Dù sống nhếch nhác trong những căn nhà chật hẹp nhưng đối với người dân phố cổ, nỗi ám ảnh đáng sợ nhất vẫn là cảnh đám tang phải tổ chức tại nhà. Bởi người sống thì sao cũng được, nhưng với những người chết trong căn hộ chật hẹp thì ôi thôi …nghe mà thấy chạnh lòng.

Mỗi đám tang, 1 lần đục tường

Nằm sâu trong con ngõ Phất Lộc phường Hàng Buồm, những người sống lâu năm ở đây kể lại rằng, có nhiều gia đình nằm sâu trong ngõ nhỏ, lại ở tận tầng 2, tầng 3, diện tích nhỏ hẹp nên khi có người mất, cả căn hộ chỉ vừa chỗ cho một chiếc quan tài và đôi ba người đứng ngồi bên cạnh. Khách đến chia buồn, phúng viếng phải xếp hàng dài từ ngoài ngõ sau đó di chuyển lần lượt từng người vào thắp nén nhang cho người đã mất. Tuy nhiên, có nhà, khách đông, người xếp hàng phải chờ rất lâu nên rất bất tiện cho cả người đi viếng và cả người sinh sống trong con ngõ.

Sau, có người nảy ra ý tưởng đặt bàn phúng viếng cùng di ảnh của người đã khuất ở ngay đầu ngõ. Khách đến chỉ cần thắp nén nhang và vái bái vọng rồi đi. Như vậy, coi như giải quyết được khâu ách tắc cho anh em bạn bè.Tuy nhiên, việc chuyển quan tài thì phức tạp hơn nhiều.

Cỗ quan tài vừa to vừa dài, trong khi ngõ vào lại nhỏ và ngoằn ngoèo, 6, 7 người khiêng quan tài đi từ trên gác xuống đã khó, đến đoạn gấp khúc trong ngõ thì việc di chuyển càng khó khăn hơn.

 

{keywords}
Trong những căn hộ chật hẹp, và những con ngõ sâu hun hút, nỗi ám ảnh lớn nhất của người dân phố cổ đó là khi gia đình có tang và phải tổ chức tại nhà.
 

Chị Phạm Thị H. ngõ Phất Lộc cho biết: Có khi đoạn gấp khúc khiến cho việc di chuyển quan tài gặp khó khăn. Người dân nghĩ đủ mọi cách vẫn không thể mang được quan tài ra khỏi ngõ. Cuối cùng, họ phải đục tường, phá đi cả góc tường của căn hộ nằm trong góc khúc để lấy chỗ di chuyển quan tài.

Sau đó, khi đám tang kết thúc, họ mới chữa lại chỗ tường bị đục. Nhưng có năm, cả khu nhà có đến 2, 3 đám tang, tường của căn hộ đó cứ chữa rồi lại đục nên gia chủ nản, chẳng còn muốn sửa chữa gì nữa chỉ che tạm lại bằng vài tấm gỗ và vài mảnh ni –lông.

Nín thở chuyển quan tài

Trong ngõ 96 phố Hàng Buồm, gia đình bà Nga cũng từng phải dỡ đến nửa căn phòng chứa đồ của gia đình để lấy chỗ di chuyển quan tài trong đám tang của bố mẹ chồng.

{keywords}
Để có thể chuyển quan tài, gia đình đã phải dỡ đi phần mái của nhà kho - bà Nga cho biết
 

 Bà Nga cho biết, trong đám tang khi đó, gia đình bà cũng phải huy động đến cả chục người đỡ trên đỡ dưới, lần từng bước mới có thể chuyển được quan tài của các cụ từ trên tầng xuống.

Thế nhưng, sau đó, việc di chuyển từ nhà ra khỏi ngõ cũng vô cùng khó khăn. Con ngõ chỉ rộng 90 phân, lại sâu hun hút và tối đen như mực. Vì thế, người khiêng quan tài vừa đi vừa lần từng bước chân. Người đi theo thì nín thở lo sợ. Chỉ đến khi đám tang hoàn tất, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng nín thở hơn, ấy là đám tang của một ông cụ trong con ngõ nhỏ phố Hàng Buồm mà đã mấy năm nay, nhiều người vẫn còn truyền tai nhau kể lại.

Ông cụ nằm trên căn hộ tầng 2, khi ông mất, con cháu làm đám tang cho cụ tại nhà. Việc phúng điếu tuy có vất vả vì ngõ chật, nhưng ít nhất, trong căn hộ cũng đủ chỗ để lần lượt từng đoàn 5, 3 người vào phúng viếng. Tuy nhiên, công việc di chuyển quan tài cho cụ thì vô cùng khó khăn. Bởi lẽ, cầu thang từ tầng 2 đi xuống của khu nhà quá chật, lại dốc. Vì thế, dù đã huy động đến cả chục người, nhưng đoàn làm tang vẫn không thể nào đưa quan tài xuống dưới tầng 1 bằng đường cầu thang.

Sau cùng, người dân phải dùng đến cách vận chuyển bằng dây ròng rọc. Ban đầu là kéo quan tài trống từ dưới lên. Sau đó, khi đã hoàn tất các thủ tục, họ lại thả quan tài từ trên cao xuống rồi mới có thể chuyển quan tài ra khỏi ngõ.

Phúc tạp là thế, cho nên thời nay ở phố cổ không còn nhiều người tổ chức đám tang tại nhà như xưa nữa. Mỗi khi trong nhà có người ốm, nhất là các cụ già thì việc đầu tiên là gia chủ sẽ đưa người bệnh đến bệnh viện, để lỡ có qua đời thì sẽ chuyển luôn qua nhà tang lễ…

Minh Anh – Hạnh Thúy

(còn tiếp)

TIN, BÀI LIÊN QUAN: