Chị và mẹ chồng thường chia sẻ cho nhau những công thức nấu các món ăn. Mẹ chồng còn là người truyền cho con dâu những bí quyết “xây tổ ấm” và nhiều tri thức hữu ích về văn hóa xã hội nước Mỹ.

Nguyễn Thị Thanh Lưu sinh năm 1983 tại Vinh, là Tiến sĩ văn học, từng công tác tại Viện Văn học. Hiện chị đang sống cùng chồng và hai con nhỏ tại thành phố Berkeley, bang California, Hoa Kỳ. Tháng 8/2014, cô dâu vừa bước qua tuổi 30 này đã ra mắt cuốn sách "Làm dâu nước Mỹ". Đây là cuốn tự truyện thứ tư trong seri "Làm dâu xứ lạ" do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành.

{keywords}

Nguyễn Thị Thanh Lưu trong ngày cưới.

Cuốn sách nổi bật một tâm niệm có thể coi là bí quyết của tác giả trong hành trình "Làm dâu nước Mỹ": “Tình yêu là chìa khóa cho mọi cánh cửa”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình tri thức có truyền thống yêu nước, người thân từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Thị Thanh Lưu đã gặp không ít rào cản khắc nghiệt khi phải lòng một chàng trai người Mỹ. Bất chấp mọi răn đe, ngăn cản của mẹ, cô gái trẻ xứ Nghệ vẫn lao vào cuộc tình đầy sóng gió, bất trắc với người mình yêu thương. Bản lĩnh quyết đoán, tự tin đã giúp chị vượt qua chông gai, trắc trở để đi đến hôn nhân, bắt đầu hành trình “làm dâu xứ lạ”.

Theo chồng đến nước Mỹ, Nguyễn Thị Thanh Lưu bước vào cuộc đời làm dâu, làm vợ, làm mẹ với không ít băn khoăn, bối rối. Song, những nhận thức ban đầu đã giải tỏa nỗi niềm trong chị. Chị chia sẻ: “Tôi yêu một người Mỹ và đang bắt đầu yêu quê chồng - nơi đã mở ra rất nhiều cánh cửa mới cho trí óc và trái tim tôi”.

Tình yêu với người bạn đời đã khiến cô dâu Nguyễn Thị Thanh Lưu không còn thấy nước Mỹ là miền đất xa lạ. Chị quan sát, chiêm nghiệm và thấu hiểu chân thành về tất cả những gì diễn ra ở nơi mình đang sống. Cho đến khi “nước Mỹ là nhà”, là nơi chốn trở về, là một quê hương mới, thương quen với chị, chị vẫn tiếp tục “học cách mở rộng nhận thức của mình về nước Mỹ với chiếc chìa khoá vạn năng là tình yêu”.

{keywords}

Những chuyến đi nghỉ cùng gia đình chồng

Chị kể về từng người thân của chồng với niềm yêu kính, ngưỡng mộ và biết ơn sâu sắc. Tình cảm chân thành đã giúp chị cảm nhận được tình yêu vô điều kiện dành cho con cháu của bà ngoại chồng, cảm nhận được bố chồng là “người cha thực thụ”, “người đàn ông ấm áp, nhân hậu”, mẹ chồng là người mẹ tâm lý, rất yêu quý con dâu. Chị và mẹ chồng thường chia sẻ cho nhau những công thức nấu các món ăn. Mẹ chồng còn là người truyền cho con dâu những bí quyết “xây tổ ấm” và nhiều tri thức hữu ích về văn hóa xã hội nước Mỹ. Chị tâm sự: “Sự có đi có lại của quá trình học hỏi lẫn nhau trong gia đình nhà chồng khiến tôi nhanh chóng hòa nhập. Những ngày mùa hè đi nghỉ cùng với gia đình nhà chồng trở thành những ngày tháng mong đợi của tôi vì ở đó, tôi cảm thấy mình thật đủ đầy trong yêu thương”. Tình yêu thương đã xóa nhòa khoảng cách Việt - Mỹ giữa nàng dâu với bố mẹ chồng. “Nước Mỹ xa lạ” đã “trở thành mái nhà ấm áp” của chị, nơi chị “đi xa bắt đầu thấy nhớ và mong được trở về”.

{keywords}

Thanh Lưu bên chồng con và cha mẹ chồng

Trong câu chuyện của mình, chị chia sẻ bí quyết nuôi dạy hai bé Cà Kiu và Rau Muống. Chị và chồng cùng chung quan niệm “Trung dung hai nền văn hoá Việt - Mỹ trong cách nuôi dạy con”. Theo chị, “Để bước vào thế giới của con trẻ, chúng ta buộc phải bỏ hết những muộn phiền, lắt léo, mệt mỏi của đời sống người lớn ở bên ngoài. Con trẻ đã rộng lòng như vậy, lẽ nào chúng ta lại bỏ qua cơ hội để tự thanh lọc mình - một cơ hội không dễ gì có được trong thế giới gấp gáp, vội vã này”. “Tình yêu sẽ dẫn đường cho cha mẹ học tiếp những bài học quý giá từ con cái trong hành trình tính bằng tháng năm cuộc đời bên nhau, có nhau”. Song, chị không để tình yêu chi phối mình trong nuôi dạy con cái. “Đối với sự nghiệp trồng người, tình yêu là điều quan trọng nhất nhưng không phải là tất cả, bởi lẽ, ngay cả việc yêu một đứa trẻ đang mở mắt tập nhìn thế giới, ta cũng phải học cách yêu sao cho đúng. Cha mẹ không nên vì quá yêu con mà giáo dục con một cách áp đặt theo ý mình, cha mẹ phải “cảm biết thiên hướng xúc cảm, tư duy của con cái, để nương theo đó mà dẫn dắt con đi đúng đường”.

Trong quan hệ vợ chồng, chị nhận ra: “Tôi và anh đang cố gắng học yêu nhau mỗi ngày để kê bằng mọi chỗ lệch, để bảo vệ mầm hạnh phúc vừa gieo”. Trong khi chồng “kiên trì luyện tập trình độ lãng mạn”, thì vợ “rèn tay búa tay đinh” để đảm đương công việc đàn ông trong nhà. Chị nhắn nhủ với các bạn trẻ: “Hỡi các tình yêu đang chuẩn bị bước vào hôn nhân, ngoài những điều lí tưởng cao xa, hãy nhớ học thêm môn rửa bát, quét nhà, giặt giũ để giữ lửa dài lâu. Các bạn gái cũng đừng quên rèn tay búa tay đinh cho chắc, để đừng lỡ mất cơ hội có một chàng kém chuyện búa đinh nhưng cực kì hay trong vô vàn chuyện khác”.

{keywords}

Thanh Lưu và con trai Rau muống

Cuốn tự truyện khép lại bằng bức tranh hạnh phúc về hành trình Làm dâu nước Mỹ của tác giả: “Hai năm sống ở xứ người, hai năm gieo giống tình yêu đất lạ với rất nhiều thương nhớ quê hương, rất nhiều âu lo về khoảng cách văn hoá, giờ đây, tôi đã bắt đầu thấy mầm xanh hi vọng nhú lên trên đất mới. Bất chấp những khác biệt, bất chấp những cú va chạm văn hoá hiển nhiên, tôi và anh đang dấn bước, cùng phá vỡ mọi ngại ngần của những thử thách đầu tiên trong đời sống chung bề bộn lo lắng”.

Và chị khẳng định niềm tin của mình: “Chỉ cần có tình yêu, mọi khoảng cách có thể san lấp, mọi giới hạn có thể vượt qua”.

(Theo Phunuonline)