Tuyệt đối không chửi bậy hay nói xấu người khác trên facebook; chỉ like status khi đã đọc kĩ nội dung của nó; biết đấu tranh với những status có nội dung xấu... là những lưu ý dành riêng cho học sinh trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, tỉnh Thái Bình.

6 lưu ý khi sử dụng facebook

Mới đây, thông tin trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, Thái Bình đưa ra 6 điều lưu ý khi lên facebook khiến cộng đồng mạng xôn xao. Theo tìm hiểu, 6 điều lưu ý trên được ghi trong cuốn Sổ sinh hoạt phát cho tất cả các học sinh trong trường.

Những điều cần lưu ý khi lên Facebook mà ngôi trường này đưa ra gồm:

1. Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những thứ viết tắt (...). Phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng, thuần Việt.

2. Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai.

3. Chỉ like Status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những Status có nội dung xấu, chủ nhân facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bảy tỏ quan điểm trước Status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh.

4. Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc Status. Bởi vậy viết status phải rõ ràng.

5. Facebook cũng là nơi thể hiện được sự văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi lên like vào một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân.

6. Facebook không phải là nhật ký, bởi thế mọi riêng tư không nên đưa lên Facebook.

Chia sẻ trên Tri thức trẻ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh – thầy Vũ Trọng Lâm cho biết, đây là hoạt động của Đoàn thanh niên chứ không phải văn bản do Ban giám hiệu ban hành. Tuy nhiên, cá nhân ông rất ủng hộ vấn đề này. “Tôi thấy nội dung văn bản rất ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu. Khi đưa vấn đề này ra tôi thấy rất tốt, không có gì đáng ngại”, thầy Lâm nói.

 

{keywords}
Những lưu ý khi sử dụng facebook mới được trường THPT Nguyễn Đức Cảnh phổ biến cho học sinh trong trường.

 

Nói về lý do đưa ra những lưu ý này, thầy Lâm chia sẻ, trên mạng hiện có rất nhiều thông tin sai lệch, tiêu cực…khiến học sinh dễ vi phạm, nhất là khi sử dụng Facebook.

Lường trước được điều đó, nhà trường đã răn đe, rào đón, cảnh báo sớm để các em không vi phạm bởi khi có sự cố xảy ra, người chịu thiệt thòi trước tiên là các em, sau đó người ta sẽ trách móc gia đình, nhà trường sao không giáo dục, dạy bảo các em cho tốt.

“Không thể để các em mượn sân chơi – Facebook rồi viết bừa ra, thích viết gì thì viết. Sự răn đe này sẽ giúp học sinh cân nhắc trước khi viết ra điều gì đó trên mạng”, thầy Lâm nói.

Vị hiệu trưởng ngôi trường nổi tiếng ở Thái Bình này cũng cho rằng, những điều mà nhà trường đề cập đến như không nói tục chửi bậy, không nói xấu người khác… là điều mà bất cứ ai cũng nên làm chứ không chỉ riêng học sinh trường THPT Nguyễn Đức Cảnh.

Với ý kiến cho rằng hành động này có thể sẽ vi phạm quyền riêng tư của các em học sinh, thầy Lâm cho rằng đó là những điều các em không nên làm trong cuộc sống hàng ngày cũng như trên mạng. “Chúng tôi không cấm, chỉ lưu ý chấn chỉnh hành vi sao cho hợp lý thôi. Chúng tôi thường nhắc nhở học sinh trong các giờ giảng dạy về kĩ năng sống hay trong giờ chào cờ”, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Đức Cảnh khẳng định.

Chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn trên facebook

Nguyễn Đức Cảnh không phải ngôi trường đâu tiên có những lưu ý về việc sử dụng facebook cho học sinh. Trước đó, trường THPT Lương Thế Vinh cũng đã đưa ra bản khuyến cáo “Những điều cấm kỵ khi lên facebook” từ đầu năm 2013.

Bản khuyến cáo của trường Lương Thế Vinh cũng có nội dung tương tự: Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt… Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt; Tuyệt đối không dùng facebook để nói xấu bất cứ ai; Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó, nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước những status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh; Tuyệt đối không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status phải rõ ràng.

Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, Giáo sư Văn Như Cương cho biết trường đã từng đình chỉ 1 năm học đối với 2 học sinh vì những phát ngôn không hay trên facebook. Theo ông: “Tình trạng học sinh sử dụng facebook một cách lan tràn không kiềm chế hiện nay là rất đáng báo động" và "cần phải có biện pháp để chấn chỉnh hiện tượng này”.

Thầy Cương cho rằng mọi hành vi, lời ăn tiếng nói của các em đều cần được điều chính đúng hướng ngay cả ở trường, ở nhà hay trên các trang mạng xã hội.

Thầy Cương cũng bày tỏ, có nhiều trường trên thế giới đưa ra quy định là em nào có tài khoản trên Facebook là đuổi học ngay: “Vậy nên, ngành giáo dục Việt Nam cũng cần có nghiên cứu tại sao lại có tình trạng “loạn ngôn” trên mạng xã hội ảnh hưởng đến quan hệ học sinh và nhà trường nhiều như vậy để có hướng điều chỉnh. Không thể để những phát ngôn theo kiểu “…chúng ta càng nhân nhượng, bọn thầy cô càng lấn tới” – (trích trong Facebook của học sinh Vy - Quảng Nam) như thế thì còn ra thể thống gì nữa. Nếu là học sinh trường tôi thì phải đuổi học ngay lập tức rồi”.

“Đây mới chỉ được coi là một quy định có tính chất định hướng khuyên bảo, nhưng khi nó được đưa vào nội quy của trường thì dù muốn hay không muốn học sinh muốn tiếp tục học tại trường đều sẽ phải tuân thủ.

 Ngoài quy định cứng thì việc đẩy mạnh lồng ghép giáo dục đạo đức trong trường luôn được chúng tôi đề cao. Trường học không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy làm người. Đó mới là mục đích cuối cùng” – GS Cương chia sẻ.

K. Minh

BẠN NGHĨ GÌ VỀ NHỮNG LƯU Ý NÀY? BẠN CÓ KINH NGHIỆM NÀO VỀ CÁCH SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI MỘT CÁCH TÍCH CỰC? MỌI Ý KIẾN XIN GỬI THEO MẪU PHẢN HỒI DƯỚI ĐÂY HOẶC EMAIL bandoisong@vietnamnet.vn! TRÂN TRỌNG CẢM ƠN!