- Tận mục sở thị những dãy nhà trọ công nhân trong thôn Bầu, PV cảm thấy ngộp thở. Trong phạm vi 20m2 đã bao gồm 2 nhà vệ sinh, một sân nhỏ để rửa bát, giặt giũ, 1 hành lang nhỏ hẹp chỉ đủ cho một người đi. Có nơi tận dụng tối đa diện tích, dưới sân là nhà để xe, phía trên là dây phơi quần áo chằng chịt, đến không còn một chỗ hở.
Bị trừ lương do phát ốm vì thời tiết
Anh Trần Ngọc Phong, công nhân Công ty Panasonic, khu công nghiệp Thăng Long, đã nghỉ làm 5 ngày nay vì cảm cúm do dị ứng với thời tiết độ ẩm cao. Anh buồn bã nói: “Ốm liệt giường vì thời tiết đã đành, lại còn bị trừ lương. Tháng này chỉ còn 70% lương, bệnh lại chồng thêm bệnh”. Anh tính tháng sau lại “mỳ tôm toàn tập” vì tiền nhà, tiền điện nước và tiền gửi về cho gia đình đã ngốn gần hết số lương còn lại đó của anh, chưa kể tiền thuốc thang điều trị.
Anh Phong ngồi chán nản trước cửa phòng trọ. |
Chị Trang Nhung có con nhỏ 6 tháng tuổi, quê ở Thanh Hóa, mới ra Hà Nội và chuyển tới xóm trọ Tây Bầu (thôn Bầu, Đông Anh) 1 tuần nhưng đã khá mệt mỏi. “Mình ra ngoài này, đến ăn còn chẳng đủ còn phải chạy đôn chạy đáo lo con thơ. Mình làm ca đêm nên đồng hồ sinh học đảo lộn, đâm ra cháu cũng bị ảnh hưởng. Thời tiết ẩm ướt thế này, cháu khó chịu, quấy khóc triền miên”.
Chị tâm sự, chồng chị đi làm tận khu công nghiệp Bắc Thăng Long – Nội Bài, cách xóm trọ này mấy chục cây số. Chị đành phải cậy mẹ đẻ lên trông con giùm. Những ngày này, trông cảnh bà “trái gió trở giời”, cháu lại khọt khẹt mà thấy xót. “Mẹ tôi đã già yếu, lại phải nom cháu hàng ngày. Bà đã già rồi, chân lại hay đau”, chị Nhung nói.
Vừa chấm mũi cho cháu, bà vừa xuýt xoa cái chân đang sưng tấy lên mỗi độ trời mưa lạnh. Chị than, “đời sống công nhân đã khá vất vả, khổ sở. Vẫn biết “nắng mưa là việc của giời”, nhưng cứ ẩm ướt triền miên như thế này, chẳng khác gì “giời đày”.
Mẹ chị Trang Nhung bế cháu nhỏ, chờ con gái về ăn cơm chiều |
Chị kể, con gái chị dùng bỉm rất dễ bị hăm, nhưng nếu mặc quần và dùng tã lót thì ngày phải hai chục cái quần là ít. Chị tính phải mua thêm nhiều quần, nhiều tã hơn nữa để bé đủ dùng trong suốt những ngày mưa ẩm này, để hai bà cháu cùng đỡ khổ.
Dùng nước hoa tránh nồm
Đối phó với tình trạng nồm ẩm, nhớp nháp trong suốt hơn một tuần qua, ông Nguyễn Hồng Thanh, chủ một khu trọ trong thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) phải thủ sẵn một chai nước hoa để xịt phòng. Thấy vậy, bà hàng xóm vội trêu “già rồi mà còn điệu”. Ông phân trần: “Trời nồm, dù có thường xuyên lau chùi, nhà cũng không tránh khỏi hôi hám. Phòng rộng đã đành, đằng này chỉ có chừng 12m2, đóng kín cửa thì chỉ có nước thở bằng mồm thôi, nào thì mùi phòng ẩm mốc, mùi quần áo khăm khẳm, mùi giày tất thum thủm”.
Lối vào nhà trọ công nhân nhỏ hẹp, sâu hun hút, ẩm ướt, lầy lội bùn đất và rác thải |
Ông Thanh cho biết, trong khu trọ có ít nhất 3 gia đình có con nhỏ. “Trời này khổ nhất là các cháu nhỏ, sau đến người già chúng tôi. Bố mẹ các cháu là công nhân nên chưa có điều kiện mua máy sấy, sưởi nên các cháu sụt sịt suốt. Ông tỏ ra lo ngại cho những đứa trẻ vì kết thúc đợt nồm ẩm này, là đợt không khí lạnh tăng cường và sau đó là nắng nóng cục bộ.
