Đưa nhau lên mạng xã hội để bêu riếu, “tố cáo” ngoại tình đang ngày càng nở rộ. Nhiều người sẵn sàng tung ảnh tình địch lên facebook để chứng minh sự việc mình đang kể là đúng sự thật.

Nữ MC bị tố cướp chồng

Mới đây, một chủ tài khoản facebook có tên “N.P.T” đã lên tiếng “tố” nữ MC kiêm biên tập viên của một đài truyền hình “cướp chồng” và nói những lời xúc phạm, chế diễu cô. Sự việc được công khai vào ngày 24/6 và nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội với rất nhiều lời đồng tình lẫn phản đối. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa được phía nữ MC lên tiếng xác nhận hay giải thích.

{keywords}

Một trong số những bức ảnh của nhân tình và chồng được chị T. tung lên facebook (ảnh chụp màn hình fb chị T.)

Bị tình địch dọa lại

Mới hôm qua 27/10, chủ facebook mang tên B.N cũng tung ảnh chồng và nhân tình đang “hú hí” với nhau lên facebook. Sau khi tung hàng chục bức hình tình tứ của chồng và bồ lên, N. kể chồng cô đã qua lại với ả người tình từ lâu. Khi cô phát hiện ra thì ả người tình còn gọi điện dọa đánh, bảo có chồng không biết giữ được để ả giữ hộ.

 

{keywords}

Chị N. chua xót đăng ảnh chồng nắm tay bồ tình tứ (ảnh chụp màn hình fb chị N)

Một diễn biến mới đây, B.H một nữ doanh nhân ở HN cũng tố cáo chồng ngoại tình lên FB với hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận về vụ việc.

Cư dân mạng ngán ngẩm

Những chuyện lẽ ra những người trong cuộc nên tự ngồi lại giải quyết với nhau, đóng cửa mà bảo nhau thì giờ đây được tung lên mạng xã hội. Hai bên giằng co, tranh cãi trước sự chứng kiến của nghìn người theo dõi và tin tức nhanh chóng lan truyền đến hàng triệu tài khoản facebook khác.

Bên cạnh những cư dân mạng tò mò chuyện người khác, chủ động theo dõi tài khoản để “hóng”, đăng status bình luận nhằm câu view (lượt xem), câu like (lượt thích) thì vẫn có rất nhiều người tỏ ra ngán ngẩm với những sự việc kiểu này.

Đặc biệt là những bạn bè trong friendlist (danh sách bạn bè) và cả những “bạn của bạn” hay chỉ là người vô tình đi ngang qua “tường nhà đang có biến”. Không ít trong số họ dù chán ngán hoặc “ngại” tham gia vấn đề riêng tư của gia đình người khác nhưng “bị tag” đã rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Không hỏi han, an ủi thì không được, mà vào bình luận thì... sức đâu!

Một facebooker chia sẻ: “Cuộc sống của mình đã đủ xì trét rồi, sáng nào mở facebook cũng thấy hiện lên trên feeds những lời thở than than thở, chửi nhau qua lại, rất mệt. Nhiều khi không muốn đọc để đón một ngày tươi sáng hơn cũng khó. Chẳng lẽ lại unfriend (bỏ kết bạn)”.

Nhiều tài khoản facebook khác thì tỏ ra bi quan, mất niềm tin vào chồng, vào đàn ông khi cứ lên mạng là đập vào mắt những tin tức như thế này.

“Mất niềm tin nghiêm trọng vào đàn ông rồi, mấy hôm nay nhóm mình nhiều mẹ gặp phải cảnh này quá”, một chủ tài khoản chia sẻ.

“Mình đang về ngoại ở cữ, đọc những tin này chẳng còn tin tưởng chồng được nữa, lúc nào cũng tưởng tượng chồng mình ở H.N đang hú hí với con nào”, một người khác chia sẻ.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc nở rộ chuyện “tố nhau” ngoại tình trên mạng xã hội là hệ quả của việc chúng ta đang sống trên một thế giới phẳng, khi việc chia sẻ thông tin trở nên quá dễ dàng, mà bản chất con người là muốn được chia sẻ, giải tỏa, nếu không cân nhắc kỹ khi “dốc bầu tâm sự” thì chuyện gì cũng có thể trở nên quá lố như thế này, không cứ chuyện ngoại tình.

Khi trạng thái tâm lý không ổn định, người ta dễ nói ra những điều có thể khiến mình ân hận về sau, nhưng cái dở của việc đưa nhau lên mạng là sự việc từ đó bị đẩy đi quá xa, thậm chí rất xa so với thực tế. Để rồi sau đó, kẻ đúng người sai đều bẽ bàng, mối quan hệ giữa những người trong cuộc bị rạn nứt khó hàn gắn.

