- Sau 5 năm tích cóp, vợ chồng tôi đã có cơ ngơi khá khang trang ở Hà Nội với mức thu nhập 15 triệu/tháng.

Tâm sự của bạn Vũ Anh – thu nhập hơn 30 triệu/tháng không mua nổi nhà Hà Nội giống rất nhiều bạn ở ngoại tỉnh đang lập nghiệp ở Hà Nội. Nếu cứ nghĩ theo hướng tích cóp đủ 1-2 tỷ mới mua nhà thì đúng là cả đời cũng không đủ tiền mua nổi ở chỗ đất chật người đông này.

Tôi thu nhập 6 triệu/tháng. Vợ tôi 9,5 triệu/tháng. Chúng tôi đều là người tỉnh lẻ ra Hà Nội lập nghiệp (tôi Bắc Ninh, vợ Ninh Bình). Chúng tôi lấy nhau năm 2008, giờ đã có một bé gái 5 tuổi. Tháng 4 năm ngoái vợ chồng tôi bắt đầu sở hữu ngôi nhà đầu tiên ở Hà Nội. Và đến tháng 8 năm nay, chúng tôi mua được ngôi nhà 2 tầng khá khang trang.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Tôi đoán là nhiều người sẽ nghĩ “ông này phét, thu nhập 15 triệu không đủ ăn mà đòi mua nhà”. Rất nhiều người phản ứng như thế khi nghe tôi nói mua được nhà ở mức lương ấy. Tôi hiểu. Suy nghĩ của các bạn khác của tôi nên mới thế.

Ngay từ khi lấy nhau, vợ chồng tôi đã quyết tâm phải mua nhà chứ không thể đi ở thuê mãi. Thế là chúng tôi vạch rõ các khoản chi tiêu ra, 7 triệu dành tích cóp, 8 triệu để chi tiêu sinh hoạt. Chúng tôi coi như thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ có 8 triệu, nhiều gia đình trẻ cũng thu nhập như thế và vẫn sống được thì chúng tôi cũng sống được.

Tôi phải khẳng định là tích cóp được hay không là do phụ nữ hết. Vợ tôi làm rất tốt vai trò này. Với 8 triệu, cô ấy tính toán kiểu gì mà chu toàn được mọi thứ. Thuê nhà và điện nước hết 2,5 triệu/tháng, gửi trẻ 700 ngàn (mọi người gửi ở đâu toàn 2-3 triệu, tôi gửi trường gần nhà 700 ngàn thấy cơ sở vật chất khang trang, các cô chu đáo), còn lại dành cho ăn uống. Bữa cơm vẫn có đủ thịt, cá, dinh dưỡng, thỉnh thoảng có hoa quả tráng miệng. Một năm vợ chồng tôi vẫn chi tầm 4-5 triệu đi du lịch một chuyến. Ma chay hiếu hỉ vẫn nằm trong khoản ấy hết. Nói chung là chúng tôi sống ổn với 8 triệu ấy.

Với 7 triệu tiết kiệm mỗi tháng, sau 3 năm, ra ngân hàng rút tính cả lãi thì vợ chồng tôi có 260 triệu. Tôi quyết định vay thêm họ hàng 150 triệu nữa để mua mảnh đất ở Đông Ngạc. Vừa mua được vài tháng thì có người trả giá cao hơn, tôi bán lúc đó được 550 triệu. Tôi trả nợ họ hàng còn 400 triệu lại gửi ngân hàng.

Tháng 4 năm ngoái tôi rút tiền, vay thêm họ hàng 200 triệu nữa, mua căn nhà cấp bốn ở Đại Mỗ với giá 620 triệu. Chúng tôi ở đó được nửa năm thì lại có người hỏi mua với giá cao hơn. Tôi bán xong lại trả nợ họ hàng và còn thừa lại 650 triệu.

Và đến tháng 8 năm nay, chúng tôi đã mua được căn nhà hai tầng ở Mỹ Đình với giá 1 tỷ. Hơn một nửa là tiền của tôi, vay thêm họ hàng 300 triệu. Như vậy là chỉ sau 5 năm chúng tôi đã có nhà của riêng mình ở Hà Nội, chỉ còn nợ 300 triệu đã trả dần được một ít.

Bí quyết của tôi là không đợi đủ tiền, mà cứ có hơn nửa là vay thêm để mua. Chưa có nhiều tiền, tôi mua đất ở nơi cách xa trung tâm một chút, đất ở trong ngõ thì rẻ hơn đất ngoài mặt đường. Chứ lương 30 triệu/tháng mà đợi đủ tiền mua chung cư Trung Hòa Nhân Chính thì đúng là cả đời tích cóp không đủ. Tiền nào của nấy, kiểu gì chả mua được nhà. Tùy hoàn cảnh của mình mà lựa chọn cho phù hợp thôi các bạn ạ.

Mảnh đất đầu tiên mua ở Đông Ngạc, tôi cũng không có ý định buôn bán gì đâu. Định bụng khoảng nửa năm sau đủ tiền cất nhà cấp 4 thì tôi sẽ xây ở tạm. Nhưng người ta trả giá cao hơn thì tôi bán. Chẳng cần có kiến thức nhiều về bất động sản thì vẫn buôn bán được. Mua đất thì cứ lựa mảnh nào đủ giấy tờ, không tranh chấp, không nằm trong diện giải tỏa, giá cả phù hợp với mình thì yên tâm mua. Được giá hơn thì bán.

