Anh quả là người đàn ông keo kiệt và ích kỷ, Lan thấm thía nỗi tủi nhục của một người phụ nữ khi phải phụ thuộc vào chồng và khốn khổ khi có chồng nắm quyền “kinh tế” trong nhà.
Yêu nhau 4 năm và kết thúc bằng một đám cưới rình rang. Ai cũng bảo Lan có số sướng mới lấy được Nam- một anh kỹ sư xây dựng trong khi trong tay cô chỉ có tấm bằng cao đẳng dược mà mãi không tìm được việc. Sướng đâu không thấy mà từ ngày lấy nhau về, Lan mới thấm thía cảnh ăn bám vào một anh chồng keo kiệt.
Tiền trong nhà Nam kiếm được và cũng chính tay anh giữ, Lan thấy ngạc nhiên khi những người bạn của cô dù đã có việc hay không thì khi lấy nhau về, họ là người nắm kinh tế, chịu trách nhiệm chi tiêu sinh hoạt trong nhà. Nhiều lần Lan bảo chồng: “Tiền lương anh lĩnh thì cứ để em giữ, anh để lại một ích mà tiêu pha chứ em không thể suốt ngày ngửa tay xin tiền anh mua gạo được”. Nam không đồng ý còn gắt gỏng mắng Lan: “Sao em lại phân biệt như thế nhỉ? Cần mua gì thì em cứ nói, tiền anh đưa. Tính em bộp chộp cầm mấy triệu bạc không chừng lại tiêu sạch trong một tuần.’’
Ảnh minh họa |
Lan ngả ngửa khi nghe Nam nói vậy. Suốt bốn năm yêu nhau, bản thân anh cũng biết là cô sống rất giản dị và tiết kiệm vì Lan vốn là con nhà nghèo nên hiểu cách sử dụng đồng tiền sao cho đúng. Lan không chịu nổi cảnh cứ mãi bám víu vào chồng nên có lần Lan đề cập đến chuyện mở một tiệm thuốc nho nhỏ, dù sao cô cũng có bằng dược trong tay, không tận dụng thì phí. Lan mới mở lời thì Nam đã nhảy dựng đứng lên:“Cách 2m lại có một tiệm thuốc tây thì ma nó mua à? Mở ra rồi bán nhầm thuốc chuột chữa cảm cúm thì bán hết gia sản cũng không đền nổi đâu. Tốt nhất là em nên an phận ở nhà".
Giờ Lan mới cảm thấy hối hận, lúc trước nếu chịu khó đi tìm việc tích cực hơn thì cơ hội đã đến với cô. Học xong rồi chưa có việc đã hấp tấp đi lấy chồng. Giờ có khổ cũng chẳng dám kêu ai. Lan thấy thương bố mẹ cô khi chưa có lấy một ngày báo hiếu cho ông bà. Có lần, một người bạn của Lan đến nhà chơi và gửi thiệp mừng đám cưới vào tuần sau. Lan vui vẻ cầm tấm thiệp hồng nhưng trong lòng đầy bất an vì không biết lấy tiền đâu để mừng cho bạn. Đến khi, bạn Lan vừa cáo về thì Nam cũng vừa làm về, thấy tấm thiệp hồng trên bàn thì anh đã vội nổi đóa lên: “Đã có gia đình rồi thì khép mình một chút, bạn bè cũng hạn chế đi là vừa. Chả trách tiền đưa mãi cũng kêu không đủ. Toàn phí phạm vào những việc không đâu". Lan nghe chồng nói mà sượng sùng vội thanh minh: “Hồi trước em cưới mời nó giờ nó mời lại cũng phải thôi, bạn bè với nhau mà anh nặng lời vậy?”. Nam hét toáng lên: “Mời nó là việc của cô, nó đi mừng đám cưới thì tiền nhà cô thu về chứ tôi có thu đâu? Giờ bắt tôi bỏ tiền ra trả, cô không thấy vô lý à?’”. Lan không nói gì thêm vì có nói cũng không thể làm chồng hiểu ra vấn đề. Hèn gì mà đến cả bạn bè anh cũng ngày càng ra rời anh vì cái thói keo kiệt và bủn xỉn đó.
Sáng hôm sau, khi Nam chuẩn bị đi làm, Lan vội vã đến nói khẽ với chồng: “Tiền sinh hoạt tháng này hết rồi, anh đưa cho em thêm đi".
Nam gạt phắt đi rồi lại to tiếng với Lan: “Em tiêu tiền cứ như vợ đại gia ấy nhỉ! Anh mới đưa 3 triệu mà mới có gần một tháng đã sạch bén rồi? Tiền không kiếm ra nên không biết xót là phải”. Nói rồi, Nam đưa tay rút bóp lấy ra tờ 500 ngàn và đi làm luôn. Lan ngồi bệt trên góc giường, thẩn thờ như người mất hồn rồi thầm nghĩ ở cái thành phố cái gì cũng đắt đỏ này, một tháng tiêu 3 triệu mà anh ấy lại kêu là tiêu theo cách đại gia. Trong khi lương kỹ sư của Nam đến hơn chục triệu thì tiếc gì mà không đưa thêm cho vợ, cô cũng có tiêu cho cá nhân mình đâu.
Lan nghĩ đến số vàng, của hồi môn của hai vợ chồng hồi mới cưới vẫn chưa đụng đến để dành sau này xây nhà. Lan sẽ lấy đi một chỉ đem bán để còn mua thức ăn cho gia đình bà chị chồng mấy hôm nữa sẽ lên chơi, rồi còn tiền điện, tiền nước tháng này tăng nữa…bao nhiêu chuyện phải cần đến tiền mà xin chồng thì lại quá khó khăn. Lan vội vàng mở ngăn tủ áo quần, lật tung để tìm chiếc hộp gỗ đựng vàng nhưng cô lại hoảng hốt khi trong hộp chỉ còn lại một đôi bông tai mà mẹ ruột cô tặng còn tất cả số còn lại đều không cánh mà bay.
Chiều đến, Lan nóng ruột đợi chồng về để hỏi rõ thì mới có nhỏ nhẹ hỏi Nam thì anh đã to tiếng; “Tôi đem bán lấy tiền rồi gửi ngân hàng cho chắc rồi. Để trong nhà không yên tâm. Mà cô cần gì phải quan tâm đến số vàng đó chứ, toàn là nhà nội tặng thôi, nhà ngoại của cô chỉ có lấy một đôi bông tai thôi đó”. Lan không nói gì thêm nữa, cô đã hiểu rồi. Con người nhỏ nhen, ích kỷ và bần tiện trong con người Nam cũng đã lộ diện. Lan hối hận vì đã lấy anh làm chồng và giờ phải sống một cuộc sống luồn cúi và tủi hờn. Hai năm sau ngày kết hôn với Nam, đến cả cái áo mới cô cũng không dám mua cho bằng bạn bè. Về thăm nhà bố mẹ đẻ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, quà bánh cho họ hàng cũng là vài thứ linh tinh cho con nhà nghèo.
Lan thấm thía nỗi tủi nhục cô đang gánh chịu khi sống phụ thuộc vào chồng, chầu chực từng đồng tiền ban phát nơi anh. Mấy ngày sau khi suy nghĩ, Lan gói ghém đồ đạc rồi ra khỏi nhà, chỉ để lại trên bàn một tờ giấy ghi rõ: “Em về nhà mẹ, em cần suy nghĩ thêm mấy việc về hai đứa mình". Viết như thế nhưng trong lòng Lan hiểu là chuyến đi này có thể là mãi mãi.
(Theo Trí Thức Trẻ)