- Việc sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị xếp vào top 'tệ nhất châu Á" đang gây những tranh cãi, bức xúc về chất lượng, dịch vụ ở 2 sân bay hàng đầu Việt Nam này.
Một trang tin về du lịch vừa công bố danh sách bình chọn 10 sân bay có chất lượng tồi tệ nhất châu Á dựa theo bình chọn của các du khách khắp nơi trên thế giới. Theo đó, những tiêu chí đánh giá dựa trên một số trải nghiệm thực tế của du khách như tiện nghi, độ thoải mái, mức độ sạch sẽ và chất lượng dịch vụ khách hàng tại sân bay.
Quang cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài |
Đáng chú ý hai sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam là Nội Bài và Tân Sơn nhất nằm trong danh sách này. Theo phản ánh của hành khách, mặc dù nằm trong khu vực nhiệt đới nhưng điều hòa ở đây luôn rất kém, nhất là trong thời điểm đông khách khiến họ phải toát mồ hôi. Bên cạnh đó, hệ thống biển chỉ dẫn nghèo nàn, thiếu thông tin về các chuyến bay. Một số phàn nàn khác như thiếu ghế ngồi cho khách, không đủ các quầy đổi tiền.
Mức độ vệ sinh ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bị đánh giá là không ổn định |
Năm ngoái, Nội Bài đã có tên trong danh sách các sân bay bị đánh giá kém và năm nay có thêm sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong danh sách này ở vị trí thứ 8. Dù được đánh giá là khá hơn Nội Bài, cơ sở vật chất tại Tây Sơn Nhất cũng bị đánh giá chỉ ở mức trung bình, trong khi mức độ vệ sinh không ổn định. Ngoài ra, vấn đề về điều hòa nhiệt độ và mạng wifi chập chờn cũng là điểm trừ ở Tân Sơn Nhất trong lòng du khách.
Hành khách Hugh Nguyen cho hay: "Hệ thống phát thanh của sân bay Tân Sơn Nhất
thuộc loại ồn ào nhất, nghe rất đau đầu".
Bạn đọc Tran Anh Tuan tỏ ra bất bình: "Ghét nhất ở Nội Bài là đường đi trong
cùng dành riêng cho các xe biển xanh biển đỏ, dân bị đẩy tít ra ngoài. Cái ghét
thứ 2 là hệ thống biển báo và thông báo cực chán và thiếu thông tin!".
Còn độc giả Vanloan thì cho hay: "Sân bay Nội Bài còn tội bao năm lấy quả Trung Quốc bóc
nhãn hiệu dán lại mác Việt Nam!".
Bạn Thái Lê Ngọc Diệp phản ánh" Toilet ẩm ương, nhân viên dọn dẹp thiếu chuyên
nghiệp, í ới ủm tỏi".
Trước đây, đã có nhiều lùm xùm về chất lượng, dịch vụ ở hai sân bay lớn nhất Việt
Nam này.
Nhiều bạn đọc bức xúc về chuyện chặt chém ở sân bay. Theo đó, có nhiều sản phẩm,
dịch vụ được bán với giá "trên trời".
Quầy hàng tại sân bay |
Vào cuối tháng 2/2013, với hiện trạng tại sân bay Nội Bài, khách phải trả giá cao gấp nhiều lần so với thực tế, gần 200.000 đồng một bát phở và chai nước suối, một bát mì tôm lên đến 40.000 đồng.
Hành khách thường xuyên phàn nàn về phí dịch vụ đắt đỏ tại sân bay |
Theo điều tra của PV báo PLTP.HCM vào năm 2013, tại một quán cà phê trong khu
vực sân bay Tân Sơn Nhất đồ uống ở đây đều có giá 60.000-100.000 đồng/món, đặc
biệt một chai nước suối có giá 60.000 đồng. Giá này là quá cao bởi ở bên ngoài,
các tiệm chỉ bán tầm 15.000 đồng. Các món ăn khác như phở, mì bò cũng đội giá
lên đến gần 80.000 đồng/tô... Một số sân bay khác như ở Huế tình trạng cũng
tương tự, một tô mì gói hộp, không thịt gì cũng giá khoảng 40.000 đồng cộng thêm
một ly cà phê sữa rất bình thường cũng ngót nghét cả 100.000 đồng…
Vào đầu tháng 7 vừa qua, PV báo Giao thông vận tải có cuộc điều tra về giá hàng
ăn uống tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Tại sảnh công cộng ga đến Quốc tế, một
lon bia Heineken có giá 66.000 đồng, tuy nhiên khi vào đến khu vực cách ly nó
bỗng vọt lên 5USD (tương đương 106.800 đồng); Tương tự ly trà nóng từ 20.000
đồng vào cách khu cách ly cũng có giá 3USD. Tại khu sảnh lầu 3 ga đi quốc tế,
quầy hàng Confetti “chém” 89.000 đồng một tô bún bò/bánh canh cua/hủ tiếu. Trái
dừa lạnh giá 45.000 đồng, bát súp cua 49.000 đồng. Điều hết sức vô lý là sát
cạnh nhau, nhưng quầy hàng của SASCO chỉ bán lon bia Heineken với giá 30.000
đồng.
Bảng niêm yết giá tại quầy Burger King - khu cách lý ga đi quốc tế Tân Sơn Nhất. |
Một vấn đề khác gây bức xúc không kém cho hành khách, đó là tình trạng chậm, hủy chuyến bay.
Báo cáo mới đây của Cục Hàng không VN cho thấy, tính từ đầu năm đến gần cuối
tháng 7, các hãng đã thực hiện 85.000 chuyến bay nhưng tỷ lệ chậm, hủy chuyến
lên tới 24,1%.
Cụ thể, Vietnam Airlines chậm chuyến là 12,3%, hủy chuyến là 2,9%; chậm chuyến
nhiều nhất là Vietjet Air chiếm 40,4%, hủy chuyến 3,3%; đứng ngay sát là Jetstar
Pacific chậm chuyến là 40,2%, hủy chuyến là 3,6%; thấp nhất là Vasco khi tình
trạng chậm chuyến là 10,2%, hủy chuyến là 7,5%.
Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh của hai sân bay này cũng còn rất nhiều bất cập.
Theo phản ánh của báo Người Lao Động, 2 sân bay lớn nhất của cả nước hiện đều đang hoạt động trong tình trạng quá tải. Sự quá tải ở 2 sân bay này không chỉ thể hiện ở tình trạng xếp hàng dài chờ làm thủ tục check in hay chờ đợi cả tiếng đồng hồ để lấy hành lý sau mỗi chuyến bay… mà còn được nhận thấy rất rõ ở khu vực nhà vệ sinh với trang thiết bị cũ kỹ, sự “nhếch nhác” xuất hiện ở các khu vực dành cho hành khách chờ đợi làm thủ tục, chờ đợi ra máy bay.
Rác dưới gầm ghế ngồi đợi ra máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất
Sữa rớt xuống lối đi nơi đợi ra máy bay
Nước nhỏ từ trên trần xuống lôi đi ở sân bay Tân Sơn Nhất Dụng cụ vệ sinh để cả cả hành lang lối đi Dụng cụ làm vệ sinh để cả ở toilet dành cho khách đi máy bay Hộp thư góp ý để... cho có |
Thu An (Tổng hợp)