- Trắng đêm chạy lụt, đi làm... trông trời là tình cảnh khốn đốn mà chỉ người dân Thủ đô mới hiểu sau trận mưa đêm qua.

Tỉnh dậy ...giữa một biển nước

Cơn mưa lớn kéo dài suốt đêm qua đã khiến sinh hoạt của người dân Thủ đô Hà Nội đảo lộn. Nhiều gia đình đã phải thay nhau túc trực cả đêm để canh chừng, tát nước ra khỏi nhà.

Nhà chị Hồng Lê (Mộ Lao, Hà Đông) nằm trong "điểm đen" thường xuyên bị nước ngập. 

"Mưa từ 2h đêm nhưng vợ chồng tôi ngủ quên trên phòng ngủ ở tầng 2. Sáng dậy xuống tầng 1 thì thấy một biển nước mênh mông. Toàn bộ xe máy (4 cái) tủ lạnh (2 cái)...bị ngâm nước cả đêm, chết máy sạch. Thay vì vội vã đi làm như mọi ngày sáng nay chồng tôi đã phải lần lượt dắt xe ra tiệm xe máy để sửa", chị cho biết.

Chị Lê than vãn, biết là mùa mưa nào cũng ngập nên chị đã làm 2 cái kệ (chiều cao 50cm) để kê 2 cái tủ lạnh lên cao tuy nhiên đêm qua nước ở tầng 1 nhà chị lên đến 80 cm nên không thể... cứu vãn. 

{keywords}

Nước tràn vào nhà dân ở ven cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội (Ảnh Otofun)

"Ai vào nhà tôi cũng bảo sao kê tủ lạnh cao thế nhưng đã kê cao rồi vẫn không 'thoát' được. Nhiều năm trước còn có chuyện, đêm hôm trước tôi mua gói xà phòng cắt ra dùng, sau một đêm mưa lớn, sáng dậy thấy cả tầng một trắng xóa bọt xà phòng. Mẹ thì rầu rĩ, các con thì hò reo thích thú".

Anh Lê (Định Công) cho biết: "Đêm qua mưa thấy mưa lớn nhiều người dân trong khu vực tôi ở đã phải thức cả đêm canh tát nước ra khỏi nhà. Người ta lo lắng nước tràn vào tầng 1 gây ngập hỏng đồ đạc, xe máy...Cả một đêm không ai dám chợp mắt".

"Buồn ngủ kinh khủng mà không dám ngủ sợ ngủ quên nước ngập vào nhà lúc nào không hay. Nhà tôi, chồng đi vắng chỉ có hai mẹ con ở với nhau. Vừa ôm con gái vừa gọi cho nhà bà ngoại cầu cứu. Bà bảo, nhà bà cũng chung cảnh ngộ vì có mỗi cậu (em trai chị -PV) đang phải thức để canh tát nước ra khỏi nhà", một chị khác cho biết.

Trên một tờ báo mạng, chị Nguyễn Thị Hương nói: "Đêm qua đang ngủ ngon nghe tiếng gọi, mình mắt nhắm mắt mở tỉnh dậy bước xuống giường nước đã ngập đến bắp chân".

Với những gia đình gửi xe nơi khu vực có nguy cơ ngập úng, đêm qua cũng là một đêm "khó ngủ" với họ. 

Chị Thục Anh (Long Biên) chia sẻ: "Đang ngủ thấy cửa mở mới biết chồng tôi vừa ra ngoài về. Anh kể, vừa phải lên cơ quan đánh xe ra khỏi tầng hầm vì sợ nước ngập hỏng xe".

{keywords}
Ngán ngẩm nhìn xe ngâm nước sau đêm mưa lớn 

Anh Nguyễn Chiến Thắng (Tô Vĩnh Diện, Thanh Xuân) cũng kể đầy kịch tính về pha "giải cứu xế hộp" của mình. 

Anh viết: "3:00 AM nghe thấy điện thoại kêu giật mình tưởng nhà gọi, ai dè cầm máy lên thì thấy số ông bảo vệ chỗ gửi xe. Ông gọi ra đánh xe chạy lên chỗ cao hơn vì ngập ngang bánh rồi. Tôi ra khỏi giường, ra cửa thì thấy nước ngập đến mắt cá chân, ra ngõ thì ngập ngang bắp chân, ra đường ngập ngang đầu gối và vào sân nơi gửi xe thì ngang đùi. May quá xe tôi mới ngập ngang bánh, vào trong thì ướt nhẹp. Thế là bảo vệ đẩy, tôi lái lên chỗ cao. Sau đó tôi xuống đẩy cùng bảo vệ vài xe nữa. Chưa bao giờ làm việc này giữa đêm mưa gió như vậy...sân trường đông như trảy hội vào lúc 3h đêm"

Đi học trông...trời

Không chỉ lo lắng chuyện xe cộ, đồ đạc bị ngập việc đến công sở và đưa con đi học vào sáng sớm cũng là nỗi ám ảnh của người dân thủ đô mỗi khi sau một đêm mưa lớn đổ xuống.

"Người ta đi cấy mới "trông trời, trông đất, trông mây" chứ ở Thủ đô mỗi sáng bố con đến trường cũng phải trông trời. Đêm qua, trước khi lên giường đi ngủ tôi đã dặn các con phải tự giác hẹn chuông đồng hồ dậy sớm. Sáng  nay từ 6h cả nhà đã hò hét nhau dậy như đi sơ tán chiến tranh. Chuẩn bị xong xuôi, cả nhà xuất phát từ lúc 6h30 đến trường. Bố con đi trong cơn mưa tầm tã. Đúng là cảm giác chỉ dân Thủ đô mới hiểu", Anh Bình (Kim Mã) hài hước cho biết.

Không phải lo lắng như anh Bình, chị Hà (Long Biên) chia sẻ qua facebook, thời gian này mưa nhiều chỗ trường học của con xa nhà lại bị ngập và ùn tắc liên tục nên chị đã gửi con sang ở nhà bà ngoại bởi nhà mẹ chị ở gần trường học của con hơn. Từ ngày "sơ tán" con sang nhà bà ngoại sáng sớm con chị có thêm thời gian để ngủ và hai mẹ con cũng không phải tái diễn cảnh "bơi qua sông đến trường" như ngày trước.

Chị H.Phương (Khu đô thị Xa La) chán nản: "Tôi đặt chân đến cơ quan lúc 9h sáng sếp cũng chả buồn phạt vì cả phòng đều đi muộn". 

Chị cho biết thêm, 2 vợ chồng chị từ quê ra Thủ đô lập nghiệp, vay mượn nhiều nơi mới có đủ tiền mua chung cư ở đây. Nhưng những năm gần đây đi làm vừa xa lại thường xuyên tắc đường khiến chị mệt mỏi.

Chị nói: "Chồng tôi đang bàn bán chung cư ở đây vay mượn thêm để mua chỗ khác vừa tiện đường đi làm, sau này đưa đón con đi học cũng không phải vất vả nữa".

Ngọc Trang