Dù rất thương yêu chồng nhưng bà Triệu Thị Huê (SN 1946, ở xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đành ngậm ngùi sắm lễ vật đi hỏi vợ lẽ cho chồng, với mong muốn người vợ mới sẽ thay mình chăm sóc và sinh cho chồng một cậu quý tử.
Bỏ lại cả gia tài và cuộc sống đang êm ấm, hạnh phúc, bà Huê lặng lẽ bồng đứa con gái nhỏ về quê ngoại sinh sống. Sau hơn 20 năm hy sinh hạnh phúc cuộc đời mình cho người phụ nữ khác, chưa một lần bà cảm thấy ân hận về quyết định của mình.
Tìm vợ lẽ sinh quý tử cho chồng
Thời gian đã trôi qua hơn 20 năm, nhưng ở xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao, người dân vẫn còn nhắc đến câu chuyện đầy cảm động về người phụ nữ “tình nguyện” đội lễ hỏi vợ lẽ cho chồng. Mọi người vẫn bảo, có lẽ bà Huê mang trái tim của “Phật”, vì thế mới có được tấm lòng cao cả và nhân hậu như vậy.
Nhưng cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với quyết định tìm vợ hai cho chồng của bà Huê, cho rằng nên làm thủ tục ly hôn, còn mặc ông chồng muốn làm sao thì làm. Bà Huê làm vậy vừa mất chồng, mất gia đình, tài sản, lại còn vi phạm chế độ hôn nhân... Lời cảm thông cũng có, mà dị nghị cũng nhiều. Câu chuyện có lẽ chỉ những người trong cuộc mới có thể thấu hiểu hết được.
Bà Huê (bên trái) cùng chị gái chia sẻ về quyết định lạ lùng trong cuộc đời. |
Tìm đến nhà bà Huê khi mặt trời vừa đứng bóng, trong căn nhà cấp 4 nho nhỏ nhưng khá ngăn nắp, bà Huê cười xuề xòa khi nhắc lại câu chuyện cũ: “Chuyện đã qua hơn 20 năm rồi, nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy ân hận về quyết định năm ấy của mình cả. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng bên cạnh tôi vẫn còn đứa con gái ngoan hiền. Nếu trong thời điểm hiện tại, tôi cũng sẵn sàng đi tìm vợ cho chồng nếu như ông ấy chấp nhận”.
Đưa tay buộc lại mái tóc đã điểm sương, bà Huê khẽ cười rồi kể lại cuộc đời mình. Năm 1971, bà Huê nên nghĩa vợ chồng với ông Nguyễn Đình Mỹ (SN 1946), là người cùng làng. Khi đó cuộc sống gia đình khá khó khăn, vì thế chuyện sinh nở ông bà đành gác lại. Gần 20 năm sau ngày cưới, khi kinh tế gia đình đã tạm ổn cũng là lúc bà Huê có tin vui.
Cuối năm 1990, vợ chồng ông bà hạnh phúc khi đón đứa con gái đầu lòng đặt tên là Nguyễn Thu Huyền. Thế nhưng, niềm vui đến với gia đình bà không được bao lâu. Khi đứa con gái tròn một tuổi cũng là thời điểm bà Huê nhận được tin mình bị mắc bệnh vô sinh thứ phát, trong một lần tình cờ đi kiểm tra sức khỏe.
Cầm tờ giấy kết quả trên tay, bà Huê như chết lặng. Bà hiểu rằng, khi đã mắc bệnh rồi thì khả năng làm mẹ của bà một lần nữa là rất khó khăn. Trong khi đó, ông Mỹ lại là con trai độc nhất, làm thế nào để cho ông và gia đình không bị tuyệt tự, tuyệt tông. Nghĩ vậy, bà sinh ra thơ thẩn như kẻ mất hồn.
“Khi biết tôi không còn có khả năng sinh nở, mặc dù không nói ra nhưng trong lòng tôi biết ông Mỹ buồn lắm. Thương chồng, thương con nhưng tôi cũng không biết làm thế nào. Nghĩ mình có bệnh thì mình phải chịu, không thể vì tôi mà ông Mỹ lại không được làm cha lần nữa. Tôi biết trong thâm tâm ông ấy vẫn luôn khát khao có được một người con trai để nối dõi tông đường. Tôi nói với chồng: “Vì tôi không còn khả năng sinh đẻ nữa, nếu như ông muốn tôi sẵn sàng tìm cho ông một người phụ nữ khác để thay thế”. Nghe tôi nói vậy, ông nhà tôi chỉ nín thinh”, bà Huê bộc bạch.
Sau khi chia sẻ tâm tư với chồng, bà Huê liền bắt tay vào tìm kiếm “bà hai”. Được sự giới thiệu, bà Huê biết được làng bên cạnh có cô Nguyễn Thị Thịnh (SN 1958), lúc ấy đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn chưa có chồng. Bà Huê đánh liều dạm hỏi, sau khi bộc bạch hết sự tình, thật bất ngờ bà nhận được sự đồng ý của cô Thịnh cùng những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, gia đình cô Thịnh đã ra điều kiện buộc bà Huê phải là người trực tiếp đứng ra tổ chức lễ cưới, cũng như sắp lễ vật mang đến.
