Là một người có học thức và địa vị đoàng hoàng trong xã hội, mình không bao giờ nghĩ rằng, bố chồng mình có thể thốt ra câu đó ngay trong bữa tối đầu tiên của mình ở nhà chồng, hơn nữa, lại trước mặt bao nhiêu anh em họ hàng nhà chồng…

Với chiều cao 1m57 lại nặng tới 54 kg, mình biết, mình chẳng thuộc nhóm người cao ráo, hay mảnh mai gì. Tuy nhiên, người yêu của mình và cũng là chồng mình bây giờ cũng chỉ cao 1m67. Chỉ có điều, anh gầy nên trông nhẹ nhõm hơn mình khá nhiều.

Vì vậy, có nhiều lúc, đi với chồng, mình cũng thấy tự ti vô cùng. Thế nhưng, từ trước khi cưới, mình cũng đã về ra mắt gia đình chồng 4, 5 lần. Chưa bao giờ, thấy ai chê, hay nói một câu nào không vừa ý về ngoại hình của mình.

Thế nên, mỗi lần về nhà anh chơi là mỗi lần mình cảm thấy rất thoải mái và vui vẻ.

Không thể ngờ được rằng, chỉ sau khi đám cưới vừa diễn ra, trong bữa cơm tối đầu tiên với tư cách là dâu con trong gia đình của mình, khi mấy bác mấy chú vừa khen chồng mình kiếm được cô vợ xinh xắn lại có nước da đẹp, thì bố chồng mình buông ngay câu: “Mỗi tội là không cao dàn thoáng mái” cho lắm.

Mình nghe mà sững cả người, mặt đỏ nhừ lên vì xấu hổ và cảm thấy khó chịu.

Đã vậy, ngay sau khi nói câu đó, bố chồng mình còn bồi thêm câu: “Sau này, cậu út lấy vợ là cứ phải chọn cô “cao dàn thoáng mái” thì hẵng lấy”.

Nói rồi, ông cười hà hà mà không hề để ý đến khuôn mặt đã tái nhợt đi của mình. Trong khi đó, mọi người trong bữa ăn đều đổ dồn ánh mắt về phía mình làm mình dù đang khó chịu trong lòng nhưng cũng cố gượng cười cho qua chuyện.

{keywords}
Ảnh minh họa

Sau hôm đó, cứ nghĩ cái chuyện “cao dàn thoáng mái” kia của ông bố chồng sẽ không còn lặp lại nữa, nhưng không, trong mấy ngày làm dâu ngắn ngủi ở nhà (vì sau đó, mình và chồng lại lên Hà Nội đế sống và làm việc) bố chồng mình vẫn cứ lặp đi lặp lại cái điệp khúc đó mỗi khi có ai đó nhắc đến chuyện ngoại hình của con dâu.

Có hôm, cũng đang trong bữa ăn thì bà mẹ chồng mình vô tình nhắc đến cô bạn gái học cùng cấp 3 với chồng mình, rồi bà bảo, ngày xưa cô này cũng thích chồng mình lắm, theo anh mãi mà anh cứ phớt lờ.

Thấy thế, bố chồng mình lại được đà thêm vào “Đúng rồi, kể lấy con bé đó cũng được, tuy học không giỏi nhưng được cái “cao dàn thoáng mái””.

Đến mức ấy thì mình không kiềm chế được nữa vì bản chất mình nóng tính, nhưng mình đã cố nhịn suốt từ hôm cưới đến giờ, vậy mà bố chồng vẫn vô duyên và thiếu lịch sự khi liên tục nhắc đến cụm từ đó. Và ông nói, cứ như thể ông chẳng có chút tôn trọng gì mình.

Vì vậy, mình cũng không giữ ý giữ tứ nữa mà độp lại luôn: “Sao hồi đó, bố không hỏi chị ấy cho anh H (- chồng mình) để anh khỏi phải vất vả theo đuổi con. Và con cũng đỡ phải áy náy khi không có ngoại hình “cao dàn thoáng mái” như mong muốn của bố”.

Nói xong, mình tiếp tục ăn cơm như không hề có chuyện gì xảy ra. Dù biết, bố mình cũng đang thấy ngượng, mẹ chồng, và cả chồng mình cũng đang đảo mắt nhìn mình.

Tuy nhiên, cũng từ hôm đó, không bao giờ mình thấy bố chồng, hay mẹ chồng mình nhắc đến cụm từ kia nữa. Cũng không bao giờ, mình thấy ông chê ngoại hình của mình nữa.

Thế nên, theo mình nghĩ, không phải lúc nào, nhẫn nhịn cũng tốt, bởi khi mình nhẫn nhịn nhiều quá, mọi người sẽ không biết hoặc cố tình không biết rằng, họ đang khiến mình cảm thấy bị tổn thương đến mức nào.

Minh Ngọc

(Hải Phòng)