“Không còn yêu nhau thì chia tay chứ đừng bôi nhau lên mạng xã hội để mọi người xông vào chửi rủa. Mình không cần chồng nhưng các con vẫn cần gặp bố”, một độc giả chia sẻ.

Mới đây, chuyện B.H lên tiếng tố chồng là hotboy ngoại tình trên facebook khiến dân mạng xôn xao. Rất nhiều người tiếc nuối cho sự rạn nứt của một mối tình đẹp kéo dài 16 năm, 6 năm yêu nhau và 10 năm hôn nhân hạnh phúc.

Tuy nhiên, bên cạnh việc chia sẻ với người trong cuộc, nhiều ý kiến cho rằng không nên đưa chuyện gia đình lục đục lên mạng xã hội.

Độc giả Minh Anh bày tỏ: “Chuyện vợ chồng giải quyết giữa hai người thôi đã rắc rối, giờ đưa lên mạng kéo thêm vài ngàn người vào bình luận dòm ngó, lên tiếng, chửi bới các kiểu thì càng khó giải quyết gấp trăm lần. Đang cơn giận dữ, tức tối nhau, có xúc phạm nhau mà chỉ có hai người thôi thì sau này còn cho qua được, chứ xúc phạm lẫn nhau trước cả ngàn người thì sau này muốn nhìn mặt nhau như người quen biết thông thường thôi cũng khó, Trong khi 2 người vẫn còn có chung hai đứa con thì phải đụng mặt nhau dài dài”.

“Chuyện gia đình vợ chồng nên tâm sự trực tiếp với những người bạn hoặc người thân trong gia đình. Chứ đừng nên tung hê nhau lên facebook, biết đâu một ngày cả hai muốn tha thứ cho nhau nhưng lại nghĩ giờ cả thiên hạ ai cũng biết chuyện vợ chồng trục trặc rồi, thôi kệ muốn ra sao thì ra”, một độc giả tiếp lời.

Vợ chồng hết yêu nhưng vẫn còn có những đứa con chung, hãy chia tay làm sao để con cái có ấn tượng tốt về cả bố và mẹ.

{keywords}
Ảnh minh họa

“Nghĩ cho con, hay vẫn còn muốn cho chồng một cơ hội thì không nên cho cả thiên hạ biết như vậy. Dù có ly hôn nhưng sau này con cái đi học, bạn bè ghét nhau lôi chuyện bố ngoại tình ra động chạm thì thương con lắm. Mà con còn bé, để sau này lớn nó tự hiểu, tự đánh giá tốt hơn là hiểu sự việc lệch lạc đi qua miệng lưỡi thiên hạ”, độc giả Thu Huyền chia sẻ.

“Tung hê chuyện chồng ngoại tình, làm xấu mặt chồng trước bàn dân thiên hạ mình nghĩ là không nên. Chuyện chồng nọ kia, chồng sai là đương nhiên nhưng không phải vợ hoàn toàn đúng. Làm thế này thì không bao giờ lôi kéo chồng quay lại với mình được, không bao giờ cứu vãn được hôn nhân, không giữ được bố cho con mình và chồng nó cũng không phục mình. Làm thế này chỉ càng đẩy chồng ra xa mình thôi”, độc giả Hường chia sẻ.

Ứng xử khôn ngoan khi chồng ngoại tình

Theo Tiến sĩ văn hóa Ngọc Mai - Viện nghiên cứu con người, nhiều người không biết cách ứng xử khi người thứ ba xuất hiện trong hôn nhân nên đã vô tình làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Nhiều người chửi rủa, nhiếc móc, đánh ghen hay buông xuôi... mà không biết rằng những cách đó chỉ càng đẩy bạn đời ra xa. Lúc bình tĩnh lại họ mới thấy hối hận, nuối tiếc nhưng sự đã rồi không thể cứu vãn.