Bà Huê chia sẻ: “Lúc ấy vào đường cùng rồi, tôi cũng đành phải đồng ý thôi. Đám cưới ấy mình tôi đứng ra lo liệu hết, không thiếu một bước nào. Chỉ không có sự chứng kiến và đồng ý của pháp luật”. Cũng theo chia sẻ của bà Huê, ngày bà mang lễ vật qua hỏi cưới vợ lẽ cho chồng, miệng bà cười nói nhưng trong lòng như có hàng ngàn mũi kim châm. Tình cảm vợ chồng gắn bó bao năm, nói không vương vấn, không giận hờn ghen ghét có lẽ là nói dối. Nhưng hơn ai hết bà hiểu rằng chỉ khi chồng mình vui, chồng mình hạnh phúc thì bà mới cảm thấy hạnh phúc.
Nhường cả gia tài
Cho đến tận bây giờ bà Huê vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu tiên rước vợ lẽ về cho chồng, đêm tân hôn cả ba người không ai ngủ. Mỗi người ngồi một góc, trong bóng tối lờ mờ. Quyết định tìm vợ cho chồng đã được bà Huê chuẩn bị từ lâu, thậm chí cả chuyện tình cảm bà cũng đã lường trước. Nhưng khi cả ba người cùng đối diện với nhau, bà lại thấy ghen tuông, giận hờn.
“Không ghen làm sao được, mới hôm qua thôi ông ấy vẫn còn là chồng của riêng tôi, nhưng giờ lại phải chia sẻ thêm cho một người phụ nữ khác. Là phụ nữ ai chẳng ghen, và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Thà khuất mắt trông coi thì không sao... ”, bà Huê thở dài khi nhắc lại quá khứ.
Mặc dù tình nguyện lấy vợ lẽ cho chồng, nhưng khi sống chung một nhà bao nỗi đắng cay, muộn phiền lại trào dâng trong lòng bà Huê. Muốn một cuộc sống thật sự bình yên và cũng muốn gia đình mới của chồng được hạnh phúc trọn vẹn, bà Huê quyết định bồng con gái nhỏ về bên nhà ngoại sinh sống, chấp nhận nhường chồng, nhường cơ ngơi mà bao năm nay vợ chồng bà đã gây dựng nên. Ngày bà mang con rời khỏi nhà chồng, ông Mỹ không đồng tình, nhưng với sự quyết tâm của mình, cùng những lý lẽ bà đưa ra cuối cùng ông Mỹ cũng đành chấp nhận để người vợ cả và đứa con gái nhỏ ra đi.
Căn nhà cấp bốn của bà Huê. |
Bà Huê tâm sự: “Tôi làm vậy vì sợ rằng cả ba người sống cùng một nhà, trước sau gì cũng sẽ có chuyện không hay. Tôi là một cô giáo dù gì đi nữa cũng có lương của Nhà nước. Nếu cố gắng chắt chiu cũng lo đủ cho cuộc sống của hai mẹ con. Chỉ mong sao ông ấy được vui vẻ bên người vợ mới và luôn dành một chỗ đứng cho con gái. Khi ấy tôi đã nghĩ dù cuộc đời của mình có bất hạnh đến đâu chăng nữa thì tôi cũng phải nuôi cháu khôn lớn nên người. Và tôi cũng chỉ cần có thế”.
Chia sẻ về câu chuyện của em gái mình, bà Triệu Thị Đàn cho biết: “Ngày em tôi quyết định lấy vợ lẽ cho chồng, bên nhà tôi ai cũng bất ngờ. Mọi người lúc ấy lo lắng lắm, không biết một thân một mình là phụ nữ mà lại phải nuôi con nhỏ, em tôi sẽ phải sống như thế nào. Trong khi đó, lúc rời khỏi nhà chồng cô ấy không hề mang theo bất kỳ một thứ gì có giá trị cả. Nghĩ cũng thương lắm, nhưng biết làm thế nào được. Cuộc đời của cô ấy vất vả rồi, được cái đứa con gái ngoan ngoãn, học giỏi lại vừa tốt nghiệp đại học xong. Đó cũng là niềm an ủi, động viên cho em tôi”.
Sau hơn 20 năm đội lễ đi hỏi vợ cho chồng, giờ đây bà Huê không còn suy nghĩ quá nhiều về câu chuyện và quyết định kỳ lạ của mình nữa. Tình cảm bà dành cho chồng, cho con thì vẫn vậy. Thỉnh thoảng bà Huê vẫn ghé thăm gia đình nhỏ của chồng, và chưa một lần có suy nghĩ ân hận về quyết định năm xưa của mình.
(Theo PLO)