Kết quả nghiên cứu của một nhóm các giáo sư tâm lý đến từ Đại học Michigan, Hoa Kỳ và Đại học Leuven, Bỉ cho biết càng tương tác nhiều với Facebook, tâm trạng con người càng tồi tệ. Trong nghiên cứu này, một số sinh viên đại học tình nguyện tham gia sẽ báo cáo lại tần suất sử dụng Facebook cùng với đó là tâm trạng hiện tại của mình 5 lần một ngày, liên tiếp trong 2 tuần. Kết quả là người dùng Facebook nhiều thường đi kèm với nhiều cảm xúc tiêu cực hơn nhóm còn lại...

Ứng xử khôn ngoan khi chồng ngoại tình

Theo Tiến sĩ văn hóa Ngọc Mai - Viện nghiên cứu con người, nhiều người không biết cách ứng xử khi người thứ ba xuất hiện trong hôn nhân nên đã vô tình làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Nhiều người chửi rủa, nhiếc móc, đánh ghen hay buông xuôi... mà không biết rằng những cách đó chỉ càng đẩy bạn đời ra xa. Lúc bình tĩnh lại họ mới thấy hối hận, nuối tiếc nhưng sự đã rồi không thể cứu vãn.

Chuyên gia khuyên trong tình huống này phải xử lý khéo để kéo người bạn đời về phía mình, trong ấm ngoài êm chứ không phải nhảy dựng lên để làng nước, họ tộc biết hay sử dụng trò đánh ghen kiểu giang hồ...

Dưới đây là các bước ứng xử khi xuất hiện người thứ ba, theo Tiến sĩ Mai:

- Bình tĩnh xem xét: Bạn nghe thông tin đó từ ai (từ điện thoại, cách thể hiện của chồng hay từ người thứ ba chọc ngoáy...). Đừng nghe người khác nói mà vội quy kết cho bạn đời. Đừng để nóng giận làm bạn mất khôn.

- Khi biết rõ vợ/chồng ngoại tình, tự mình nên thẩm định lại xem thông tin đó thế nào, mức độ nghiêm trọng đến đâu. Đồng thời thu thập những chứng cứ xác thực.

Thu thập chứng cứ bạn đời ngoại tình là việc nên làm. 'Nói có sách, mách có chứng' để đối phương không thể chối cãi, ưu thế thuộc về bạn khi đàm phán. Hoặc nếu sự việc quá nghiêm trọng đến mức ly hôn thì đây sẽ là chứng cứ có lợi cho bạn.

- Bắt đầu đánh giá xem người thứ ba xuất hiện với tư cách gì, là người bạn, đồng nghiệp hay người tình chen vào phá hoại hạnh phúc gia đình bạn.

- Sau đó căn cứ vào mối quan hệ của vợ/chồng với gia đình, ví dụ họ vẫn quan tâm, hay họ đã sao nhãng, không quan tâm gia đình, cáu gắt bạn đời... Từ đó mới đi đến kết luận người thứ ba là kẻ phá đám hay chỉ là người làm phong phú thêm đời sống gia đình. Kết luận nguy cơ.

- Khi có đầy đủ những thông tin cho thấy người vợ/chồng ngoại tình thì nên xem xét lại bản thân mình. Các cụ vẫn nói 'tiên trách kỷ, hậu trách nhân", bạn hãy xem cách hành xử của mình có làm cho đối phương mệt mỏi, chán chường, đời sống vợ chồng có gì thiếu sót, bạn sai ở đâu. Học cách làm mới mình, thay đổi mình cho phù hợp, xây dựng lại hình ảnh. Nếu bạn không có vấn đề gì lớn đáng chê trách thì lúc này mới có thể kết luận vợ/chồng mình là người không đứng đắn.

- Sau đó nên nói chuyện với người bạn đời của mình trước khi đi nói chuyện với người thứ ba. Đây không phải là cuộc nói chuyện thông thường mà là đàm phán, bạn cần có kỹ năng. Đầu tiên bạn phải xác định rõ mình không phải là người bị cắm sừng, người kia là kẻ cắm sừng mà hãy đứng từ phía tôi là một người nam/nữ, là bố/mẹ để nói chuyện. Cuộc đàm phán thuyết phục là làm đối phương thừa nhận những chứng cớ bạn đưa ra. Cái quan trọng nhất trong cuộc đàm phán là đặt trọng trách, trách nhiệm lên đối phương: Anh/chị chọn gia đình hay người kia...

- Khi biết được tâm ý của vợ/chồng mình thì lúc này mới đi gặp người thứ ba. Hãy chọn địa điểm, ăn mặc, lời ăn tiếng nói lịch sự. Bắt đầu cuộc đàm phán thẳng thắn, tạo áp lực lên người kia, để họ nhận ra đang là kẻ phá hoại gia đình người khác. Tuyệt đối không nổi nóng, dùng những biện pháp đánh ghen thiếu khôn ngoan.

"Trong tình huống nào bạn cũng hãy đặt hạnh phúc gia đình, con cái lên trên, cố gắng lôi kéo người bạn đời về phía mình, cứu cuộc hôn nhân. Đừng nóng vội mà tự mình đánh mất hạnh phúc đã gây dựng", bà Ngọc Mai nói.

K. Minh (tổng hợp)