Chuyên gia khuyên trong tình huống này phải xử lý khéo để kéo người bạn đời về phía mình, trong ấm ngoài êm chứ không phải nhảy dựng lên để làng nước, họ tộc biết hay sử dụng trò đánh ghen kiểu giang hồ...

Dưới đây là các bước ứng xử khi xuất hiện người thứ ba, theo Tiến sĩ Mai:

- Bình tĩnh xem xét: Bạn nghe thông tin đó từ ai (từ điện thoại, cách thể hiện của chồng hay từ người thứ ba chọc ngoáy...). Đừng nghe người khác nói mà vội quy kết cho bạn đời. Đừng để nóng giận làm bạn mất khôn.

- Khi biết rõ vợ/chồng ngoại tình, tự mình nên thẩm định lại xem thông tin đó thế nào, mức độ nghiêm trọng đến đâu. Đồng thời thu thập những chứng cứ xác thực.

Thu thập chứng cứ bạn đời ngoại tình là việc nên làm. 'Nói có sách, mách có chứng' để đối phương không thể chối cãi, ưu thế thuộc về bạn khi đàm phán. Hoặc nếu sự việc quá nghiêm trọng đến mức ly hôn thì đây sẽ là chứng cứ có lợi cho bạn.

- Bắt đầu đánh giá xem người thứ ba xuất hiện với tư cách gì, là người bạn, đồng nghiệp hay người tình chen vào phá hoại hạnh phúc gia đình bạn.

- Sau đó căn cứ vào mối quan hệ của vợ/chồng với gia đình, ví dụ họ vẫn quan tâm, hay họ đã sao nhãng, không quan tâm gia đình, cáu gắt bạn đời... Từ đó mới đi đến kết luận người thứ ba là kẻ phá đám hay chỉ là người làm phong phú thêm đời sống gia đình. Kết luận nguy cơ.

- Khi có đầy đủ những thông tin cho thấy người vợ/chồng ngoại tình thì nên xem xét lại bản thân mình. Các cụ vẫn nói 'tiên trách kỷ, hậu trách nhân", bạn hãy xem cách hành xử của mình có làm cho đối phương mệt mỏi, chán chường, đời sống vợ chồng có gì thiếu sót, bạn sai ở đâu. Học cách làm mới mình, thay đổi mình cho phù hợp, xây dựng lại hình ảnh. Nếu bạn không có vấn đề gì lớn đáng chê trách thì lúc này mới có thể kết luận vợ/chồng mình là người không đứng đắn.

- Sau đó nên nói chuyện với người bạn đời của mình trước khi đi nói chuyện với người thứ ba. Đây không phải là cuộc nói chuyện thông thường mà là đàm phán, bạn cần có kỹ năng. Đầu tiên bạn phải xác định rõ mình không phải là người bị cắm sừng, người kia là kẻ cắm sừng mà hãy đứng từ phía tôi là một người nam/nữ, là bố/mẹ để nói chuyện. Cuộc đàm phán thuyết phục là làm đối phương thừa nhận những chứng cớ bạn đưa ra. Cái quan trọng nhất trong cuộc đàm phán là đặt trọng trách, trách nhiệm lên đối phương: Anh/chị chọn gia đình hay người kia...

- Khi biết được tâm ý của vợ/chồng mình thì lúc này mới đi gặp người thứ ba. Hãy chọn địa điểm, ăn mặc, lời ăn tiếng nói lịch sự. Bắt đầu cuộc đàm phán thẳng thắn, tạo áp lực lên người kia, để họ nhận ra đang là kẻ phá hoại gia đình người khác. Tuyệt đối không nổi nóng, dùng những biện pháp đánh ghen thiếu khôn ngoan.

"Trong tình huống nào bạn cũng hãy đặt hạnh phúc gia đình, con cái lên trên, cố gắng lôi kéo người bạn đời về phía mình, cứu cuộc hôn nhân. Đừng nóng vội mà tự mình đánh mất hạnh phúc đã gây dựng", bà Ngọc Mai nói.

K. Minh (tổng hợp)