- “Lúc mới mở lên ngại lắm, bạn bè ai cũng bao tôi là không bình thường, làm nghề này sao mà lấy vợ, tại sao lại không chọn một lĩnh vực khác từ một giảng viên mà ra mở cửa hàng bán bao cao su, nói không ai tin được”, anh Khai chia sẻ.


{keywords}
 
 Anh Trần Đức Khai, 30 tuổi, trú tại Đà Nẵng
 

Trước băn khoăn của một giảng viên muốn đi bán xôi nhưng sợ mất thể diện, anh Trần Đức Khai, 30 tuổi, trú tại Đà Nẵng, cho rằng “Tôi nghĩ nghề nào mà tạo ra thu nhập và pháp luật không cấm đều là cao quý"

Từng “lên bổng xuống trầm” với nghề giảng viên

Tốt nghiệp đại học kinh tế Đà Nẵng khóa 2008, 3 năm sau có thêm tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, với ước mơ từ nhỏ làm nghề giảng viên nên anh Khai xin vào giảng dạy tại một trường cao đẳng trên địa bàn.

Năm 2009, thời kỳ các trường cao đẳng, đại học được mở ồ ạt. Số lượng SV theo học đông khiến các giảng viên cũng bận rộn

Từ năm 2012,  anh Khai bắt đầu khủng hoảng với nghề. “Vì từ năm này số lượng sinh viên nhập học quá ít. Từ một khóa của một ngành lúc nào cũng trên 10 lớp nay chỉ còn được 1 đến 2 lớp thậm chí có những ngành không được một lớp, thu nhập giảm thấp.”

Sinh viên ít, thu nhập không đủ sống khiến nam giảng viên trẻ ngày đêm trăn trở. “Tôi tự hỏi chẳng lẽ mình học cao lại không kiếm tiền bằng bạn bè ở quê, những người không được đào tạo, không bằng cấp? Thậm chí hồi đó còn chẳng dám giao du với bạn bè vì không có tiền. Mọi người nhắc chuyện lấy vợ, nhưng nghĩ thân mình còn chưa lo xong thì lấy vợ sao nổi”.

Lần đầu tiên anh Khai thấy hối hận cho công việc giảng viên mình đã chọn. “Lúc đó tôi đã 27 tuổi và đã lớn để ra xin làm một nhân viên bình thường, nếu làm việc ở một cơ quan khác bây giờ tôi đã có vị trí chức vụ, kinh nghiệm công việc tốt hơn.”

Càng nghĩ, anh Khai càng cảm thấy bế tắc. “Tôi không biết tương lai của mình sẽ thế nào. Xin việc mới thì khó mà tiếp tục với công việc giảng viên cũng không được vì sinh viên ít, trường nào cũng có xu thế giảm giảng viên cơ hữu nên rất ít tuyển.” Anh Khai bắt đầu nghĩ đến chuyện kinh doanh, nhưng khổ nỗi ý tưởng thì nhiều mà không dám triển khai.

Theo anh Khai, lý do của việc này ngoài không đủ tự tin vì thiếu kinh nghiệm, sợ mất vốn thì điều anh phải đấu tranh trực tiếp lúc đó chính là sợ mất thể diện.

“Nghề giảng viên với tôi khi đó giống như một chiếc áo thật đẹp, đã lỡ khoác lên mình nên bây giờ làm việc gì cũng sợ làm bẩn nó nên không dám làm gì cả. Nhưng rồi tôi nhận ra, sự thực khi bạn ra xã hội kiếm tiền thì chẳng ai để ý bạn học gì, kiến thức ra sao, trước đây làm gì… mà cái chính là bạn có kỹ năng giao tiếp tốt hay không. Nói chuyện cho khôi hài, chai mặt một tý, và đặc biệt là đưa đến những sản phẩm và dịch vụ mang lại lợi ích cho họ là sẽ bán được hàng thôi.

 Chính những lý do đó thôi thúc tôi phải quyết định nghỉ dạy”, anh Khai chia sẻ.

