Tại phòng khám chuyên khoa cho các bệnh nhân tâm thần, bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, rất nhiều trường hợp đến gặp bác sĩ trong tình trạng stress nặng do áp lực làm việc quá sức.
Tốt nghiệp Học Viện Ngân hàng với tấm bằng khá, Nguyễn Hoài Tr (1988) ở quận Đống Đa, Hà Nội nhanh chóng xin được công việc làm nhân viên tín dụng tại một ngân hàng có chi nhánh tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Làm được 9 tháng, qua sự giúp đỡ của bạn bè, Tr nhanh chóng đạt được các mức chỉ tiêu mà sếp đề ra.
Tuy nhiên, càng ngày, lượng khách càng ít dần. Tr phải làm việc quên ăn, quên ngủ mà vẫn không thể hoàn thành được công việc sếp giao. Chính vì thế, Tr luôn tỏ ra mặc cảm, tự ti và ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh.
Gặp bác sĩ, Tr chia sẻ cho biết, trước đây bản thân Tr luôn hiếu thắng trong công việc, luôn cho rằng mình có năng lực, có trình độ nên làm bất cứ thứ gì cũng phải nhất. Nhưng rồi hiệu quả công việc không như ý khiến Tr rất căng thẳng, đuối sức. Thậm chí, nhiều lúc, Tr buồn chán đến mức nghĩ đến cái chết.
“Tr đã gom được một số lượng thuốc ngủ khá lớn để kết thúc cuộc đời mình, tuy nhiên, mọi người phát hiện đã ngăn cản và đưa Tr đến đây” – Tr kể.
Ảnh minh họa |
Cũng là một nhân viên tín dụng ngân hàng của một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội, P.T.H lại bị gia đình đưa vào viện vì quá say mê công việc.
Cô K, mẹ của H kể lại rằng, từ khi vào ngân hàng làm việc, H say mê công việc đến mức không còn biết đến gia đình, người thân, không còn phân biệt được ngày tháng.
H đi làm từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya. Bố mẹ, người thân ốm, gia đình có công có việc, H cũng bỏ qua tất cả. Thế nhưng, hễ cứ gặp hay nói chuyện với ai, H lại mang chuyện tiền nong, huy động vốn, lãi suất, chỉ tiêu … ra nói.
H luôn cho rằng, mình vô cùng tài giỏi, nếu thiếu một nhân viên như H, ngân hàng sẽ không thể tồn tại … Nhưng rồi, trong đợt cân nhắc bổ nhiệm cán bộ mới đây của ngân hàng, H lại không được xét đến. Chính vì thế, H gào thét, đập phá.
Mọi người lên tiếng phân tích và khuyên bảo H nhưng H không những không nghe mà còn sừng cồ lên để cãi, đòi đánh nhau.
Thạc sỹ, bác sỹ Đinh Hữu Uân (bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) cho rằng, không chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng mà nhiều nhân viên ngành khác khi gặp áp lực quá nhiều cũng thường gây ra stress tâm lý. “Stress nhẹ thì gây ra tình trạng mệt mỏi , nặng hơn thì trầm cảm, nếu strees tâm lý quá mạnh thì có thể chuyển sang trạng thái tâm lý sững sờ” – BS Uân nói.
Bác sỹ Uân cho biết: “Luôn có một nghịch lý đau lòng là, người càng giỏi, càng tận tụy với công việc thì càng dễ hoảng loạn, trầm cảm, dễ phát điên. Bởi, bình thường họ đã mệt mỏi vì tập trung làm việc với cường độ cao, khi gặp phải những tác động từ bên ngoài vượt ngưỡng chịu đựng của họ thì sẽ mắc bệnh”.
“Triệu chứng dễ gặp phải ở họ chính là mất ngủ, mệt mỏi, lo âu, xa lánh, ít giao tiếp với mọi người. Dẫn đến kết quả công việc giảm sút, cơ thể suy kiệt. Vì vậy nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh có thể khỏi nhanh, trở lại với cuộc sống bình thường. Nếu phát hiện muộn, bệnh tiến triển mãn tính, khó hồi phục” - Thạc sỹ, bác sỹ Uân nói.
M.A – H. T