Các bạn thấy đấy, nếu cứ đợi đủ 1,6 tỷ để mua căn chung cư cao cấp thì tính ra vợ chồng tôi tích cóp 50 năm nữa cũng không đủ. Nhưng chỉ cần thay đổi cách nghĩ, cách làm thì với thu nhập 15 triệu, chỉ sau 5 năm vợ chồng tôi đã sở hữu căn nhà 1 tỷ rồi.

Cách mua nhà, xe hơi trong 5 năm với lương 7 triệu

Tỷ phú người Hồng Kông Li Ka-Shing đã chia sẻ một số bí quyết tiêu tiền và vạch ra kế hoạch mua nhà trong 5 năm.

Giả sử thu nhập mỗi tháng của bạn chỉ là 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng), bạn vẫn có thể sống tốt – ông Li nói. Bạn hãy chia khoản thu nhập đó thành 5 phần: 600 tệ, 400 tệ, 300 tệ, 200 tệ và 500 tệ.

Vấn đề không phải là bạn kiếm được bao nhiêu, mà hãy luôn nhớ chia thu nhập thành 5 phần. Tích cực đầu tư vào mối quan hệ, bạn sẽ mở rộng mạng lưới liên lạc, thu nhập sẽ tăng lên. Tích cực đầu tư vào học tập, bạn sẽ tăng sự tự tin. Tăng cường đầu tư vào kỳ nghỉ, bạn sẽ mở mang tầm nhìn. Tăng cường đầu tư vào tương lai sẽ giúp bạn tăng thu nhập.

Khoản 600 tệ là để chi tiêu cho ăn uống, nhà cửa. Với cách sống rất giản tiện, bạn có thể chỉ tốn chưa đến 20 tệ mỗi ngày. Bữa sáng bạn có thể ăn bún, trứng và một cốc sữa. Bữa trưa ăn nhẹ và hoa quả. Bữa tối hãy tự nấu nướng, có thể là 2 món rau và một cốc sữa trước khi đi ngủ. Với cách ăn uống như thế này, bạn chỉ tiêu tốn khoảng 500-600 tệ/tháng. Khi còn trẻ, cơ thể sẽ không gặp quá nhiều vấn đề trong vài năm với cách sống này.

Khoản 400 tệ sẽ được chi cho các mối quan hệ. Tiền điện thoại có thể là 100 tệ. Bạn có thể mời bạn bè 2 bữa trưa mỗi tháng, mỗi bữa có giá 150 tệ. Vậy bạn nên mời ai đây? Hãy luôn nhớ mời những người hiểu biết hơn bạn, giàu có hơn bạn hoặc những người có thể giúp bạn trong sự nghiệp sau này. Hãy nhớ làm việc này đều đặn mỗi tháng. Sau một năm, những mối quan hệ này chắc chắn sẽ tạo ra những giá trị to lớn cho bạn. Bạn cũng sẽ xây dựng cho bản thân một hình ảnh tốt bụng và hào phóng.

300 tệ hãy đầu tư cho học tập. Hãy dành khoảng 50-100 tệ để mua sách. Vì bạn không có nhiều tiền nên bạn phải tập trung vào học tập. Khi bạn mua sách, hãy đọc chúng cẩn thận và rút ra những bài học, chiến lược từ cuốn sách. Mỗi cuốn sau khi đọc, hãy nhớ về chúng theo ngôn ngữ riêng của mình để có thể kể lại như những câu chuyện. 200 tệ còn lại trong khoản 300 tệ này nên dành cho các khóa học đào tạo. Khi bạn có thu nhập cao hơn hoặc có tiền tiết kiệm, hãy cố gắng tham gia vào nhiều khóa đào tạo hơn. Khi bạn tham gia vào những khóa đào tạo thú vị, bạn không chỉ có thêm kiến thức mà còn được gặp gỡ những người bạn cùng chí hướng.

200 tệ để dành cho đi du lịch nước ngoài. Tự thưởng cho mình ít nhất một chuyến du lịch trong năm để có nhiều hơn trải nghiệm trong cuộc sống. Hãy chọn những nhà nghỉ dành cho thanh niên để tiết kiệm chi phí. Trong vài năm, bạn sẽ đi được một số nước và có nhiều trải nghiệm khác nhau. Hãy sử dụng trải nghiệm đó để tạo cảm hứng cho bản thân, kích thích niềm đam mê trong công việc.

500 tệ cuối cùng hãy dùng để đầu tư kinh doanh. Tiết kiệm 500 tệ trong ngân hàng, tích lũy dần để có số vốn khởi nghiệp. Số tiền này nên dùng để kinh doanh nhỏ lẻ thôi vì nó an toàn hơn. Hãy tìm nguồn hàng để mua buôn, tìm kiếm sản phẩm để bán. Trường hợp xấu nhất là thua lỗ thì bạn cũng không mất quá nhiều. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu kiếm tiền, bạn sẽ tự tin và can đảm hơn, đồng thời có cả những kinh nghiệm trong việc quản lý những thương vụ nhỏ. Tích lũy dần dần rồi bạn sẽ có những kế hoạch đầu tư dài hạn.

Cố gắng mua quần áo, giày dép hạn chế nhất có thể. Bạn có thể mua tất cả chúng khi bạn giàu. Hãy tiết kiệm tiền và mua một số món quà cho người thân và kể với họ những kế hoạch, mục tiêu tài chính của bạn. Nói với họ tại sao bạn phải sống tiết kiệm, những nỗ lực, hướng đi và ước mơ của mình.

Nếu sau một năm nỗ lực, mức lương của bạn vẫn là 2.000 tệ, hãy xem lại bản thân.

Độc giả Văn Quang