thân không đồng ý phá thai cho bệnh nhân thì cũng sẽ có người khác làm điều đó.

Với những người tìm đến để phá thai, không ít người đã đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Thế nhưng, khi đã thực hiện xong, chính trong lương tâm của họ vẫn không thể không cắn rứt. Thậm chí, với nhiều người điều đó cứ ám ảnh, đeo đẳng suốt cả cuộc đời.

{keywords}

Theo quan niệm của nhiều người, phá thai là điều gì đó thật kinh khủng. Với người phụ nữ khi quyết định phá thai, sự dằn vặt và đau khổ chất chứa không phải là ít và thậm chí đeo đẳng suốt cả cuộc đời. (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Dung, với các phụ nữ đã mang thai mà quyết định không giữ thai nữa, dù ít dù nhiều sẽ có "gợn" trong lòng khi nghĩ về điều đó. Bởi vì, không ai là trôi hết mọi cảm xúc, suy nghĩ. Dù sao đi chăng nữa, đó cũng là sinh linh được hình thành, lớn lên trong cơ thể của chính mình.

"Có người đi dâng sao, cúng bái để thoát khỏi ám ảnh "vong" theo. Lúc bình thường không sao nhưng những lúc gặp thất bại thì nghĩ là do đã từng phá thai nên gặp quả báo. Bởi suy nghĩ đó nên dẫn đến bị mặc cảm, không còn tự tin vào cuộc sống", bác sĩ Dung tâm sự.

Trong chừng ấy năm làm nghề, đến nay nhiều trường hợp còn trẻ tìm đến phá thai khiến bác sĩ Kim Dung vẫn thực sự trăn trở về giáo dục tình yêu, giới tính chưa thật sự đến nơi đến chốn. Việc phá thai luôn tiềm ẩn những nguy cơ, thậm chí là ảnh hưởng mãi về sau.

"Những biến chứng từ nạo, phá thai dù bằng thuốc hay bằng đường ngoại khoa đều có thể xảy ra biến chứng. Một hiện tượng đáng lo ngại là vô sinh thứ phát do nạo, phá thai nhiều lần gây ra", bác sĩ Dung nhấn mạnh.

(Theo Khampha.vn)