Làm thế nào với những cô bé, cậu bé nghịch ngợm và thường không vâng lời?

Thấy Tũn đọc một bài thơ do cô giáo dạy: “Bạn nào hay nghịch/ Cô chẳng thích đâu/ Bạn nào chăm ngoan/ Cô yêu lắm đấy”, mẹ rất lấy làm băn khoăn. Đây là bài thơ muốn nhắn nhủ trẻ hãy biết nghe lời người lớn, nhưng mẹ vẫn cảm thấy nó hơi độc đoán với chủ ý phán xét thay vì khích lệ các con. Tại sao cô giáo có quyền phân biệt đối xử với bọn trẻ theo cách “chẳng thích” hoặc "yêu lắm"?

Bọn trẻ ở lứa tuổi mầm non, đứa nào chẳng nghịch ngợm. Bởi vậy, việc nhắn nhủ các con "đừng nghịch" nghe không ổn. Làm thế nào với những cô bé, cậu bé nghịch ngợm và thường không nghe lời? Từ khi có Tũn, nhất là từ ngày Tũn có thể giao tiếp, mẹ đã nghĩ phải dạy dỗ Tũn theo một cách khác đi. Mẹ nghĩ trách móc hay cấm đoán sẽ khó có thể thay đổi được con vì thế mẹ để cho con tự lựa chọn hành động, việc này sẽ giúp con tự tin, và mạnh dạn hòa nhập với cộng đồng tốt hơn.

Yêu và tôn trọng con


Một vài lần, không kiềm chế được, bực bội quá, mẹ đã phải mắng Tũn. Tũn vẫn thường mếu máo nói “mẹ không yêu em rồi”. Trẻ nhỏ vô cùng nhạy cảm, chúng sống bằng những cảm xúc rất thật, rất tự nhiên, không sắp xếp hay biện minh lý lẽ, chúng nhìn thấy gì thì nghĩ ngay là như vậy, nên dù giáo dục trẻ theo cách “Tây” hay “ta”, thì chìa khóa của vấn đề vẫn là làm sao cho trẻ cảm thấy rằng trẻ được bố mẹ và những người xung quanh rất yêu thương. Càng cảm nhận được sự quan tâm và tình yêu thương, đứa trẻ càng bớt đi những biểu hiện ngỗ nghịch và luôn sẵn sàng hợp tác nhiều hơn, đơn giản vì con sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin trong hành động, vui chơi; và vì yêu bố mẹ, ông bà nên không muốn những người thân của mình cảm thấy buồn phiền.

{keywords}

Trẻ nghịch quấy, không vâng lời khiến cha mẹ rất đau đầu

Đặt mình vào vị thế của con

Tũn rất ghét phải đi giày dép. Mẹ biết rằng không phải con muốn làm mẹ buồn, mà chỉ là con thích cảm giác tự do với đôi chân trần. Mặt đất mát lạnh rõ ràng là rất đáng yêu khi con tiếp xúc với lòng bàn chân với nó.

Khác hẳn người lớn luôn nhìn thấy nguy cơ kiểu “không chịu đi dép sẽ nhức đầu sổ mũi”, trẻ chỉ nghĩ rằng dép làm nó khó chịu, và nó bỏ ra. Tương tự như thế, trẻ cũng chơi trò chơi ngôn ngữ khi nói bậy, chơi trò xếp hình khi cố tình xếp những chiếc ghế ở lớp sai quy cách.

Trong trường hợp này, tốt nhất là nếu những chiếc ghế không quá ảnh hưởng đến phần còn lại, trời không quá lạnh thì hoàn toàn có thể tôn trọng cảm nhận riêng của trẻ. Một câu nói bậy là không tốt nhưng cũng không phải là lí do để bố mẹ hay thầy cô nổi nóng, thậm chí “tát vào mồm” trẻ. Hãy thực sự quan tâm xem trẻ nghe được câu nói đó ở đâu và xử lí chính cái nguồn gốc đã làm trẻ tiêm nhiễm thì tốt hơn rất nhiều là mắng mỏ hay quy kết.

Người lớn đôi khi hãy chơi trò đóng vai, để nghĩ theo cách mà trẻ nghĩ, sẽ thấy việc đi chân đất, ăn bốc, để đầu trần, bắt chước cả những lời chửi bậy… là bản năng tự nhiên để trẻ phát triển tốt hơn các giác quan, lại vừa giúp trẻ rèn luyện sức đề kháng và sự thích nghi.

Tuy nhiên trong những trường hợp bắt buộc trẻ phải thực hiện theo đề nghị của người lớn, hãy tạo một trò chơi liên quan đến việc cần làm: ví như cần trẻ đội mũ vì trời nắng quá, hãy khen mũ đẹp, nhắc lại nhiều lần rằng chiếc mũ đó khiến trẻ trông như một thiên thần. Và trước khi đi ra ngoài, hãy chơi trò “hóa trang”, và đương nhiên, cần đội mũ để tiết mục hóa trang được thành công. Nhưng cách này không phải khi nào cũng đạt được hiệu quả, trẻ có thể đội mũ trong chốc lát rồi sẽ cởi ra ngay. Vì vậy, thay đổi quan niệm cứng nhắc của người lớn về hành động của trẻ sẽ tốt hơn là buộc trẻ phải thay đổi theo mình.

Quan tâm tới sự lựa chọn của con

Ngoài việc vô tình, có những khi trẻ cố tình làm trái với mong muốn của người lớn để chứng tỏ “cái tôi” của bản thân. Lúc này, thay vì hỏi “Con có đội mũ không?”, mẹ có thể hỏi “Con thích đội mũ xanh hay mũ hồng”? Trẻ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, có cơ hội được lắng nghe, bày tỏ chính kiến và sẽ sẵn sàng hợp tác.

Khi gặp người lớn, muốn trẻ chào hỏi, thay vì nhắc con “Con chào bác đi”, mẹ sẽ chào bằng tên của con: “Cháu Tũn chào bác ạ”. Và về nhà, mẹ sẽ cùng con chơi trò đóng vai. Quy ước rằng cách chào cúi đầu, khoanh tay là cách chào “ngọt ngào” và cách cười tươi, đưa bàn tay bé xíu lên vẫy vẫy là cách chào “hóm hỉnh”. Sau khi tập một vở kịch vui khi ở nhà, khi ra đường, gặp người quen, mỗi khi mẹ thì thầm “Chào cách nào con nhỉ?”, con sẽ tự “giải quyết” phần còn lại.

Khi trẻ hành động không hay, đừng khắc sâu vào tâm trí trẻ

Đôi khi trẻ không hiểu hết ý nghĩa của những câu mình nói hay những việc mình làm. Vì thế khi thấy Tũn sờ tay vào vùng kín theo bản năng tò mò, mẹ sẽ đùa “Con thỏ ơi, nhảy ra đây với mẹ”. Và Tũn sẽ giơ tay lên đầu, giả làm tai thỏ, quên ngay hành động không hay vừa làm.

Theo cách đó, mẹ cũng nghĩ, một câu nói bậy là không tốt nhưng cũng không phải là lí do để bố mẹ hay thầy cô nổi nóng. Nổi nóng chỉ khiến trẻ nhập tâm hơn và ghi nhớ lại câu nói bậy của mình.

(Theo Đẹp Online)