- Đọc bài chia sẻ trên VietNamNet của độc giả Minh Hằng viết: "Thà tôi đau chứ không để con tôi đau", tôi thực sự bất ngờ. Tôi không đồng tình với quan điểm của chị Minh Hằng, xin hỏi chị sau này khi cháu lớn lên không còn mẹ thì ai sẽ chịu đau thay cháu?
Con gái tôi năm nay bước vào lớp 3. Vào những ngày mưa thế này đoạn từ cổng vào lớp học của con cũng bị ngập nước. Khác với các bạn chờ bố, mẹ hoặc ông, bà bế vào thì con tôi biết tự động xắn quần cao lên đầu gối và bước vào lớp trong ánh mắt ngạc nhiên của nhiều người.
Đưa con đến lớp (Ảnh Phunuonline) |
Nhìn cái dáng lũn cũn của con vào tận lớp còn quay lại vẫy tay chào mẹ mà tôi không khỏi tự hào.
Chi sẻ với các bạn rằng, cũng như nhiều đứa trẻ thành phố khác, ngày đầu tiên gặp đoạn đường ngập nước con tôi cũng ngần ngừ sợ bẩn, sợ "có con gì ngoe ngẩy" trong nước.
Nhưng tôi động viên con: "Mẹ có thể cõng con vào như nhiều bạn khác. Nhưng hôm nào vắng mẹ thì ai sẽ cõng con? Hôm nay con thử tập lội nước với mẹ để vào lớp nhé". Lần đầu tiên ấy, tôi đồng hành cùng con, nắm tay nhau và hai mẹ con vào lớp an toàn.
Lúc qua được đoạn nước ngập tôi hỏi "Con có sợ không?", nàng ta cười bảo: "Nước mát lắm mẹ ạ". Thậm chí có hôm con bé còn hồn nhiên bảo: "Con thích đoạn đường ngập nước dài hơn một chút để đi cho mát chân".
Tuy nhiên, tôi cũng phải giải thích với con, nước ở đây rất bẩn con nếu đùa nghịch lâu con sẽ dễ mắc các bệnh ngoài da. Bên cạnh đó, sau này nếu gặp những đoạn đường nước lớn mà không có bố mẹ bên cạnh, con nên chờ có người đi qua mình mới đi theo để tránh các hố ga, hố sâu nguy hiểm.
Sau một vài lần, con tự quen với việc vào lớp mỗi khi nước ngập sân mà không cần có mẹ. Không chỉ trong chuyện lội nước, ở nhiều việc nhỏ khác tôi cũng tạo cơ hội tối đa cho con tự vượt những trở ngại trong đời sống.Tất nhiên, những lúc như thế tôi vẫn luôn đồng hành quan sát mỗi bước đi của con. Nhờ thế con gái tôi có ý thức rất tốt trong việc học bài, vui chơi mà không để mẹ phải nhắc nhở.
Về chia sẻ của chị Hằng, tôi hoàn toàn không đồng tình với chị. Chị làm như thế là tước đi khả năng tự bảo vệ, tự lực vượt lên khó khăn của con. Sau này con chị lớn lên chẳng lẽ chị cũng sẽ mãi chăm chăm che chở cho con như thế? Và đến lúc mình già yếu liệu mình có khả năng để bảo vệ, chịu đau thay con?
Tôi nghĩ rằng, đã là mẹ ai cũng thương con nhưng thương thì phải chỉ cho con cách thức để con vượt trở ngại chứ không phải vượt trở ngại thay con.
Độc giả Châu Lê
Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả