- Con bé mới được 1 tuổi mà đi đâu bà cũng bắt đi theo. Nhà họ hàng bên cạnh làm to, bà bắt nó ở đó để nhận tiền mừng tuổi.


Đọc bài tâm sự của một bạn về mẹ chồng chỉ thích các con mừng tuổi người khác nhiều để lấy tiếng, tôi thấy mẹ chồng bạn như thế vẫn còn thảo lảo chán. Mẹ chồng tôi thì ngược lại, bà dùng người khác là công cụ kiếm tiền mừng tuổi cho mình, mà cụ thể đó là dùng cháu nội của bà.

Tôi thật sự không biết dùng từ nào để diễn tả độ tham tiền của mẹ chồng mình. Năm nay bà cũng đã ngoài 60, tuổi lên chức cụ rồi đấy. Nhưng bà còn khỏe lắm, bằng chứng là mấy ngày tết ngày nào bà cũng bế bé con nhà tôi đi chơi khắp xóm, không bỏ sót một nhà nào.

Hàng xóm cạnh nhà tôi cũng là họ hàng với nhà bà, làm sếp khá to. Năm nào khách tới chúc tết cũng nườm nượp mà toàn khách đi ô tô. Từ hồi tôi về nhà làm dâu và sinh bé đến giờ, năm nào tôi cũng thấy bà ăn diện từ sáng sớm và giục tôi mặc đẹp cho con mình. Xong hễ thấy chiếc xe nào đậu xuỵch cái trước cửa nhà ông sếp họ hàng kia, là bà lại bế cháu đi sang.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Giả vờ sang chúc tết, nhưng thật ra là sang để ngóng người ta mừng tuổi cho cháu mình. Xong xuôi đâu đấy, bà về nhà mở vội phong bao ra ngắm nghía tờ tiền khi 500, khi 200 nghìn, miệng xuýt xoa “đúng là khách xộp có khác”. Hoặc vớ phải tờ tiền 100 hoặc 50 nghìn, bà lại lầu bầu người giàu mà kiệt sỉn.

Vợ chồng tôi đã nói bà bao lần rồi, mình không phải người nghèo khổ. Bà làm thế người ta sẽ coi thường mình. Nhưng mẹ chồng tôi nhất mực bảo thủ: “Cả đời gặp nhau được mấy lần mà coi với thường? Mấy năm nữa cậu Chiến về hưu (ông sếp hàng xóm) lúc ấy có muốn cũng chẳng được”. Nghe bà nói thế, vợ chồng tôi chỉ biết thở dài.

Thấy thằng cháu ngoại đến chơi, bà xúi nó “cứ sang bên nhà ông Chiến mà chơi con ạ”. Được lúc thấy thằng bé chạy về hí hửng khoe tờ tiền 200 nghìn đựng trong bao, mẹ chồng tôi cười tươi như hoa. Bảo cháu phải chịu khó chơi bên đó, người ta đến thấy sẵn ở đó người ta mới tưởng là cháu ruột của sếp, sẽ được mừng nhiều hơn.

Ở xóm phường này, từ ngày có cháu nội cháu ngoại, mẹ chồng tôi được thêm tiếng sống hòa đồng. Bởi năm nào cũng thế, cứ tết đến là bà bế cháu đi chơi khắp từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Bà bảo nhà giàu tiền trăm, nhà nghèo tiền chục. 10 hay 20 nghìn cũng là tiền, “kiến tha lâu thì đầy tổ” nên nhà nào nghèo mà cũng không “tha”. Lỡ chẳng may nhà nào không mừng tuổi cho cháu bà, kiểu gì đầu năm cũng bị bà lầm bầm trù ẻo.

Con tôi mới tập nói chưa rõ từ, bà đã dạy cháu vâng dạ, cảm ơn, xin xỏ ríu rít. Ai đến không biết lại nghĩ tôi sướng vì có mẹ chồng tử tế, dạy dỗ cháu toàn điều hay. Nhưng thật ra bà đang biến con tôi thành công cụ kiếm tiền, dạy cho biết vâng dạ để người ta quý mà mừng tuổi nhiều hơn.

Mang tiếng người ta lì xì cho cháu, nhưng được bao nhiêu bà giữ hết. Bà bảo để giành sau này cho con cháu chứ cho ai. Rồi còn nói “con mày nó bé mà đã biết kiếm tiền lễ tết thay bố mẹ rồi đấy” (vì trước tết vợ chồng tôi biếu tiền bà không nhận.

Mẹ chồng tôi bảo thủ lắm, có nói gì chắc chắn bà cũng không thay đổi. Chắc tôi chỉ còn cách đợi ông chú làm sếp kia về hưu, may ra vợ chồng tôi đỡ ái ngại.

Tâm An (Việt Trì, Phú Thọ)