Mất con là nỗi đau lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ. Nhưng mất con do lỗi bất cẩn của cha mẹ thì nỗi đau đó sẽ đi theo họ suốt cả cuộc đời. Sự dằn vặt, nỗi ân hận sẽ làm cho cả phần đời còn lại của họ trở thành địa ngục…
Cái chết của cháu bé 17 tháng tuổi ở Nghệ An do uống nhầm phải cốc nước đựng hóa chất trang trí trong lọ tăm vỡ lại một lần nữa gây nhức nhối dư luận. Chỉ vì một phút bất cẩn của cha mẹ mà nhiều trẻ đã vĩnh viễn từ giã cõi đời, nhiều trẻ may mắn được cứu sống nhưng phải hứng chịu di chứng suốt đời.
Mặc dù không thể tiên liệu hết mọi khả năng rủi ro tai nạn, song các bậc phụ huynh có thể bằng kinh nghiệm sống của mình và học hỏi kinh nghiệm từ những người xung quanh cũng như sách báo để biết cách hạn chế những tai nạn thường gặp nhất cho trẻ, để con trẻ không phải hứng chịu những hậu họa đau lòng do chính cha mẹ bất cẩn mà ra.
Mọi vật dụng xung quanh chúng ta tưởng như vô hại, nhưng nó luôn là những mối hiểm họa rình rập những đứa trẻ tò mò hiếu động. Dưới đây là một số bài học thương tâm các cha mẹ có thể đọc để lường trước những nguy hiểm có thể xảy đến với con mình.
Mất mạng vì lọ tăm
Tăm và lọ đựng tăm tưởng đâu là vô hại, nhưng ngày 9/5 vừa qua tại Nghệ An đã xảy ra một vụ ngộ độc, khiến cháu Lê Văn Huy (17 tháng tuổi) tử vong. Nguyên nhân tai nạn được cho là trẻ bị ngộ độc do uống phải hóa chất trang trí trong lọ tăm.
Được biết, khi ở nhà cùng với bố, cháu Huy thấy khát nước nên đã tự đi tìm để uống. Lúc này thấy một ít nước trong cốc nên cháu Huy lấy để uống. Loại nước mà cháu Huy uống là dung dịch thủy ngân chảy ra từ hộp đựng tăm bị vỡ trước đó.
Sau khi uống loại dung dịch này được ít phút, cháu Huy có biểu hiện bị ngộ độc rồi hôn mê. Mặc dù đã được gia đình đưa đến bệnh viên cấp cứu tại bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An, sau đó tiếp tục được chuyển ra Hà Nội để điều trị, nhưng do bị nhiễm độc quá nặng cháu Huy đã tử vong.
Cháu bé 17 tháng tuổi đã mất mạng do uống phải hóa chất trang trí trong lọ tăm. |
Cũng liên quan đến tăm mà trước đó, tại TP HCM, cháu bé 12 tuổi cũng phải nhập viện vì liên quan nghịch tăm. Được biết, do vừa ngậm tăm vừa uống nước, cháu bé vô tình nuốt luôn que tăm vào bụng. Tai nạn hy hữu này khiến sức khỏe em bị tổn hại, trầy xướt đoạn ống tiêu hóa từ thực quản đến dạ dày. Cháu bé may mắn được các bác sĩ bệnh viện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cứu chữa và đã đi vào ổn định.
Gặp nạn khi uống dầu luyn trong chai nước ngọt
Cháu Triệu T.U (13 tháng tuổi, ở Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, suy hô hấp, da tái, nhiễm trùng nặng…
Theo người nhà, trước khi vào viện 5 ngày, trong khi chơi một mình, bố mẹ không để ý, trẻ đã lấy chai nước ngọt trong đó có chứa dầu luyn để uống. Trẻ bị sặc, ho, tím tái, khó thở. Người nhà lập tức đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu. Do tình trạng bệnh ngày càng nặng, trẻ được chuyển lên tuyến trên. Cháu bé may mắn cứu sống.