Quyết định bỏ nghề để mở cửa hàng bán bao cao su

Nghĩ là làm, anh Khai bắt tay vào công việc kinh doanh theo anh là vốn ít, quay vòng nhanh, lợi nhuận cao và ít rủi ro đó là kinh doanh bao cao su.

“Lúc mới mở lên ngại lắm, bạn bè ai cũng bao tôi là không bình thường. Họ nói làm nghề này sao mà lấy vợ, tại sao lại không chọn một lĩnh vực khác? Từ một giảng viên ra mở cửa hàng bao cao su, nói không ai tin được.”, anh Khai kể lại.

Có ý tưởng, quyết tâm nhưng nam giảng viên trẻ cũng gặp không ít khó khăn. “Gian khổ nhất với tôi lúc đó là tìm mặt bằng phù hợp. Khi tìm được rồi thì chủ nhà lại không muốn cho thuê vì mình kinh doanh mặt hàng nhạy cảm. Phải thuyết phục rằng đây là việc làm có ích cho xã hội, được thành phố khuyến khích… mãi sau họ mới chấp nhận.”

Theo anh Khai, do mặt hàng kinh doanh vừa lạ vừa tế nhị nên mới đầu khách rất ít, thu nhập chỉ đủ trả tiền mặt bằng và chi tiêu. Nhưng về sau may mắn khách hàng cũng quen dần và ổn định, anh mạnh bạo mở thêm 3 cửa hàng nữa cùng lĩnh vực này.

Thành công là thế nhưng anh Khai vẫn không hết tự ti về công việc mình làm. “Tôi gặp nhiều người quen. Có người vui, người hiếu kỳ, người thấy ngại nhưng không ai nói gì cả. Tôi cũng không biết họ nghĩ gì về tôi, nhất là những sinh viên tôi từng dạy.

Khi gặp bạn bè, giới thiệu công việc hoặc là tìm hiểu ai đó đầu tiên không dám giới thiệu công việc của mình. Nhiều lúc còn tự nói đùa với mình rằng làm cái nghề này chắc ra đường gặp người quen họ không dám nhận quá.

Nhưng bây giờ thì quen rồi thấy mọi thứ rất bình thường, ai trêu chọc còn cảm thấy vui nữa. Cũng may tôi được bố mẹ hiểu và ủng hộ hết mình”, anh Khai bộc bạch.

Chưa bao giờ hối hận

Không chỉ dừng lại ở mặt hàng bao cao su, anh Khai còn cùng bạn góp vốn thành lập công ty tư nhân chuyên kinh doanh mặt hàng tôn nhựa và kim khí. “Sau gần 2 năm hoạt động công ty đã có những bước tiến khá tốt, hiện tại doanh thu hơn 1 tỷ 1 tháng. Sau vài năm tôi cũng đã tích cóp cho mình khá nhiều kinh nghiệm, làm ăn quan trọng là dám mạo hiểm, dám hành động.”

Khi được hỏi giữa kinh doanh và làm giảng viên anh thấy cái nào phù hợp hơn và có hối hận khi bỏ nghề giảng viên không, anh Khai chẳng ngại quả quyết: “Mỗi công việc có cái hay cái dở của nó. Vấn đề là mục tiêu hướng đến của mình là cái gì, nếu tôi có đầy đủ vật chất không lo cơm áo gạo tiền tôi thấy đi dạy vẫn có nhiều cái thích hơn. Nhưng cuộc sống bây giờ rất thực tế, ai cũng phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền và vật chất cho tương lai con cái.

Công việc không phải chuyện phù hợp hay không phù hợp mà nên đặt ra câu hỏi là việc đó tôi có thể làm được hay không làm được. Nếu cuộc sống đang khó khăn mà việc đó tôi làm tốt được, tạo ra thu nhập khá dù không thích cũng nên cố gắng làm.

Đến giờ tôi thấy quyết định của mình là đúng, tôi không hối hận về điều đó. Tất nhiên bây giờ thì thu nhập của tôi khá hơn rất nhiều, gấp 10-15 lần hồi đi dạy”.

  • Minh Thùy