- “Dưới góc độ văn hóa, các hành vi tụ tập ăn uống hò hát ồn ào như vậy rất phản cảm vì nó không những không tuân thủ quy định sử dụng nhà chung cư của pháp luật mà còn cho thấy thái độ thiếu tôn trọng những thành viên khác trong khu nhà”, PGS. TS Nguyễn Văn Chính bày tỏ.

Trước những tranh luận trái chiều về việc tổ chức tiệc ăn uống ở hành lang chung cư Hà Nội, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Tiến sĩ chuyên ngành Nhân học Văn hoá - Xã hội tại Đại học Amsterdam, Hà Lan.

Hiện ông là Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương và Các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Chính đưa ra góc nhìn từ một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nhiều thập niên qua.

PV: Là một nhà nghiên cứu văn hóa, ông cảm thấy thế nào khi xem những hình ảnh tụ tập rải chiếu ăn uống, hát hò ở hành lang chung cư ngay tại thủ đô Hà Nội?

Trước hết, hành lang chung cư thuộc về không gian sở hữu chung của người sử dụng hoặc sở hữu căn hộ trong nhà chung cư. Việc chiếm dụng không gian thuộc sở hữu chung để tổ chức các hoạt động của một cá nhân hay một nhóm người cần được sự đồng thuận của các chủ thể sử dụng chung cư và sự cho phép của Ban Quản lý chung cư.

Mới đây, ngày 17 tháng 7 năm 2015, Bộ Xây dựng đã cho ban hành Thông tư số 2015/TT-BXD về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó quy định việc quản lý, sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ nội quy quản lý, sử dụng của từng nhà chung cư và quy định của pháp luật về nhà ở. Tại Mục 1, Điều 2 trong mẫu Nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư này có quy định rõ những hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong việc sử dụng nhà chung cư:

" Gây ồn ào, mất an ninh, trật tự, nói tục, chửi bậy, đánh, cãi nhau..., sử dụng truyền thanh, truyền hình hoặc các thiết bị phát ra âm thanh gây ồn quá mức, làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của nhà chung cư và sinh hoạt của các chủ sở hữu nhà chung cư."

Như vậy, nhìn dưới góc độ quy định của pháp luật thì việc tụ tập ăn uống hát hò tập thể ở hành lang khu chung cư, gây ồn ào, mất trật tự được coi là các hành vi bị nghiêm cấm trong việc sử dụng nhà chung cư.

Dưới góc độ văn hóa, các hành vi tụ tập ăn uống hò hát ồn ào như vậy rất phản cảm vì nó không những không tuân thủ quy định sử dụng nhà chung cư mà còn cho thấy thái độ thiếu tôn trọng những thành viên khác trong khu nhà.

 

{keywords}
 
Tụ tập ăn uống, hát hò là một thói quen hình thành dưới thời tập thể hóa. Khi đó người ta chưa phân biệt rõ ràng các không gian sống chung và riêng. (ảnh mang tính chất minh họa)
 

PV: Theo ông, những nếp sinh hoạt như thế này có nguồn gốc từ đâu? Đó có phải là nếp sinh hoạt tùy tiện của người Việt?

Tôi không chắc các hành vi như được mô tả đã trở thành một hiện tượng phổ biến, một "nếp sinh hoạt" của người sống ở các khu chung cư hay chưa, nhưng tôi cho rằng kiểu sinh hoạt dễ dãi theo các phe nhóm như vậy rất dễ lây lan và nếu không được quản lý tốt, sẽ có thể trở thành một thói quen không tốt, biến chung cư trở thành một cơn ác mộng hay một nơi ở không dễ chịu đối với nhiều người cư trú trong khu nhà.

Người ta thường hay liên tưởng kiểu tụ tập chè chén thế này với nếp sinh hoạt làng xã của những tiểu nông xưa kia. Tuy nhiên tôi lại nghĩ rằng văn hóa ứng xử của người ở chung cư nói riêng, ở các không gian công cộng của chúng ta nói chung đang có vấn đề. Thực ra, nhà chung cư mới chỉ trở nên phổ biến ở Hà Nội một hai thập kỷ gần đây và cư dân sống trong các khu chung cư cũng mới chỉ bắt đầu làm quen với nếp sống chung trong một tòa nhà có nhiều căn hộ như vậy. 

Nếu các hành vi chiếm dụng không gian chung để làm việc riêng vẫn tiếp diễn thì nguy cơ va chạm giữa những hộ dân trong khu chung cư sẽ xuất hiện nhiều hơn trong đời sống hàng ngày. Người ta có thể biện hộ cho hành vi này rằng mỗi năm chỉ tụ tập vui vẻ vài lần, và các cuộc tụ tập như vậy thậm chí góp phần làm tăng sự chia sẻ và hiểu biết lẫn nhau giữa các hộ dân sống trong cùng chung cư, v.v. 