Từ trường hợp này, Ths.BS Đào Hữu Nam - Khoa Điều trị tích cực - bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo: Ngộ độc thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Thuốc, hóa chất gia dụng là các yếu tố hay gây ngộ độc cho trẻ. Vì vậy, các hóa chất sử dụng trong gia đình cần được để tại những nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ em, không nên đựng hóa chất vào các vỏ chai vốn đựng nước uống (chai lavie, nước ngọt…).
Đặc biệt, các em nhỏ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc trong quá trình vui chơi; không để trẻ tự chơi một mình, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Tai nạn từ nồi cháo của mẹ
Nồi cháo mới nấu xong để giữa nhà, sau đó bưng cháo bán cho khách thì bỗng nhiên nghe tiếng hét thất thanh của đứa con gái 19 tháng tuổi. Chị quay lại thì thấy cháu đã ngồi gọn trong nồi.
Sau 2 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, cháu Lý (19 tháng tuổi, trú tại xã Quảng Hòa - huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã qua cơn nguy kịch. Nhìn cảnh cháu bé đáng thương đau đớn, bỏng độ 2-3 với diện tích bỏng khoảng 60% bao gồm vùng ngực bụng, lưng, mông, bộ phận sinh dục, 2 đùi và 2 cẳng chân mà nhiều người không cầm nổi nước mắt.
Nhiều trường hợp trẻ bị bỏng thương tâm do sự bất cẩn của cha mẹ. |
Ngậm dây điện, bé mang dị tật suốt đời
Bé Nhật Ánh (6 tuổi) nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, lưỡi cháy đen và co rút biến dạng sau khi nghịch phích cắm từ máy phát điện năng lượng mặt trời.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (quê Đăk Lăk), mẹ của bệnh nhi Nhật Ánh cho biết, 2 năm nay gia đình sử dụng máy phát điện từ năng lượng mặt trời để chạy các thiết bị gia dụng như quạt, đèn, tivi… Tai nạn xảy ra trong khi bố mẹ vắng nhà, bé Ánh Nhật ở nhà một mình đã cầm chiếc phích nguồn của thiết bị phát điện cho vào miệng nên bị giật. Nguồn điện 220V đã làm cậu bé bất tỉnh, lưỡi bị hoại tử nặng.
"Vợ chồng tôi biết con hay nghịch nên đã rất cẩn thận, trước khi ra khỏi nhà đã treo chiếc phích lên nóc tủ cao, không ngờ cháu lấy que khều xuống nghịch. Từ giờ tôi không dám để cháu ở nhà một mình nữa", người mẹ trẻ rút ra bài học từ kinh nghiệm đau thương.
Mất mạng vì xô nước lau nhà của mẹ
Thấy mẹ mang xô nước vào lau nhà, cháu Trần Văn B (15 tháng tuổi), con chị Lê Thị Hoa, (trú tại quận 1, TPHCM) lân la lại gần để nghịch. Người mẹ không để ý, vài phút sau quay lại đã thấy con ngã cắm đầu trong xô, bất động.
Cháu B nhập viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) trong tình trạng tím tái, gồng cứng người. Sau khi tiến hành cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị tổn thương não do bị ngạt thở quá lâu, thiếu ô xi đưa máu lên nuôi não; đồng thời trong phổi cháu có nước.
Theo các bác sĩ, việc ngạt nước quá lâu sẽ khiến nạn nhân bị ngưng thở, máu không đến não nên cơ quan này bị tổn thương. Tình trạng xấu nhất, bệnh nhân có thể tử vong tại chỗ.
Những sự việc đau lòng xảy ra trên phần lớn xuất phát từ sự bất cẩn, thiếu cảnh giác của cha mẹ, người thân. Điều này khuyến cáo các bậc cha mẹ, khi nuôi con, nhất là con nhỏ, cần để mắt đến con cũng như chú tâm phòng ngừa những rủi ro có thể xảy đến, đừng để một phút chủ quan mà phải hối hận một đời…
(Theo Gia đình và Xã hội)