Cũng giống như gia đình ông Thanh, gia đình anh Tuấn ở khu trọ Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm cũng phải dùng lọ nước hoa do chị gái anh tặng cách đây 1 năm để xịt phòng cho thơm. Anh kể, “Hai vợ chồng làm công nhân theo ca ở khu công nghiệp, lương bèo bọt lại nuôi đứa con 4 tuổi nên tiền ăn học, sinh hoạt cho con đã ngốn hết gần số lương của hai vợ chồng. Mấy hôm nay thời tiết nồm, nhà cứ bốc hơi nước ướt át khiến mùi ẩm mốc bốc lên không ngủ được”.
Rồi anh Tuấn chia sẻ thêm: “ Khuya hôm trước lọ mọ lau nhà vẫn không cải thiện, tự nhiên vợ tôi nhớ ra có lọ nước hoa chị gái tặng mà chưa dùng đến nên lôi ra xịt, không ngờ thơm tho hẳn lên”.
Cận cảnh “ma trận quần áo”
Chợ Bầu (thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) cách khu công nghiệp Bắc Thăng Long vài trăm mét hay khu trọ ở Bắc Từ Liêm - nơi có hàng nghìn công nhân sinh sống trong những ngõ nhỏ chật hẹp chỉ đủ một người đi qua, những bọng nước đọng lại, hòa cùng với bùn đất lấm lem quần áo.
Trong phạm vi 20m2 đã bao gồm 2 nhà vệ sinh, một sân nhỏ để rửa bát, giặt giũ, 1 hành lang nhỏ hẹp chỉ đủ cho một người đi |
Tận mục sở thị những dãy nhà trọ, PV choáng ngợp trước hầu hết các tầng 1 ở các nhà trọ công nhân thuê, quần áo của cả người lớn và trẻ em phơi chằng chịt trên dây tạo thành những ma trận nhức mắt. Trong phạm vi 20m2 đã bao gồm 2 nhà vệ sinh, một sân nhỏ để rửa bát, giặt giũ, 1 hành lang nhỏ hẹp chỉ đủ cho một người đi. Có xóm trọ tận dụng tối đa diện tích, dưới sân là nhà để xe, phía trên là dây phơi quần áo chằng chịt , đến không còn một chỗ hở.
Nhiều gia đình dùng bìa các tông hay tấm xốp để lót sàn nhà |
“Bất tiện nhất ở đây chính là chỗ phơi quần áo. Diện tích nhà trọ nhỏ hẹp không cho phép mình có thể hong quần áo. Thỉnh thoảng phải mặc quần áo ướt đi làm, bạn bè cứ trêu nhau là cả tháng chưa tắm. Tất đi xong cho lên nồi cơm hay ấm nước, có khi phải 4 – 5 lần, bạn cùng phòng kêu hôi mới đem giặt”, bạn Quyết Thắng, một công nhân ở nhà máy Sam Sung hài hước.
Khu trọ nhếch nhác dưới trời mưa |
“Đi làm không thể tha dép lê được nên mình sắm thêm một đôi giày để thay đổi. Giày giặt xong chẳng có chỗ mà phơi, đành gác ngắc ngoải ngoài mưa”, bạn Trịnh Thanh (Gia Lâm, Hà Nội) ngậm ngùi. "Nhiều công nhân đã bất chấp hi sinh cả hai bữa ăn một ngày để mang đống quần áo cả tuần dồn lại ra hiệu giặt là" - Thanh cho biết thêm.
Nhà có mấy bộ quần áo, giờ đã giặt hết cả. “Khéo ngày mai phải quấn chăn ra đường mất, mà quấn chăn cũng chẳng xong, vì chăn cũng đã “toát mồ hôi”, ám mùi ẩm mốc, hôi hám rồi".
Đây là môi trường thuận lợi cho ẩm mốc, ruồi và các vi sinh vật phát triển. |
Tan ca về nhà tầm 6 giờ chiều, chị Thanh Nhàn, công nhân Nhà máy Thăng Long (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) đã phải mắc màn từ rất sớm. Độ ẩm trong không khí cao, mưa dày hạt lâu ngày tạo thành những bọng nước, là môi trường thuận lợi cho đám muỗi hoành hành. “Nhà trọ mình lại ngay sát một cái kênh, rác thải ngập ngụa, nếu không chui vào màn mau lẹ, có khi trong màn cũng có thể tóm được cả rổ muỗi. Kiến cũng rất nhiều, nhất là kiến ba khoang, tối qua nhà tôi còn diệt được khoảng vài chục con”.
Đỗ Dung – Hạnh Thúy