Nhiều tiến sỹ bán xôi, thạc sỹ giao hàng, cử nhân chạy chợ... sẽ là liều thuốc đắng buộc các ông bố bà mẹ phải nghĩ lại trước khi thô bạo đẩy con cái mình vào vòng xoáy chạy đua bằng cấp, bất chấp thực lực của con em mình và nhu cầu của thị trường lao động.
Cuối tuần mới có thời gian đọc kỹ những tờ báo ưa thích mà ngày thường chỉ có thời gian đọc lướt qua tít, tôi vô tình bắt gặp câu chuyện tâm sự của một bạn giảng viên tâm sự trên VietNamNet chuyện lương nghề không đủ sống, không đủ nuôi con... tính chuyện sẽ bán xôi để kiếm sống.
Thấy dư luận rì rầm rồi lại ầm ầm lên tiếng như thể một sự bất thường gì ghê gớm lắm. Tôi lại thấy: Có gì đâu mà lạ? Đó là một tín hiệu đáng mừng!
Câu chuyện của chị giảng viên làm tôi nhớ đến một câu chuyện khác tương tự vài năm trước, chỉ có điều ở cách xa Việt Nam. Một lần đi siêu thị Iceland - một chuỗi siêu thị chuyên bán hàng đông lạnh ở Anh, tôi đã giật mình nhận ra một cô tiến sỹ người Anh, giảng viên Khoa Toán trường mình đang học làm... thu ngân ở đó.
Vốn có chút quen, tôi lại gần hỏi chuyện, chị nói: "Tớ thấy mình không còn phù hợp, không còn thấy thích công việc giảng dạy và nghiên cứu nữa nên quyết định "quit the job" (nghỉ làm) để làm ở đây, hàng ngày được nói chuyện gặp gỡ rất nhiều người"
Tôi hỏi chị: “Thế làm ở đây liệu có đủ sống không?”. Chị cười: “Cậu thấy đấy, rất nhiều người vẫn đang sống đó thôi, vấn đề không phải là thu nhập mà là sự lựa chọn thôi.” Trong ánh mắt chị, tôi thấy sáng lên một niềm vui rất thật. Tôi giữ câu chuyện đó như một kỉ niệm về sự lạ của trời Tây.
Cuộc sống là như vậy, tương lai luôn bất định, ai biết ngày sau tương lai ta thế nào, nhưng sống hết mình và luôn biết mình cần phải làm gì, âu cũng đã là một điều may mắn. Đừng chạy theo những cái bóng mộng tưởng dù cái bóng đó luôn được tung ra từ một thế lực có vẻ đáng sợ mang tên "dư luận".
Giảng viên ai lại bán xôi, đi phục vụ người khác?
Hai Lúa ai lại đi nghiên cứu khoa học, đi lấn sân các giáo sư tiến sĩ?
Cử nhân ai lại đeo biển đứng giữa đường, đi tìm việc theo kiểu của những người lao động phổ thông?
Học đại học Luật ai lại đi bán bún, việc làm dường như chỉ dành cho những người không bằng cấp?
Người ta cứ bận rộn hỏi nhau những câu hỏi kiểu đó mà quên mất rằng: chúng ta đều đang đứng trên mặt đất này để phục vụ lẫn nhau bằng cách này hay cách khác. Miễn là trong ranh giới của sự lương thiện, mọi cá nhân- mọi nghề nghiệp và công việc luôn cần được đối xử một cách bình đẳng và trân trọng.
Hai cha con nông dân Trần Quốc Hải từng được Campuchia phong hàm Đại tướng quân vì có cố chế tạo xe bọc thép. Ảnh: Zing |
Tổng thống Mỹ Abraham Lincon từng nói "Không có nghề thấp hèn, chỉ có người thấp hèn". Một trong loại người thấp hèn đang tràn lan trong xã hội hiện nay là loại người đã không hiểu hoàn cảnh của người khác nhưng lại luôn thích phán xét, dạy dỗ theo kiểu "Sao bác lại làm thế?" hay ""Đừng chường mặt bán xôi kẻo mất mặt nghề giáo". Đó là hiện thân của một sự bàng quan, vô cảm đáng sợ.
