- Tiền để đầy tủ nhưng với lí do “làm việc lớn” nên một đồng một cắc mẹ con tôi cũng đừng hòng động đến. Hết tiền tiêu thì tự đi vay, mở mồm xin chồng kiểu gì cũng bị anh chửi rủa, đấm đạp.

Tôi năm nay 38 tuổi, đã kết hôn được mười bốn năm và có hai con. Chồng tôi là kẻ vũ phu sống chỉ biết đến tiền là trên hết.

Trước đây hai vợ chồng tôi đều làm công nhân may nhưng rồi chồng tôi bị đuổi việc. Kể từ đó, lấy cớ lo việc ở nhà cơm nước anh bắt tôi phải nộp hết lương cho anh. Mọi chi tiêu cá nhân tôi đều phải ngửa tay xin chồng cho dù đó là tiền mình làm ra. Tôi ăn sáng hết có mấy nghìn tiền xôi mà anh luôn mồm cằn nhằn tôi ăn tốn. Đến kỳ kinh nguyệt, ngửa tay xin tiền mua băng vệ sinh anh không cho, kêu tôi dùng lại vải xô anh xin của mẹ để tiết kiệm.

Không chịu nổi sự “cai trị” thái quá ấy của chồng nên tôi cũng thường xuyên cự cãi. Sẵn bản tính vũ phu, anh thẳng tay đánh tát vợ, tuần nào cũng vài ba trận chỉ vì tiền. Có lần tôi ôm con bỏ về quê với quyết tâm từ bỏ kẻ làm chồng bạc bẽo đó nhưng được một thời gian anh lại đến năn nỉ cầu xin. Thương con, lo mẹ già ở quê không chăm được cháu nhỏ nên tôi đã quay lại.

Từ khi tôi sinh thêm bé thứ hai, anh không cầm tiền của tôi nữa và coi thế là đã hết trách nhiệm, phó mặc mẹ con tôi xoay xở với đồng lương ít ỏi của mình.

Chồng tôi góp vốn mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng với anh trai. Việc làm ăn gặp thời nên tiền nong anh kiếm khá bộn. Tiền để đầy tủ nhưng với lí do “làm việc lớn” nên một đồng một cắc mẹ con tôi cũng đừng hòng động đến. Hết tiền tiêu thì tự đi vay hàng xóm, khi không vay ai được nữa đành phải mở mồm xin chồng kiểu gì cũng bị anh chửi rủa đấm đạp. Tôi đã chịu nhục như thế nhiều lần để có được đồng tiền mua sữa, mua sách vở cho con. Lúc nào anh cũng nhiếc móc tôi làm được ít tiền chỉ trông chờ ăn bám.

{keywords}

Ảnh minh họa: internet

Về sau nhờ người quen nên tôi xin được vào làm công nhân môi trường với mức lương khá hơn, đủ để chi tiêu cho gia đình. Những trận đòn của chồng cũng thưa hơn nhưng bản chất tiểu nhân của anh không hề thay đổi. Con cái đã lớn kéo theo đủ các loại tiền, nhưng anh luôn tính toán để số lương của tôi chi đủ. Tháng nào có thức ăn ai cho ai biếu, anh lại tính ra số tiền dư để nhờ mua cái nọ cái kia. Anh luôn soi mói, canh chừng không để tôi chi tiêu chăm chút cho bản thân bất cứ thứ gì. Quần áo anh mua toàn đồ đắt tiền, vợ may một cái anh bảo: “Sắm gì mà sắm lắm rồi đến lúc lại không có c… đổ vào mồm”.

Đưa con đi học nhận giấy báo nộp tiền anh cứ ì ra chờ vợ. Tiền cắt tóc của con anh cũng xui chúng xin mẹ. Tiền anh làm ra nhiều nhưng ốm đau cũng không dám tới bệnh viện vì sợ tốn kém. Con ốm, nhờ anh đưa đi khám thì đơn thuốc bác sĩ kê một loại, anh mua loại khác tương tự rẻ tiền hơn.

Mấy hôm trước tôi chẳng may bị bình rượu rơi trúng gãy ngón chân phải đi bó lá. Được vài lần anh kêu “tốn kém gần triệu bạc”. Thấy vợ không chịu ngồi một chỗ anh luôn mồm cằn nhằn không phải lo cho vợ mà sợ “cứ thế bao giờ mới đi làm được”. Không đi làm được thì lấy đâu ra tiền rồi lại động vào tiền làm việc lớn của anh. Bạn bè của tôi đến thăm, cho tiền, anh mang phong bì ra soi từng cái.

Nghỉ làm không lương, tôi phải vay bạn để gia đình được yên ổn. Nhưng với suy nghĩ vợ đang không có tiền, nên khi thấy tôi mở chiếc tủ mà mọi khi tiền hai vợ chồng vẫn để đó, chồng tôi tỏ rõ vẻ bực tức. Đang nằm trên ghế anh ta lao lại hỏi tôi “mày lấy tiền để làm gì?”. Biết thừa bụng dạ chồng nghĩ gì nhưng đang uất ức nên tôi cũng chẳng giải thích mà chỉ bảo “lấy để tiêu chứ lấy làm gì”. Có vậy thôi anh ta lao vào đánh tát tôi tới tấp vào mặt vào đầu, miệng không ngừng chửi rủa. Trước mặt hai đứa con và hàng xóm đến can ngăn, anh ta rêu rao tôi “bố láo” và chửi cả họ nhà tôi rất mất dạy. Sau đó xé toạc áo tôi và tuyên bố “tao đuổi mày”.

Tôi căm hận con người bạc ác ấy. Nghĩ lại bao năm sống cùng anh ta, may cho tôi là người có sức khỏe để chịu đựng. Tôi không dám nghĩ đến lúc mình nằm một chỗ sẽ bị anh ta đối xử thế nào. Bao năm chịu đựng để các con có bố, giờ tôi có nên nghĩ cho bản thân mình để ly hôn kẻ làm chồng coi tiền là trên hết ấy?

Nguyễn Kha (Long Biên, Hà Nội)