Khi biết rằng ly hôn là việc không thể tránh khỏi, tôi đã đặt ra cho mình một mục tiêu quan trọng: làm sao cho sự biến đổi từ gia đình có “cha mẹ và con” thành gia đình chỉ còn “mẹ và con” một cách nhẹ nhàng nhất.

Tất nhiên là sau ly hôn, bố vẫn là bố, anh ta hoàn toàn không bỏ rơi con cái. Nhưng cuộc sống thực tế thì: người đọc truyện buổi tối và ru con ngủ là mẹ, người đưa con đi nhà trẻ buổi sáng và đón con về là mẹ, người lắng nghe mọi lời phàn nàn, kể lể của con về trường lớp, bạn bè, cô giáo – tất nhiên cũng chỉ có mẹ. Mẹ nấu ăn, mẹ rửa chén bát, mẹ ủi đồ, mẹ chuẩn bị đồ cho ngày mai đi học vân vân và vân vân. Danh sách đó có thể kéo dài tới vô tận. Bố thỉnh thoảng tới thăm, như khách. Mọi gánh nặng gia đình đặt lên vai người mẹ.

{keywords} 

Tôi đọc rất nhiều bài báo “thông minh” về ly hôn, rằng điều khó khăn nhất của ly hôn là vấn đề tâm lý, rằng chúng ta cần phải tập trung sức lực để hồi phục tâm trạng . Điều đó hoàn toàn đúng! Thế nhưng xin các bạn hãy chỉ cho tôi biết có thể lấy ở đâu ra sức lực đó, dù chỉ là sức lực thể chất, để có thể đi làm, đưa con đi học, đi chợ, nấu ăn chứ đừng nói là để ngẩng đầu lên nhìn vào một điều gì đó hay một ai đó tốt đẹp hơn để hy vọng?

Kiếm đâu ra giờ thứ 25, 26, 27 của ngày để mà đọc báo hay vào những trang mạng yêu thích để giải tỏa áp lực tinh thần. Hàng đêm, khi đổ vật mình xuống giường trong cơn mệt mỏi vô cùng, tôi luôn luôn nghĩ về điều đó, tự hỏi làm sao để cứu mình đây? Và bất chợt tôi bỗng hiểu rằng tôi cần phải tìm ra giải pháp để những khủng hoảng tâm lý của ly hôn không biến mình thành một con bệnh trầm cảm đáng thương.

{keywords} 

Giờ đây, tôi muốn chia sẻ với những phụ nữ bất hạnh mọi điều tôi đã làm được để giúp các bạn "sống sót" sau cuộc ly hôn

1. Sau khi hoàn tất các thủ tục ly hôn, bạn đừng buộc mình phải hết sức chu toàn công việc nhà như một bà nội trợ mẫu mực. Tất nhiên cũng đừng bỏ bê nhà cửa đến mức dơ bẩn. Bạn hãy tập trung vào những việc cần thiết nhất. Thỉnh thoảng bạn có thể nhờ người thân hay bạn bè thân giúp đỡ. Hơn lúc nào hết, giai đoạn này bạn cần tiết kiệm sức lực và thời gian, con bạn cần một bà mẹ dịu dàng, ân cần, quan tâm chứ không phải một phụ nữ cáu kỉnh.

2. Đừng tự trách móc bản thân. Chuyện gì đã xảy ra thì coi như nó phải xảy ra. Tất nhiên, nếu còn có thể thì hãy dùng hết sức lực và tình yêu của mình để giữ gìn gia đình, nhưng nếu mọi việc đã đẩy đến mức phải ly hôn thì hãy chấp nhận sự thật đó và đừng dằn vặt bản thân. Rồi đến một lúc nào đó, bạn có thể bình tĩnh nhìn lại những gì xảy ra, phân tích nó và đưa ra những kết luận cần thiết. Nhưng đó là sau này. Còn bây giờ - hãy chấp nhận sự thật một cách khách quan, không cần thiết phải đánh giá nó tốt hay xấu, nó chỉ là một giai đoạn mới của cuộc sống với những khó khăn mới và niềm vui mới!

3. Đừng lên án chồng bạn, điều đó chỉ làm cho bạn thấy tồi tệ hơn. Đừng nói xấu anh ấy với con, vì dù thế nào đi chăng nữa, anh ta cũng vẫn là bố nó.

4. Đừng cảm thấy mình có lỗi với con. Nếu con bạn đã lớn, cố gắng giải thích cho nó những điều cần thiết. Nếu con bạn còn nhỏ, bạn hãy làm sao cho việc anh ta đến thăm con trở thành một phần bình thường trong cuộc sống của bé, để cháu hiểu rằng sự xuất hiện của bố không có gì đặc biệt. Chẳng nên quan trọng với con kiểu: “Hôm nay bố sẽ tới thăm con”. Tất nhiên, bạn hãy yêu cầu anh ta có những chuyến thăm con thường xuyên.

5. Đừng vội vàng xây dựng cuộc sống riêng tư của mình ngay sau khi ly hôn. Nếu thất bại, bạn sẽ đau khổ nhiều hơn. Hãy tập trung sức lực của mình vào việc chăm sóc con – bạn là người cháu cần đến hơn bao giờ hết vào lúc này.

6. Và điều cuối cùng vô cùng quan trọng: tình yêu con – đó chính là nguồn sức lực kỳ diệu nhất giúp bạn đứng vững sau khi ly hôn. Hãy hiểu rõ cuộc sống của mình và chuẩn bị tinh thần cho những cánh cửa mới của cuộc sống.

(Theo PNO)