- Người ta vẫn bảo cha mẹ thương con vô điều kiện nhưng với mẹ chồng tôi thì lại khác bởi tình cảm của bà dành cho con cho cháu luôn gắn cùng điều kiện: tiền. 

Bình thường đã vậy, đằng này lúc con dâu sinh con nằm một chỗ, cháu nội còn đỏ hỏn bà cũng lấy tiền ra để làm tiêu chí chăm sóc. Chu đáo hoặc thiếu thốn, tất cả còn tùy thuộc vào tiền con đưa ít hay nhiều.

Hai vợ chồng tôi đều là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp. Cũng như bao cặp vợ chồng trẻ khác: thu nhập thấp, nhà đi thuê, vợ chồng tôi phải vật lộn cật lực vì miếng cơm manh áo. Đến nỗi phải tính toán các chi phí rồi tích cóp hai năm mới dám sinh con, thế nhưng vẫn không lường trước được những khó khăn gặp phải.

Người ta thì có bố có mẹ giúp đỡ, đằng này số tôi vất vả chẳng biết trông cậy vào ai. Mẹ đẻ ở quê đã già yếu, mẹ chồng thì bận bán hàng suốt ngày. Kế hoạch sinh con xong tôi sẽ ở hẳn nhà để chăm con, chỉ thuê giúp việc trong thời gian ở cữ. Đến gần ngày sinh vợ chồng mới cuống cuồng gọi điện tìm người giúp việc thì ai cũng lắc đầu từ chối bởi thời gian vài tháng quá ngắn lại vất vả chẳng bõ công họ đi.

Nghĩ nát nước hai vợ chồng quyết định nhờ vả mẹ chồng. Sau một hồi van nài đến gãy lưỡi bà cũng miễn cưỡng gật đầu đồng ý nhưng với điều kiện “ba tháng trả tao 5 triệu”. Tôi vẫn nhớ như in cái giọng sặc mùi tiền của bà vang lên trong điện thoại “mỗi ngày tao bán hàng được 2 trăm, vị chi tháng cũng có ngót nghét 6 triệu. Đi làm osin cho chúng mày tao vừa không bán được hàng lại vừa mất khách, trả tao 5 triệu là còn rẻ chán”.

{keywords} 

Biết tính bà ham tiền từ trước nên vợ chồng tôi cố gắng dẹp tự ái xuống vì con. Sinh con xong tôi ra viện được một ngày bà mới mò lên. Mà chồng tôi phải cuống quít năn nỉ thêm lần nữa bà mới lên vì lí do “bận khách quen không bỏ được”. Bước vào nhà, thay vì việc hỏi han vồ vập cháu, bà quẳng hai con gà đã mổ sẵn xuống bàn ở phòng khách than thở “có hai con gà cũng đi tong mấy trăm bạc. Thôi, ăn bao nhiêu cũng hết, mẹ cho chúng mày.”

Những ngày ở cữ với tôi mới thật là khốn khổ. Ngoài tiền phải trả bà hàng tháng thì sáng nào chồng tôi cũng phải đưa tiền trực tiếp để bà đi chợ mua thức ăn. Bà chẳng cần bận tâm cháu mình có sữa để bú hay không, cứ hôm nào tiền nhiều bà cho ăn nhiều. Hôm nào mà lỡ đưa ít, bà dọn ra mâm chỉ có ít ruốc khô với rau luộc. Thấy tôi không ăn được bà vừa bế cháu vừa nói mát: “Không ăn chỉ có mà đói, tiền ít mà đòi ăn ngon”.

Cũng may bà không chu đáo với con dâu nhưng vẫn chăm cháu nội khá tốt, khốn nỗi cái gì bà cũng quy ra tiền. Ngay cả việc tắm cho cháu, mấy ngày đầu thuê y tá đến tắm bà để ý giá tiền rồi lúc cháu cứng cáp bà bảo: “Việc gì mà phải thuê, tao tắm còn sạch hơn y tá mà lại mất có một nửa tiền”.

Dù đã quen với sự tính toán của bà, nhưng thật sự tôi không thể hiểu nổi tại sao bà lại có thể tính toán với cả cháu nội của mình chi li đến thế. Hàng ngày mua gì bà cũng đều ghi chép đàng hoàng ra giấy, rồi về nhà nhẩm đi tính lại xem có tiêu lạm vào tiền của bà hay không. Nhờ bà mua miếng bỉm lót, cái khăn sữa hay gạc rơ lưỡi cho cháu bà cũng tính từng đồng với lí do: "Trước mẹ nuôi chồng mày làm gì có ai cho đồng nào. Giờ có con chúng bay cũng phải tự lo cho nó, có con phải khổ vì con chứ mẹ chẳng tiếc gì mấy đồng bạc.”

Có một lần chồng tôi vội đi làm sớm quên không đưa tiền cho bà, hậu quả ngay buổi trưa đó bà cho con dâu ăn cơm với muối rang. Con dâu cơm chan nước mắt còn bà thì thao thao bất tuyệt: “Xưa phụ nữ đẻ xong ăn muối rang là lành nhất đấy. Ăn lắm đồ bổ mãi vào làm gì cho béo quay ra”.

Về tôi có nói lại với chồng, anh tỏ ý trách bà quá đáng. Chỉ chờ có vậy mà bà đùng đùng nổi giận mắng vợ chồng tôi: “Tao đã phải bỏ công bỏ việc để lên đây chăm con cháu mà chúng bay không biết điều. Tưởng đưa vài ba đồng bạc cho tao là tao phải cung phụng phục dịch chắc? Không đưa tiền tao vẫn nấu cho mà ăn là tốt lắm rồi.”

Nói xong, bà xách túi bỏ đi. Lần đó cũng là vì con mà vợ chồng tôi phải chạy theo bà xuống nước xin lỗi rối rít thuyết phục bà quay lại. “Quay lại chứ gì? Được thôi, các thêm tiền đây”. Sau lần ấy, được thêm tiền cộng với việc chồng tôi biết điều đưa nhiều tiền hơn khiến thái độ của bà thay đổi hẳn. Nói năng nhẹ nhàng, nấu ăn ngon hơn (mẹ chồng tôi bán hàng ăn) và đặc biệt chăm con dâu với cháu rất chu đáo.

Còn nhớ hôm mẹ con tôi tròn cữ, bà lôi hết giấy tờ ghi chép hàng ngày ra nhẩm nhẩm tính tính. Cầm xấp tiền chồng tôi đưa trong tay, chợt bà “à” lên một tiếng: “Mẹ quên, còn hai gói băng vệ sinh lần trước mua cho con không ghi. 26 nghìn, nhưng thôi, mẹ cho. Lúc nào trả mẹ sau cũng được”. Lúc ấy thực tình tôi chỉ muốn sút bay bà ra khỏi nhà. 

Chắc thế giới này có một mình bà chứ không có hai, ai đời chăm con chăm cháu mà lại đòi tính phí.

Minh Thùy (ghi)