Anh lớn tiếng nói không có đủ tiền thì đi vay đi mượn, cả năm làm lụng có cái Tết sum vầy phải cho đàng hoàng.
Tết đến nơi mà vợ chồng anh chị lục đục cãi nhau, về nhà chẳng ai mở lời nói với ai câu nào, không khí gia đình trầm mặc, buồn tênh, bữa cơm nặng nề, lặng lẽ. Nhìn ánh mắt ngơ ngác của con, lòng chị chùng xuống. Mọi khi giận nhau, chị hay chủ động làm lành nhưng lần này chị chẳng nhún nhường được nữa, sức chịu đựng của chị đến thế thôi. Đêm ngủ mỗi người mỗi góc, chiếc giường rộng thênh thang ở giữa, chị nghĩ mà thở dài ngao ngán với kế hoạch mua sắm biếu xén ngày Tết của anh. Như chồng người ta thương vợ thương con, đằng này không biết anh có hiểu được phần nào nỗi vất vả, cực nhọc của chị không?
Anh chị đều từ quê lên thành phố học rồi quyết định ở lại lập nghiệp, bố mẹ hai bên không có điều kiện giúp đỡ nên hai người phải tự lập. May mắn vợ chồng có công việc ổn định, thu nhập ở mức khá nhưng so với bao khoản phải chi tiêu nơi thành phố đắt đỏ chẳng thấm gì, trừ đi tiền ăn uống, nhà trọ… Chị dành dụm riêng một khoản phòng khi lúc cần, hay ốm đau, kẻo biết xoay sở vay mượn ai. Nhưng cũng có chút ít chẳng phải dư dả nhiều gì, con còn nhỏ, còn việc lớn mua nhà, ở thuê tạm bợ mãi thế này sao được. Vậy mà dường như anh không muốn hiểu điều đó, có tiền trong tay là anh muốn tiêu xài hưởng thụ trước đã.
Tết là nỗi lo bởi biết bao chi tiêu chất chồng lên vai người giữ tay hòm chìa khóa là chị, từ việc mua sắm trong nhà đến đối nội đối ngoại hai bên họ hàng. Bạn bè rủ đi sắm quần áo mới, làm tóc diện ngày Tết, chị khéo léo từ chối bởi muốn tiết kiệm lo cho gia đình cái Tết được đầy đủ sum vầy. Thế mà hôm trước anh khoe chiếc điện thoại iphone 6 mới cứng vừa mua, nước mắt chị rưng rưng, bao nỗi uất ức đè nén trong lòng chị buông ra câu “Anh chỉ làm vợ con khổ thêm”. Mặt anh sầm lại, đứng lên bỏ đi anh không quên vứt lại đằng sau câu “Mệt quá với mụ vợ lắm lời, trong đầu rặt chỉ nghĩ đến chữ tiền, sống không biết hưởng thụ, lúc nào cũng chỉ nghĩ cần kiệm chắt bóp, sống đến chết chẳng hết khổ thì sao biết cảm giác sướng thế nào”.
Nghe anh nói, chị chẳng buồn nói lại bởi chị chán lắm rồi, chị góp ý bao lần nhẹ có, nặng có anh vẫn nguyên tính như cũ. Nào phải nhà mình dư thừa tiền bạc như nhà người ta, chị chi tiêu phải co kéo đầu này đầu kia, anh cầm về chiếc điện thoại bằng hai tháng lương chị cặm cụi đi làm, không xót sao được. Chiếc iphone 4s của anh vẫn còn dùng tốt, công việc anh đâu cần sử dụng nhiều ứng dụng, chạy theo iphone đến bao giờ cho kịp? Chị không tính toán trước sau dè sẻn thì khi nào mua được nhà, anh định cho vợ con ở đậu nhà người cả đời hay sao? Rồi con cái đi học tốn kém anh có bao giờ nghĩ đến? Sống chỉ biết nay không biết mai như anh, là người đàn bà vun vén lo toan cho gia đình chị không sống được…
Tết đến nơi mà vợ chồng anh chị lục đục cãi nhau, về nhà chẳng ai mở lời nói với ai câu nào (Ảnh minh họa). |
Lương thưởng vợ chồng được bao nhiêu mà anh bảo biếu ông bà nội 10 triệu ăn Tết rồi còn quà cáp, rượu, giò biếu nhà bác này, chú kia. Chị gạt ngay đi, chị nói với anh chị chỉ lo mua quà biếu bố mẹ hai bên và bác cả đã tuổi cao, còn anh thích biếu ai anh tự đi mà lo, đừng đặt gánh nặng lên vai chị. Anh đổi về hàng tập tiền mệnh giá 100 nghìn mới cứng bảo bỏ bao lì xì cho các cháu, họ hàng cháu chắt bên chồng đâu ít, nhẩm tính số tiền mừng tuổi vài triệu. Chị nghĩ mừng tuổi lấy lộc may mắn đầu năm, ai đưa phong bao lì xì nhiều ít ra đong đếm tình cảm nên chị đưa ý kiến mừng tuổi ông bà để 100, 200 nghìn, các cháu vài chục thôi, anh trách vợ keo kiệt, bủn xỉn, cho ai cái gì cũng tiếc…
Anh lớn tiếng nói "Không có đủ tiền thì đi vay đi mượn", và cho rằng cả năm làm lụng có cái Tết sum vầy phải cho đàng hoàng. Anh bảo biếu quà bên nội chẳng qua cũng chỉ muốn cho chị được đẹp mặt, tiếng thơm nàng dâu hiền thảo. Chị nói luôn, chị chẳng cần đẹp mặt, có sao tiêu vậy, cần gì phải sĩ diện với ai. Chị nghĩ chị làm phận dâu con không phải không biết lễ nghĩa phép tắc trước sau, chị vẫn lo toan quà biếu Tết nhất cho bố mẹ đầy đủ, kinh tế mình chưa có, bố mẹ cũng sẽ cảm thông thấu hiểu…
Nhìn kế hoạch tiêu Tết của anh, chị nơm nớp lo, chẳng muốn bàn bạc gì nữa. Chị thấy cách anh vung tay quá trán, sĩ diện làm chị sợ, thấy bất an, cuộc sống ngày càng đắt đỏ khó khăn, lương hai vợ chồng không tăng trong khi giá cả mọi mặt hàng leo thang, gia đình cần bao thứ chi tiêu mà khoản nào cũng cần thiết cả. Tết tiêu vung tay, ra giêng vợ chồng con cái sống bằng gì khi chưa đến tháng lương. Nếu anh vẫn muốn ăn Tết to, hoành tráng theo ý mình thì anh tự lo, chị sẽ gọi điện xin phép bố mẹ năm nay cho chị và con về ăn Tết bên ngoại. Chị đã quá mệt mỏi vì lo tiền trả nợ, giật gấu vá vai sau mỗi Tết to của anh rồi…
(Theo Trí Thức Trẻ)