- “Ai cũng có lòng tham và không chỉ ở nước ta mới có điều đó. Theo tôi một vài khách đi du lịch ăn cắp chỉ là con số quá ít ỏi bởi đại đa số người Việt luôn có đức tính trung thực”.
Vừa qua, câu chuyện của một hướng dẫn viên du lịch kể về hai du khách Việt Nam bị cảnh sát Thụy Sỹ bắt vì trộm 3 cặp kính mắt xịn trong một trung tâm mua sắm gây xôn xao cộng đồng. Đa phần ý kiến là những lời chì chiết, chê bai và lên án hành động của hai du khách khi cố tình ăn trộm đồ.
Tuy nhiên, theo tôi thì hành vi ăn cắp, ăn trộm của con người thường có 2 dạng. Dạng thứ nhất là do lòng tham của con người, dạng thứ hai được coi là "bệnh lý tâm thần"- một rối loạn trong đó không thể cưỡng lại sự cám dỗ hoặc cảm thấy có động lực để thực hiện một hành động có hại cho bản thân hoặc người khác.
Tôi cho rằng con người thì ai cũng có lòng tham, không nhiều thì ít và lòng tham ấy không chỉ ở con người Việt Nam mới có mà hầu hết ở nước nào cũng có. Ảnh minh họa |
Tôi cho rằng con người thì ai cũng có lòng tham, không nhiều thì ít và lòng tham ấy không chỉ ở con người Việt Nam mới có mà hầu hết ở nước nào cũng có. Theo tôi một vài khách đi du lịch ăn cắp chỉ là một con số quá ít bởi đại đa số người Việt luôn có đức tính trung thực.
Chúng ta đã bao giờ đặt câu hỏi rằng tại sao ở nước ngoài hệ thống an ninh của họ chặt chẽ, camera ghi hình có mặt khắp nơi, hệ thống chống trộm tiên tiến? Chắc chắn họ lắp để kiểm soát và để hạn chế trộm cắp không chỉ từ du khách nước khác đến mà còn ở ngay trong chính nước họ. Vì vậy chúng ta đừng nên vì một vài cá nhân ăn trộm để chê bai, đánh đồng hết toàn bộ du khách Việt.
Tôi thừa nhận một phần là do du khách chúng ta cư xử không đúng mực khi đi ra nước ngoài, đặc biệt còn tùy thuộc vào nhận thức của từng cá nhân. Tuy nhiên vẫn phải kể đến sự chỉ dẫn, hướng dẫn của những người hướng dẫn viên du lịch có mặt tại thời điểm đó. Phải chỉ rõ cho khách biết nên làm gì, không nên làm gì.
Tôi lấy ví dụ, khi một bác nông dân quanh năm làm ruộng được đi du lịch và ăn uống trong khách sạn 5 sao, khi vào đó họ làm sao biết đến tiền tip. Người công nhân đi du lịch vào ăn trong nhà hàng, khi ăn buffet họ không biết lấy như thế nào thì đúng, hợp lý, họ thấy thức ăn ngon thì họ lấy nhiều rồi ăn không hết và bị chúng ta chỉ trích, lên án. Tại sao chúng ta không nghĩ những người nông dân, công nhân,… họ chưa tiếp xúc được với những điều đó nhiều, họ không được ai chỉ dẫn bày cách cho họ phải làm như thế nào.
Hay như các hãng hàng không, trước khi bay họ đều phải hướng dẫn an toàn bay cho du khách mặc dù rằng có thể có những khách đi máy bay hàng trăm, nghìn lần vẫn phải nghe đi nghe lại. Vâng, đó là quyền lợi mà khách hàng được nhận từ chính những dịch vụ mà họ đã bỏ tiền ra. Còn chúng ta, những người làm du lịch lại tỏ thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm trước hành động của họ mà quên đi rằng những công việc như nhắc nhở khách đi nhẹ, nói khẽ, ăn uống hợp lý và những quy định nghiêm ngặt của nước sở tại mà họ đang ở… là của chính chúng ta.
Để hạn chế hành vi ăn trộm của khách du lịch, tôi nghĩ cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng, xã hội và bản thân các công ty du lịch.
Về phía cơ quan quản lý, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát để hạn chế và phát hiện trộm cắp ở mức thấp nhất.
Về phía công ty du lịch chuyên nghiệp, nhất là hướng dẫn viên du lịch, cần truyền đạt và chỉ dẫn cho du khách một cách bài bản và nghiêm túc những điều luật tại nước sở tại để khách biết cách hành xử đúng mực và phù hợp.
Đối với xã hội cần nêu cao đức tính trung thực trong giáo dục, đào tạo, cuộc sống bằng nhiều hình thức khác nhau như truyền thông, giáo dục, nêu gương...
Kim Khánh
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một người đang làm trong ngành du lịch tại Hà Nội)