Dư luận xã hội thường hay vỗ tay tán thưởng và thích thú trước những anh nông dân Hai Lúa chế tạo thành công máy bay, máy móc. Tại sao không dám vượt qua những định kiến cũ kỹ để tán dương, động viên những người trí thức khôngphù hợp với môi trường cũ dám táo bạo mở lối đi riêng, như chị giảng viên dự định bán xôi, hay cô gái tốt nghiệp đại học Luật mở hàng bún?
Ngôi sao, ca sĩ mở kinh doanh riêng, dù là mẹt bún đậu hay gánh bún riêu cũng được tung hô, đón nhận. Còn những người tri thức, có bằng cấp, tại sao họ lại không được hưởng một nhân quyền rất cơ bản: sống với chính mình và nguyện vọng của mình.
Đã không dưới một lần, khi đất nước còn khó khăn, rất nhiều thầy cô giáo phải tạm biệt giảng đường, lớp học để toả đi mọi nẻo đường mưu sinh của cuộc sống. Bây giờ đôi khi ngay trên đường phố chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó những dấu tích về một thời gian khó: Quán cơm bà giáo, hiệu thuốc ông giáo… Nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà quản lý, những doanh nhân thành đạt. Họ vẫn luôn đáng kính, đáng trân trọng trong mắt học trò và xã hội.
Thay đổi bản thân là một trong những dạng thức thay đổi khó khăn nhất mà mỗi chúng ta ở lúc này lúc khác trong cuộc đời đều phải trải qua để phát triển. Dám đổi thay, dám vượt qua nỗi sợ vô hình là một kỹ năng mềm mà dường như xã hội chúng ta đang rất yếu.
"Sợ người ta nói" là một hội chứng tâm lý mãn tính mà người Việt Nam rất dễ mắc phải. Và "người ta" đang lộ rõ mặt là một thế lực vô hình cản trở sự phát triển của tiến bộ xã hội.
Giảng viên phải tính chuyện đi bán xôi để kiếm sống, hay cử nhân phải mang biển đứng trên đường để tự xin việc tưởng chừng như là những câu chuyện buồn của những cá nhân nhỏ bé, của nền giáo dục thừa thầy thiếu thợ nhưng lại là một chỉ báo quan trọng cho thấy những tín hiệu đáng mừng về sự thay đổi tư duy trong xã hội.
Người Việt của năm 2015 đã ngày càng thực tế và thức thời hơn, dám hành động chứ không bó gối sợ hãi những định kiến èo uột của những ngày xa cũ.
Thêm nhiều tiến sỹ bán xôi, thạc sỹ giao hàng, cử nhân chạy chợ... sẽ là liều thuốc đắng buộc các ông bố bà mẹ phải rùng mình mà nghĩ lại trước khi thô bạo đẩy con cái mình vào vòng xoáy chạy đua bằng cấp bất chấp thực lực của con em mình và bỏ qua nhu cầu của thị trường lao động.
Từng bạn học sinh, sinh viên cũng buộc phải suy nghĩ nghiêm túc hơn, sâu sắc hơn trước mỗi mùa thi – trước những lựa chọn khó khăn để đúng để bước vào đời.
Cuộc sống luôn khắc nghiệt như nó cần phải vậy, tự nhiên có quy luật chọn lọc riêng, và xã hội cũng vậy. Chúng ta không thể mãi lấy cái bụng đói mà nuôi lòng tự hào, không thể nuôi những kỳ vọng xa xôi trong tiếng con khóc.
Hãy dám đổi thay, hãy đừng chần chừ chạm chân xuống mặt thô ráp của cuộc sống thay vì chạy theo những mộng tưởng không còn phù hợp.
Hoàng Huy