Mẹ chồng người Bắc, con dâu người Nam. Đó là chuyện không hiếm trong cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên, người có suy nghĩ thoáng và rất tân thời như bà Phùng Thị Thăng (ngã tư Sở, Đống Đa, Hà Nội) - mẹ chồng của em gái tôi - thì thật hiếm có.

Em tôi sinh năm 1979, hai con gái, đứa lớn 11, đứa nhỏ bảy tuổi. Em có tiệm làm tóc tại nhà, chồng làm việc ở một cơ quan nhà nước. Trước giờ vẫn êm ấm vì cha mẹ chồng ở ngoài Bắc, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay ông bà đã “bắn tin” rằng sẽ sắp xếp vào Nam sống cùng gia đình con trai đến… cuối đời.

Em gái tôi hoang mang lo sợ vì chuyện phải sống với cha mẹ chồng. Em lại “nghe đồn” mấy bà mẹ chồng người Bắc rất quý cháu trai. Chồng em hồi nào giờ phóng khoáng “có con trai cũng tốt, con gái càng vui”. Nhưng trước “tin sét đánh” rằng cha mẹ sẽ sống chung, cậu cũng “tái bút” với vợ: “hay ráng kiếm thằng con trai em ạ! Cho bố mẹ vui lòng”. Em gái tôi càng lo nơm nớp.

Mẹ chồng em vừa vào chơi, tôi hay đến trò chuyện và rất thú vị khi biết (điều em gái tôi chưa từng biết) ngày xưa bà từng là du học sinh Liên Xô, làm kỹ sư hóa chất ngành giấy và cũng từng viết văn, làm thơ đăng trên những tờ báo thời đó. Bác cháu trò chuyện lâu dần, tôi mang những sách thơ văn trẻ cho bà đọc, nói xa nói gần chuyện sinh con trai con gái, bà cũng vui vẻ góp chuyện. Bà có hai con gái, một con trai, nhưng bà chưa từng quý cháu trai hơn cháu gái.

{keywords}

Trong bữa cơm gia đình hôm ấy, tôi mở lòng giúp em gái:

- 36 tuổi rồi, chưa có con trai, Hân có tính kiếm một thằng cu cho ông bà nội?

- Dạ… có. Tụi em cũng tính…

- Là thằng Lành buột con à? - mẹ chồng giọng thẳng băng.

- Dạ không. Chỉ là con sợ bố mẹ muốn có cháu trai...

- Với ai không biết, chứ với mẹ hoàn toàn không có ý đó. Trai gái không quan trọng, quan trọng là vợ chồng con nuôi dạy các cháu thế nào. Người ta muốn có con trai để mai này có người thắp hương thôi, nhưng mẹ nói thật, mẹ đã thấy rồi, rất nhiều gia đình có cả chục con trai, mà về già không ai thắp hương cả. Hương khói là chuyện hiếu thảo của con cháu đối với ông bà. Con hiếu thảo thì trời thương ban phước lộc, con không hiếu thì cái lộc nó bỏ con đi, thế thôi. Mà đã là con thì trai gái gì thắp hương chả được. Hoặc không thắp bố mẹ cũng có đòi đâu.

Con đừng tự làm khổ mình như thế, cuộc sống của tụi con trước giờ vừa đủ, nhưng vài năm nữa các cháu sẽ lớn lên, lại “đèo” thêm hai ông bà già này thì con sinh thêm chi cho khổ? Mà chắc gì đã con trai? Con có biết nuôi và dạy một đứa con trai để nó thành một người đàn ông tốt nặng nề gấp mấy lần nuôi đứa con gái không? Ta không có con trai, thì mai này ráng đối xử tốt với con rể, đó sẽ là một đứa con trai tuyệt vời.

Như bố mẹ đây cả chục năm nay anh Lành vào Nam lập nghiệp, tất cả đều trông vào anh Tuân, anh Tiến, hai con rể đấy thôi. Nhưng vì bố mẹ có tuổi, khí hậu miền Nam thích hợp cho sức khỏe nên mới phải đi. Con yên tâm, bố mẹ sẽ mua nhà cạnh nhà các con chứ không ở cùng nhà đâu. Bỏ tư tưởng phải kiếm con trai cho bà mẹ chồng người Bắc nhá! Ráng nuôi dạy hai cháu gái của mẹ tốt là được rồi.

Bà nói một mạch như thể chính bà mới là người cần được giải tỏa áp lực. Gương mặt em tôi dãn... toàn tập. Còn tôi, nói thật là suýt ôm chầm lấy bà mà cảm ơn.

Mẹ chồng của em gái tôi còn ở chơi nhà con dâu đến giáp tháng, bà là người phụ nữ mẫu-mực-nhưng-rất-tân thời. Sáng, bà dậy khi con dâu chưa thức giấc. Bà quét nhà khi con dâu đang nấu nước pha trà. Con dâu nấu ăn sáng thì bà “tiện tay” cho quần áo vào máy giặt. Con dâu có khách làm tóc thì bà ra hẻm mua con cá bó rau bởi “tiện tay”.

Bà bảo: “Ai hà khắc với con dâu thì thật kém cỏi, trái lại, phải yêu thương con dâu hơn con gái. Con dâu là vợ của con trai, là mẹ của cháu nội, về già mình cũng nhờ con dâu thì tại sao hồi trẻ lại khó khăn với nó?”. Bà còn bảo, mẹ chồng có tất cả “quyền” với con dâu như với con gái ruột: yêu thương, lo lắng và rầy la lúc con chưa ngoan. “Tôi thiệt thòi khi không có mẹ chồng, chứ nếu có, những lúc buồn bã, bức bách của cuộc sống, một vòng tay ôm sẻ chia của mẹ chồng sẽ cho đứa con dâu ấm áp và nghị lực rất nhiều” - bà tâm tình.

(Theo PNO)