Ông bà ta có câu: “Chồng ta áo rách ta thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người”. Tôi từng lấy câu đó làm “Kim chỉ nam” cho cuộc sống vợ chồng của mình. Chồng nghèo, tôi không chê. Chồng địa vị thấp, tôi cũng không chê. Chồng xấu trai, tôi cũng không lăn tăn gì.

Thế nhưng chồng tôi không nghèo, địa vị không thấp, mặt mũi cũng chẳng xấu xí gì, nhưng sau 7 năm chung sống, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều về người mình chọn làm chồng.

Cưới nhau mới chỉ được 1 năm thì tôi bị sựng lần đầu tiên trước một chuyện mà chồng tôi đã làm với những người thân yêu ruột thịt của anh. Anh có một người chị Hai rất thân. Theo lời mọi người trong nhà kể thì cha mẹ mất sớm khi anh còn nhỏ, chị là người đã nuôi nấng, chăm sóc và dạy dỗ anh nên người. Con đường tương lai rỡ ràng ngày nay của anh có công chị nuôi anh ăn học bằng những ngày tháng tảo tần. Anh lên Sài Gòn học, chúng tôi lấy nhau và anh trở thành cư dân thành phố sau khi nhập hộ khẩu vào nhà tôi. Ở dưới tỉnh, gia đình chị cũng dần làm ăn phát đạt. Có chút tiền, chị nhờ anh mua giùm một chiếc xe 16 chỗ để con rể chở khách, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

{keywords} 

Những ngày đó thấy anh chạy ngược xuôi tìm cho được chiếc xe second hand cho chị, tôi rất cảm động, nghĩ rằng anh thật hết mình vì chị gái. Thế nhưng điều làm tôi bất ngờ là khi tìm được chiếc xe tốt, anh đã khôn ngoan lãnh hết phần giao tiền, nhận xe giùm cho chị và thản nhiên nâng giá chiếc xe thêm 20 triệu đồng. Cầm số tiền anh đưa để cất đi, tôi ngỡ ngàng, ngạc nhiên mà không dám hỏi: Sao anh có thể làm thế với chính chị gái ruột của mình?

Bắt đầu từ đó, trong lòng tôi đã gợn lên nhiều băn khoăn suy nghĩ về tính cách, bản chất của chồng mình. Anh quả là người tháo vát, khôn ngoan, lanh lẹn. Nhưng điều làm tôi sợ hãi là anh có thể chụp bắt mọi cơ hội để kiếm tiền, bất kể cơ hội đó có thể là chính lòng tin, tình cảm, hay sự yếu ớt, nhẹ dạ của bạn bè, người thân. Và anh biết che dấu mọi việc dưới cái vỏ của lòng từ thiện, sự giúp đỡ, thái độ vô tư. Chỉ có tôi là vợ anh, tôi là người cầm những đồng tiền anh mang về đó là biết rõ nhất anh kiếm ra chúng bằng cách nào.

 {keywords}

Phải, tư cách làm chồng của anh tôi không thể chê trách vào đâu, nhất là khi anh nói anh làm tất cả những điều đó vì tôi, vì gia đình, vì các con. Anh không kiếm tiền đề ăn chơi, đề bồ bịch hay nhậu nhẹt. Tất cả tiền bạc anh đều mang về đưa cho tôi cất vào tủ. Có khi tôi yếu ớt phản bác anh, rằng sao anh nỡ lấy tiền của người này người kia thì anh thản nhiên mắng tôi: “Trong những việc làm ăn thế này, em đừng nghĩ đó là bạn bè, họ hàng hay người thân. Đó là làm ăn. Anh cũng phải mất công chạy chọt, tốn xăng xe, tốn sức khỏe, tốn thời gian, thậm chí tốn tiền cà phê … anh phải lấy lại phần trăm công sức của mình chứ. Có ai làm không công cho ai bao giờ. Bạn bè, họ hàng anh cũng phải hiểu điều đó”. Tôi nhẹ nhàng hỏi anh: “Như vậy sao anh không nói thẳng điều đó với mọi người?”. Anh nhìn tôi như kẻ ngốc: “Có những chuyện không thể nói ra như thế được. Cả hai bên tự hiểu thôi. Và nếu họ có biết cũng không thể trách anh. Sao họ lại nhờ anh chứ không phải người khác hay tự làm? Vì anh làm tốt hơn, anh có nhiều mối quan hệ và anh phải được trả công về điều đó”.

Cách đây không lâu, một người bạn rất thân của tôi có vần đề về nhà đất. Biết anh có nhiều mối quan hệ với báo chí và quan chức, cô ấy đã tìm tới anh để nhờ cậy. Một thời gian sau, tôi thấy người bạn không liên lạc với tôi nữa. Kiểm tra lại, tôi thấy người bạn đã delete cả tên tôi trong danh sách bạn bè trên facebook. Quá bất ngờ, tôi tìm tới bạn hỏi thăm thì mới biết bạn đã phát hiện ra việc anh chỉ giúp chuyển một lá đơn thôi nhưng đã lấy của bạn vài chục triệu đồng. Việc này anh không hề nói với tôi vì biết tôi bắt đầu phản ứng với anh. Gục đầu xin lỗi bạn, tôi đau đớn trong lòng, không chỉ vì mình mất đi một người bạn, linh cảm cho tôi thấy, tôi đang mất đi một điều quá lớn trong cuộc sống của mình mà tôi không dám gọi tên.

(Theo PNO)