Tuy nhiên, cách biện hộ như vậy có thể dẫn đến việc chấp nhận không gian chung trong tòa nhà bị chiếm dụng cho hàng loạt các sinh hoạt khác như các đám hiếu, hỷ, thăm viếng, liên hoan, v.v. do sự thiếu hụt không gian sinh hoạt cộng đồng ở các khu chung cư. Thậm chí, nguy cơ các gánh hàng xén lưu động, quà vặt, và các chiếu trà thuốc cũng sẽ tràn vào khu chung cư, giống như không gian hè phố vẫn thường bị chiếm dụng cho các công việc như vậy.

 

{keywords}
 
Lối sống ở các đô thị hiện đại có xu hướng làm cho con người biết tôn trọng không gian sống riêng tư của mỗi cá nhân và gia đình. Kiểu tụ tập chè chén liên hoan giao lưu nơi hành lang chung cư gây ảnh hưởng đến không gian sống riêng tư, không còn thích hợp với cuộc sống mới hôm nay (ảnh tiệc mừng 20/10 ở hành lang chung cư Hà Nội mới đây)

Hiện tượng tụ tập chè chén ở hành lang các khu chung cư có những lý do khác nhau, nhưng theo tôi, có thể tìm thấy mối liên hệ của nó với những cội nguồn sau đây:

(1) Thói quen sinh hoạt tập thể, liên hoan văn nghệ, giao lưu, kết nghĩa là một tập quán hình thành chủ yếu dưới thời tập thể hóa. Kiểu sinh hoạt này thấy phổ biến ở các nông lâm trường, các đơn vị công nhân và bộ đội hơn là có nguồn gốc từ văn hóa nông dân và làng xã. Cần nhớ lại rằng dưới thời tập thể hóa xã hội chủ nghĩa, khái niệm về không gian chung và không gian riêng rất mơ hồ, trong đó không gian công cộng thường lấn át không gian riêng. Không gian công cộng có thể dễ dàng được trưng dụng để tổ chức các sinh hoạt tập thể vì một mục đích chung nào đó;

(2) Chủ sở hữu các căn hộ trong chung cư ở các khu đô thị mới hiện nay chủ yếu thuộc tầng lớp trung lưu mới nổi. Họ là các công chức viên chức nhà nước, các tiểu thương, nhà thầu khoán, người làm nghề môi giới và nhiều nghề tự do khác có mức thu nhập từ khá trở lên. Những người sống trong khu chung cư số đông thuộc nhóm tuổi trung niên và trẻ. Họ đang muốn khẳng định vị thế xã hội và bản sắc văn hóa riêng của mình. Việc tụ tập chè chén tập thể cũng là một cách "thể hiện" sỹ diện của họ;

(3) Việc phải tụ tập ở hành lang các tòa chung cư cũng là chuyện đặng chẳng đừng. Nó cho thấy các tòa chung cư hiện nay đang thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng, có thể do mật độ xây dựng quá dày, do nhà đầu tư muốn tận dụng không gian tối đa cho kinh doanh kiếm lời và lờ đi nhu cầu cần có không gian sinh hoạt cộng đồng ở các chung cư.

PV: Tụ tập ăn uống ở hành lang chung cư – nơi biểu trưng cho không gian đô thị hiện đại, cùng với các hình ảnh khác như nhóm bếp than ở chung cư, sử dụng thang máy để dỗ con ăn uống, khạc nhổ vứt rác bừa bãi ở chung cư....đang cho thấy sự thiếu văn minh của người thành thị. Có thể nhận định như vậy không, thưa ông?

Cho đến tận gần đây, thị dân ở Việt Nam vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân số. Dưới thời thực dân, nhiều khu đô thị mới theo mô hình châu Âu được tao ra, như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn với các không gian công cộng như công viên, rạp hát, đường sá và các công sở, v.v. 

Tuy vậy, trong suốt nhiều thập kỷ, thị dân vẫn chỉ chiếm dưới 20% dân số. Trong thời kỳ đô thị hóa từ sau đổi mới đến nay, dân số sống trong các đô thị cũng chỉ mới tăng lên khoảng 30%, trong đó có một bộ phận không nhỏ dân cư mới hôm qua còn sống trong các làng, hôm nay đã trở thành thị dân. Đô thị hóa theo kiểu “chín ép” như vậy không tạo ra một lối sống thị dân mà nó luôn có sự giao hòa giữa lối sống làng xã và đô thị, nông dân và thị dân.

Tuy nhiên, việc chiếm dụng không gian công cộng để sử dụng cho mục đích cá nhân, ví dụ chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, chiếm các không gian công cộng trong khu chung cư để làm việc riêng, hoặc tự do khạc nhổ, vứt rác bừa bãi là những thói quen dễ dãi, thiếu kỷ luật và chưa tôn trọng người khác. Nó cũng cho thấy việc xây dựng lối sống văn minh và quản lý trật tự xã hội ở các đô thị Việt Nam đang còn là một thách thức và chưa được quan tâm đúng mức trong chính sách quản lý đô thị.

