Sau khi đăng tải hàng loạt các thông tin phản ánh về quán ăn “chặt chém” ở Tp Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, lãnh đạo thành phố Phủ Lý đã có câu trả lời về vấn đề này, tuy nhiên, trước câu trả lời của các lãnh đạo Tp, rất nhiều độc giả đã tỏ ra bức xúc.

Theo đó, nhiều độc giả phản ánh, họ đã phải trả 150 – 200 nghìn cho một bát phở bình dân, và 350 nghìn cho một xuất cơm bụi khi dừng chân để ăn uống ở ngã ba Hồng Phú thuộc thôn Hồng Phú, xã Thanh Châu, Tp Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

{keywords}
Khu vực có nhiều quán ăn bị phản ánh là "chặt chém" người đi đường

PV VietNamNet đã trực tiếp về địa chỉ trên để xác minh tình hình. Sau khi xác minh, PV đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo UBND Tp và các cơ quan liên quan. Lãnh đạo UBND TP cũng đã xác nhận sự việc tồn tại tại địa bàn từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, PCT UBND TP, ông Lê Nguyên Ngọc cho rằng, để tiếp tục xảy ra tình hình trên là do dân không chịu đọc báo, không chịu nghe đài nên không rút kinh nghiệm mà vẫn vào ăn ở các quán ăn nói trên.

Trước câu trả lời này, rất nhiều độc giả đã gửi ý kiến bức xúc. Nhiều độc giả cho rằng, họ không thể đồng ý với câu trả lời như trên của vị lãnh đạo TP.

Độc giả vanthangtb1407@...viết: “Tôi không đồng ý với ý kiến của ông Phó Chủ tịch thành phố Phủ lý cho rằng "người dân không chịu đọc báo, nghe đài để bị chặt chém".Việc để các quán ăn chặt chém khách như vậy là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước địa phương còn yếu kém. Cơ quan nhà nước cần phải vào cuộc để dẹp các quán đó mới đúng"

“Đâu phải ai cũng có điều kiện để cập nhật thông tin, và cũng đâu phải tất cả thông tin đều đến được với mọi người? Thêm nữa, đường dây nóng được dựng lên rất nhiều nhưng cần phải biết tại sao có rất ít người gọi đến?” – độc giả hoangdm67@... viết.

Đồng tình với quan điểm trên, độc giả hevanten@... cũng bày tỏ ý kiến bức xúc : “Nếu trả lời như vị lãnh đạo này thì có lẽ Phủ Lý cũng không cần có cơ quan quản lý nữa mà cứ "tự đọc báo nghe đài". Bởi sinh ra các vị là để quản lý địa bàn đó về mọi mặt. Chắc không khó khi các vị vào vai khách đi đường, lúc đó sẽ có đủ bằng chứng để dẹp mấy quán ăn chặt chém này."

{keywords}
2 bát phở được tính giá 280 nghìn.
 

Nhiều độc giả cũng đưa ra giải pháp để có thể giải quyết triệt để tình trạng chặt chém.

Độc giả bien@...viết: “Tôi xin mách cho ông phó chủ tịch UBND Thành phố Phủ Lý cách quản lý như sau: Chính quyền phải yêu cầu các quán ký cam kết: Treo bảng giá công khai, bán đúng giá. Thường xuyên kiểm tra nếu quán nào vi phạm phạt nặng và cho đóng cửa”.

Độc giả giapngo27@...cũng cho rằng, nếu muốn xử lý triệt để, chính quyền địa phương sẽ không thiếu cách.

“Thiếu gì cách để dẹp bỏ hoặc lấy bằng chứng: giấy phép kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm...., nếu không vi phạm thì cho cán bộ vi hành vào quán ăn, sau đó nếm thử vị "phở chém" là có ngay bằng chứng để xử lý. Nhưng chốt lại ở chỗ, chính quyền có muốn dẹp hay không? Có dám dẹp hay không?” – độc giả này viết.

Đồng quan điểm, độc giả antoan@... cũng đưa ra giải pháp để “nhổ tận gốc” tình trạng chặt chém này.

Độc giả này cho rằng, chưa cần đến công tác giải tỏa mới có thể giải quyết các quán ăn chặt chém như trên. Các cơ quan chức năng có thể kiểm tra giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu niêm yết giá, ký kết bán đúng giá. Sau đó, liên tục thanh tra, kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan quản lý phải xử phạt theo đúng quy định và thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, trên bảng niêm yết giá, cần phải ghi rõ cả số điện thoại của công an khu vực, để khi xảy ra sự việc, dân có thể bốc máy để gọi được ngay cho cơ quan công an.

Minh Anh