Tại sao những người con lớn lên trong những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ thường khó có hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi? Theo nhà tâm lý học Nga, Natalia Danyluk, vì họ không có những bài học về sự tương tác giữa các cá nhân trong gia đình.

Độc chiếm "tài sản vô giá"

Những phụ nữ nuôi con một mình thường tập trung tất cả tình cảm và hy vọng vào con. Thậm chí có người coi con như toàn bộ ý nghĩa cuộc đời mình và xem đó như tài sản vô giá của họ, nhất là con trai. Vì thế khi con lớn lên, bắt đầu có người yêu, có những người mẹ bị chấn thương nghiêm trọng về tâm lý. Trước nay con chỉ có mẹ, bây giờ nó có người yêu, nhiều khi nó yêu người, đó hơn cả mẹ. Vậy là có kẻ khác xen vào chia sẻ tình cảm, nỗi đau của người mẹ hoàn toàn có thể hiểu được.

Nếu bà mẹ là người có cuộc sống vui tươi, bận rộn, nhiều bạn bè thì khi niềm vui với con giảm đi, họ có những niềm vui khác bù đắp, giúp cân bằng lại. Nhưng nếu bà mẹ là người sống khép kín, ít giao tiếp, suốt ngày gần như chỉ vui với con, nay trái tim nó đã thuộc về kẻ khác, chẳng khác gì bị mất đi người đàn ông duy nhất của đời mình. Kết quả là họ liên tục gây áp lực với con trai, buộc anh ta phải quan tâm đến mẹ, giảm bớt chăm sóc người yêu. Thậm chí có người mẹ còn "ghen" với con dâu mà người ngoài nhìn vào nhiều khi không hiểu nổi.

{keywords}

Ảnh mang tính minh họa.

Một chuyên gia tâm lý trực máy tư vấn lúc đêm khuya, có tiếng phụ nữ trẻ gọi đến giọng uất ức: “Em khổ quá chị ơi! Chúng em mới cưới được một tuần mà đêm nay mẹ chồng em cũng chen vào nằm giữa, bắt hai vợ chồng em nằm hai bên, làm thế nào hả chị?”. Người tư vấn thấy việc lạ lùng, hỏi: “Mẹ chồng em là người thế nào?”. Bà là một giáo viên ngoại ngữ đã nghỉ hưu non, ly hôn từ năm 23 tuổi, nuôi đứa con trai từ lúc nó hai tuổi, cho đến giờ anh ta 27 tuổi.

Câu chuyện có thật trên đây có lẽ là quá đặc biệt, nhưng những chuyện tương tự ở mức độ nhẹ hơn thì khá phổ biến. Không ít trường hợp người mẹ đơn thân quyết tâm xen vào quan hệ của con với người yêu bằng bất cứ giá nào và có những cuộc tình hay hôn nhân tan vỡ chỉ vì lý do đó. Có bà mẹ cho là con lựa chọn người yêu sai lầm và kiên quyết không chấp nhận nhưng chỉ bằng cảm tính, không có lý do thuyết phục.

Vượt lên "nghịch cảnh"

Vấn đề là người mẹ đơn thân cần làm gì để con mình và người yêu, người vợ của anh ta tránh khỏi những nghịch cảnh nói trên? Dưới đây là một số lời khuyên của các nhà tâm lý:

● Trước hết, cậu bé cần có một hình ảnh tích cực về người cha. Người mẹ không nên nhắc đến chồng cũ như một hình ảnh xấu, bởi vì muốn hay không, cậu bé sẽ lớn lên và phải đạt được những tiêu chuẩn cần có của người đàn ông, mà hình ảnh cha anh ta là một ví dụ.

Người mẹ nên cho đứa trẻ biết thế nào là một gia đình tốt trong mắt trẻ. Mẹ không nên để con tin rằng cuộc sống chỉ có hai mẹ con là hình mẫu của một gia đình hoàn chỉnh. Ý nghĩ đó sẽ ảnh hưởng không tốt khi anh ta có cuộc sống riêng.

● Khi con trai bạn có người yêu và quyết định bắt đầu một cuộc sống gia đình, tất nhiên bạn cần phải hướng dẫn và khuyên bảo, nhưng không nên gây khó khăn hoặc kiên quyết phản đối sự lựa chọn của con.

Đặc biệt, mẹ không nên can thiệp quá sâu vào quá trình lựa chọn bạn đời của con. Mỗi người đều có quyền lựa chọn người sẽ chung sống với mình cả phần đời còn lại, không ai có quyền lựa chọn thay họ hoặc buộc họ phải theo lựa chọn của mình, bạn cần ý thức được điều đó. Khi người con có gia đình riêng, người mẹ không nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của họ.

● Nếu trong quá trình lựa chọn người hôn phối, người con phạm những sai lầm, anh ta sẽ phải tự chịu trách nhiệm về sai lầm của mình. Không ai có thể bảo vệ suốt cả cuộc đời của con. Nếu người con mãi mãi chỉ là đứa trẻ to xác, không bao giờ trở thành người lớn, nó sẽ không tự giải quyết được những vấn đề của mình và khi người mẹ già nua hoặc không còn nữa, nó sẽ bơ vơ trên cõi đời này không nơi nương tựa. Đó là điều không người mẹ nào thật sự yêu con mong muốn.

(Theo PNO)