Văn hóa là một quá trình học hỏi, và các hành vi ứng xử được học trong gia đình, xã hội và nhà trường. Nhưng đến nay chúng ta dường như chưa quan tâm đến việc xây dựng lối sống đô thị, ngoài việc phát ra những khẩu hiệu hô hào chung chung thì các nhà chức trách vẫn còn xem nhẹ việc xây dựng lối sống đô thị và văn hóa ứng xử nơi công cộng, xem lối sống và hành vi ứng xử của người dân nơi công cộng như là bổn phận đạo đức cá nhân mà ít đặt nó vào trong khuôn khổ luật pháp, quy định và nghĩa vụ tuân thủ. Sự dễ dãi như vậy lâu dần tạo thành thói quen và sẽ rất khó thay đổi, do sức ỳ và tính trì trệ của tập quán.

Tôi cho rằng phong trào xây dựng các khu phố văn hóa hiện nay còn nặng về hình thức mà thiếu tính thiết thực và chiến lược lâu dài. Các hoạt động văn hóa chủ yếu vẫn chỉ là cắt dán các khẩu hiệu, vận động dân phố treo cờ quạt trước nhà và dọc đường trong các ngày lễ và duy trì hệ thống phát thanh “loa phường” như một chiến lược xây dựng nếp sống đô thị. Kiểu tiếp cận như vậy rõ ràng là không ổn, và tác dụng của các hoạt động này thường là ngược lại, gây bức bối cho người dân hơn là truyền tải đến họ một thông điệp nào đấy.

PV: Có hai luồng ý kiến tranh luận về vấn đề này, một bên cho rằng việc tụ tập ăn uống thể hiện sự đoàn kết của dân chung cư, là cơ hội để các gia đình giao lưu, gắn kết tình làng nghĩa xóm, con người bớt vô cảm, bớt ích kỷ và quan tâm đến đồng loại hơn. Bên khác cho rằng, sống ở chung cư, ở đô thị không nhất thiết phải giao lưu với hàng xóm. Và cũng không thể vì những hoạt động như thế này mà con người bớt vô cảm. Bản tính của người Việt vốn hay soi mói và ghen ăn tức ở nên dù có hỏi han nhau tươi cười thật đấy nhưng sau lưng thì chưa chắc đã thật lòng. Ông nghĩ sao về những ý kiến này?

Như tôi đã nói, việc tụ tập ăn uống, hát hò là một thói quen hình thành dưới thời tập thể hóa. Khi đó người ta chưa phân biệt rõ ràng các không gian sống chung và riêng. Lối sống ở các đô thị hiện đại có xu hướng làm cho con người biết tôn trọng không gian sống riêng tư của mỗi cá nhân và gia đình. 

Kiểu tụ tập chè chén liên hoan giao lưu nơi hành lang chung cư gây ảnh hưởng đến không gian sống riêng tư và do đó, không còn thích hợp với cuộc sống mới hôm nay. Chúng ta xây dựng tính cộng đồng nhưng phải tôn trọng cuộc sống riêng tư của người khác và trật tự xã hội theo quy định của pháp luật. Những kiểu tụ tập như vậy không giúp tăng cường sự đoàn kết theo nghĩa tích cực, nhưng dễ tạo ra các hội hè, phe nhóm, gây nên bức bối trong cuộc sống ở khu chung cư.

PV: Ông đánh giá như thế nào về văn hóa của người Việt nói chung, văn hóa của người Việt ở đô thị nói riêng? Có cơ sở không khi nhận định văn hóa người Việt ngày càng xuống cấp, và người Việt đang đi lùi với văn minh thế giới?

Văn hóa ứng xử và đạo đức nói chung trong xã hội Việt Nam đang có vấn đề. Hàng loạt các vụ giết người, đâm chém, trả thù, bạo lực, coi thường kỷ cương pháp luật được báo chí phản ánh cho thấy cái cách chúng ta xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa mấy chục năm qua cần được xem xét và phân tích thấu đáo hơn. 

Các nhà nghiên cứu và giáo dục đã chỉ ra điều đó, nhưng trong tổ chức thực hiện lối sống văn minh đô thị hiện đại, chúng ta vẫn quá nghiêng về hình thức mà không chú trọng đến thực chất. Nói đạo đức suy đồi hay văn hóa xuống xuống cấp chỉ là một cách mô tả hiện trạng văn hóa ở nước ta hiện nay. Người ta hay đổ cho hiện tượng này là do tác động của kinh tế thị trường hay do dân trí thấp. 

Tôi cho rằng cách hiểu như vậy là không có cơ sở. Chúng ta đang mới chỉ bắt đầu làm quen với lối sống văn minh đô thị, và trong một nền kinh tế thị trường vận hành đúng nghĩa, nó sẽ giúp nâng tầm văn hóa, giá trị đạo đức và đưa nó về đúng quỹ đạo cần tuân theo. 

Những lộn xộn trong hệ thống quản lý, sự coi thường kỷ cương pháp luật và thậm chí là “ngồi xổm lên pháp luật”, cho phép những đồng tiền không sạch sẽ "đâm toạc tờ giấy" chắc chắn đã tạo ra những hệ lụy xấu trong xã hội. Chừng nào những hiện tượng như vậy chưa được cải thiện, văn hóa của chúng ta vẫn sẽ tiếp tục còn nảy sinh nhiều vấn đề.

Kim Minh (thực hiện)