Đọc những tâm sự ngắn gọn, súc tích của một phụ nữ gửi cho chị Hạnh Dung, ngỡ ngàng vì mức độ “bình thường hóa” vấn đề đạo đức hôn nhân của nhiều người. Tôi tự hỏi, tại mình cổ hủ hay bởi họ quá “cấp tiến”?

“Em có chồng và con rất hạnh phúc, nhưng vừa qua có một người đàn ông tỏ tình với em. Sau một tháng thì em đã bị xiêu lòng và hai đứa đã quan hệ như vợ chồng. Thật tình anh ấy thương em nhiều lắm. Giờ em không biết phải làm sao? Em không muốn chồng em biết và cũng không muốn mất chồng em. Chị giúp em với”.

Ôi, đơn giản như đang giỡn!

Chị Hạnh Dung cũng không thể giúp nổi người phụ nữ này mà chỉ có thể phân tích và chỉ ra những cái sai, cảnh báo mối nguy sắp đến. Qua sự “súc tích” của lá thư, giật mình mức độ chóng vánh của quá trình mà con người ta đi từ chỗ chung thủy đến ngoại tình. Và hàng ngày trên những trang báo, vẫn bắt gặp rất nhiều câu chuyện của cả đàn ông và đàn bà về vấn đề này.

{keywords} 

Mấy tuần qua, báo đã đăng khá nhiều bài viết về chủ đề ngoại tình này, đọc mà giật mình khi nhận ra con người ngày càng dễ dãi và “vô tư”, dễ dãi với cả bản thân và với người khác. Có câu nói, “nên khắc khe với bản thân mình và dễ dãi với người khác”, nhưng khái niệm “dễ dãi” ở đây đâu phải là sự bung thùa đến mức bung bét như thế. Cái “dễ dãi” đó là sự đồng cảm và sẻ chia, là sự hỉ xả khi thấy điều chướng tai gai mắt, là sự buông bỏ cho nhẹ lòng… chứ đâu phải là dâng hiến tâm hồn và xác thân một cách hời hợt theo kiểu đó.

Khi tôi hỏi “Tr. không thấy việc làm đó là dơ bẩn sao?”, người bạn gái đang phản bội chồng của tôi nói: “Dơ gì đâu! Cũng chỉ là thịt da con người thôi mà! Có dơ thì cũng chỉ dơ ngay lúc đó, tắm xong là hết dơ ngay mà!”. Thấy ngơ ngác trước suy nghĩ của bạn. Cô ấy đã nói như thế, những người xung quanh còn có thể nói gì nữa bây giờ!

Đúng! “Chỉ là thịt da con người”, chỉ cần chút xà bông và dầu gội là sạch! Nhưng đó là về mặt vật lý, sinh lý… còn về mặt đạo đức thì đã sai vạn dặm rồi! Thế còn lương tâm, lòng tự trọng, tâm hồn… có tắm gội sạch sẽ được hay không?! Và tắm gội bằng cách nào, như thế nào?! Điều đáng sợ ở chỗ, một khi người ta cho rằng “chỉ cần tắm là sạch” thì đâu còn nền tảng gì nữa! Đúng là trong cuộc sống có tồn tại những cái “không đúng nhưng chưa hẳn đã sai”, hoặc “không sai mà cũng chẳng đúng”. Nhưng, có những điều chỉ “sai hoặc đúng”.

Khi nào bạn tôi dừng lại? Khi cô ấy mang bệnh tật, khi bị người tình trở mặt, khi bị chồng phát hiện, khi bị vợ/bồ của người tình phát hiện, khi bị ai đó bên nhà chồng hoặc bạn bè của chồng phát hiện, khi “quả báo” đổ lên con gái bạn (nếu con gái cũng sống như bạn, hoặc giả là mai này con gái bạn lấy chồng và bị người phụ nữ khác đánh cắp hạnh phúc như mẹ nó đã từng làm)…???

{keywords} 

Thế hệ ông bà và cha mẹ tôi, dường như đa phần người ta trân trọng đạo đức trong hôn nhân hơn, biết hài lòng với cái mà người ta có hơn, cũng như biết hàn gắn và sửa chữa… mà đó chính là nền móng tốt nhất của bất cứ mối quan hệ nào chứ không riêng gì mối quan hệ vợ chồng. Thời nào thì cũng có kẻ ngoại tình và cũng có những cặp đôi ly thân, ly hôn… nhưng chưa khi nào con số ấy cao như hiện nay.

Nhiều người nói, phụ nữ ngoại tình luôn đáng được cảm thông hơn đàn ông. Đàn ông thường là do tham lam, thả mồi bắt bóng, vì sắc đẹp hay sự trẻ trung thu hút, bị quyến rũ và cám dỗ bởi đàn bà lẳng lơ, vì bị bạn bè rủ rê, vì vừa có “tài” (tiền bạc) vừa có “sắc” (phong độ) nên nhiều người mê đắm… Đàn ông có thể ngoại tình trong khi họ vẫn yêu vợ thương con và không muốn đánh mất hạnh phúc gia đình, cũng như có thể ngoại tình trong khi vợ họ rất hoàn hảo. Còn phụ nữ, chỉ ngoại tình khi người chồng thiếu quan tâm, rượu chè be bét, phản bội vợ con… mới tháo cũi số lồng, chứ nếu người chồng tốt thì chẳng đời nào đàn bà ngoại tình cả. Hình như quan điểm đó không đúng. Vì có vẻ như người ta bứt phá khỏi những khuôn phép mà không cần bất cứ lý do gì, chỉ là vì thích và chiều theo cái thích của bản thân thôi, kể cả đàn ông lẫn đàn bà.

Tôi cho rằng, dù là đàn ông hay đàn bà, một khi đã phản bội thì đều không còn tôn trọng và yêu thương người kia. Vì không thể có chuyện yêu người này mà còn yêu được người khác, yêu mà có thể làm tổn thương người mình yêu, muốn gìn giữ mà lại vung tay phá vỡ. Đó chỉ là lòng tham lam, không muốn mất cái nào mà muốn có cả hai, hay nhiều hơn thế. Và khi đó, “tình yêu” chỉ là sự ngụy biện.

(Theo PNO)