- Không biết có ai như em không? Sau 6 năm làm dâu, càng ngày em càng thấy căm ghét bố chồng, thậm chí đã có lúc em chỉ mong ông ấy chết sớm đi để cuộc sống gia đình em được yên ấm.
Em là người Hà Nội, lại sống trong gia đình khá giả nên nói thật là, từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, em chưa hề phải động chân động tay để làm bất cứ công việc gia đình nào, từ giặt giũ, dọn nhà, đến cơm nước... Vì thế, khi em tuyên bố lấy chồng, bố mẹ và chị gái em lo lắng cho em nhiều lắm.
Mọi người bắt em phải học nữ công gia chánh, cách đối nhân xử thế, thói quen sống, cách sinh hoạt của những người nông dân vì mẹ chồng em là nông dân chính hiệu. Còn bố chồng em là công nhân nhà máy điện về hưu.
Em yêu chồng, nên cũng cố gắng học ngày học đêm để có thể trở thành một người vợ tốt, khiến chồng em rất hài lòng.
Sau khi cưới, chiều theo ý kiến của anh, 2 vợ chồng em thuê nhà để ở riêng chứ không về sống cùng bố mẹ vợ dù nhà em còn thừa rất nhiều phòng.
Sau đó, em sinh con trai đầu lòng. Cuộc sống tuy có phần vất vả vì em chưa đi làm, kinh tế gia đình do 1 mình anh lo nhưng 2 vợ chồng em sống với nhau rất hạnh phúc.
Khi con trai em được 1 tuổi thì anh và bố mẹ chồng bàn nhau bán nhà ở quê để dồn tiền mua nhà Hà Nội. Nhưng nhà ở quê bán chẳng được bao nhiêu, vì thế, em và chồng phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ em. Tuy nhiên, chuyện này cũng chỉ vợ chồng em và bố mẹ em biết.
Còn bố mẹ chồng em thì vẫn nghĩ, con trai mình giỏi giang, tiết kiệm được nhiều tiền, lại thêm khoản tiền bán nhà ở quê nên đã mua được nhà Hà Nội. Vì thế, 2 ông bà ra dáng thể hiện lắm. Nhất là bố chồng em. Đi đến đâu ông cũng khoe. Rồi để thể hiện mình là người thủ đô, gia đình nề nếp, văn hóa, bố chồng em càng ngày càng phát huy tính gia trưởng của mình.
Ảnh minh họa: Internet |
Mọi việc trong gia đình, ông giành quyền quyết định. Ý kiến của ông là ý kiến cao nhất và có tính quyết định nhất. Ngay cả việc bố trí phòng ngủ của 2 vợ chồng em, như kê giường hướng nào cũng phải xem tuổi của ông.
Em thấy vậy thì bất ngờ lắm và khó chịu nữa vì việc làm ấy là quá vô lý nhưng chồng em nháy em, bảo em chiều ông cho ông vui nên em lại thôi. Tuy nhiên, càng sống chung thì em càng thấy ông quá quắt.
Ông bắt vợ chồng em, mỗi sáng ngủ dậy, phải sang phòng ông bà đề chào hỏi rồi mới được đi chuẩn bị đồ ăn sáng, sau đó đi làm.
Khi đi làm, ông yêu cầu vợ chồng em không được khóa cửa phòng, cửa tủ để tiện cho việc dọn dẹp nhà cửa ở nhà. Nhưng thực chất là để ông vào kiểm tra xem chúng em ăn ở thế nào.
Sau đó, ông còn đề ra quy định, mỗi ngày sau bữa cơm tối là cả gia đình phải ngồi lại với nhau để từng thành viên báo cáo những công việc đã làm trong ngày và dự định của ngày hôm sau. Sau đó, ông sẽ nhận xét, rút kinh nghiệm, và phê bình (nếu có) đối với những lỗi mà các thành viên đã mắc phải trong ngày.
Nói là phê bình các thành viên, nhưng chủ yếu mọi săm soi của ông chỉ hướng về em. Vì thế ngày nào họp, người bị phê bình cũng là em. Khi thì ông phê bình em không sang chào hỏi bố mẹ chồng lúc vừa ngủ dậy, khi thì chê em chào nhỏ, khi lại bảo em gấp chăn màn không ngay ngắn, ăn vặt trong phòng mà không chịu dọn dẹp....
Nhưng bức xúc nhất là khoản, ông liên tục nhắc nhở em vì em mua sắm quá nhiều quần áo và mỹ phẩm. Rồi để chứng minh cho lời nói của mình, ông liệt kê ra một loạt, nào là em có hơn 20 cái váy, một chục áo sơ mi, mấy cái áo phông, và hơn chục chiếc quần từ dài đến ngắn... khiến em giật mình. Vì quả thực, ngay đến bản thân em, em cũng không nhớ rõ mình có bao nhiêu quần áo trong tủ nữa.
Bức xúc hơn nữa là, cứ hôm nào em mua thêm 1 bộ đồ mới về để tủ là y như rằng, buổi tối họp gia đình, ông lại nhắc nhở em như thể chỉ chờ em ra khỏi nhà là ông mở tủ để đếm quần áo của em khiến em khó chịu và cảm thấy ngột ngạt vô cùng.
Em phàn nàn với chồng, nhưng anh gạt đi, đã vậy còn nổi nóng vì bảo em không biết hoàn thiện mình khiến bố mẹ cứ phải phê bình. Vì thế, em thấy quá mệt mỏi, em chỉ muốn ly hôn để thoát khỏi gia đình ấy. Hoặc ít nhất là, em chỉ mong bố chồng em biến mất khỏi thế gian này để cuộc sống gia đình em được trở lại như xưa.
Minh Hằng (Hai Bà Trưng – Hà Nội)