Theo TS Đề, thủ phạm “ăn não” là ký sinh trùng Amip, có mặt ở nhiều môi trường nước bẩn và ai cũng có thể mang nang kén trùng Amip. Có khoảng 5-10% dân số bị nhiễm trùng Amip này.
Thông tin trùng Amip “ăn não” làm một bệnh nhân tại TP.HCM tử vong khiến nhiều người rúng động. Tuy nhiên, theo PGS- TS Nguyễn Văn Đề - Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội), ca tử vong vì loại ký sinh trùng này rất hiếm gặp nhưng không có gì lạ...
Rau tưới bằng nước bẩn rất dễ mang trùng Amip (ảnh minh họa). |
Nhiễm bệnh qua ăn uống
Theo TS Đề, thủ phạm “ăn não” là ký sinh trùng Amip, có mặt ở nhiều môi trường nước bẩn và ai cũng có thể mang nang kén trùng Amip. Có khoảng 5-10% dân số bị nhiễm trùng Amip này. Trùng Amip chủ yếu gây ra bệnh lỵ, làm tổn thương ruột với các vết loét nhỏ.
“Tuy nhiên, trùng Amip có thể gây nguy hiểm đến tính mạng khi theo đường máu lên não, phổi, hoặc gan, làm tiết ra các chất tiêu protein và gây viêm nhiễm, tạo thành các ổ áp xe ở gan, phổi và não. Nếu ở các vị trí nguy hiểm, các ổ áp xe vỡ có thể gây tử vong” – TS Đề cho biết.
TS Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc BV Nhiệt đới T.Ư cũng cho biết, việc bệnh nhân bị trùng Amip ăn lên não, gây tử vong là rất hiếm, phần lớn, nếu phát bệnh thì bệnh nhân chỉ bị lỵ, một số nhỏ khác bị áp xe gan, nhưng nếu điều trị kịp thời, bệnh sẽ không nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng đáng nói, không phải ai mang nang trùng Amip cũng bị bệnh. Chỉ khoảng 10% những người có nang Amip bị phát bệnh. Theo TS Đề, chỉ những người bị rối loạn tiêu hóa, miễn dịch kém thì trùng Amip mới hoành hành.
Nhưng điều đáng lo ngại là do trùng Amip sinh sản vô tính theo kiểu “nhân đôi” nên mỗi ngày, người khỏe mang nang Amip có thể thải ra ngoài môi trường hoàng trăm nghìn nang Amip theo đường phân. Do đó, trùng Amip có thể phát tán rất rộng và lây lan sang người khác.
72% rau bẩn chứa Amip
TS Đề cũng cho biết, một kết quả nghiên cứu về mầm bệnh ký sinh trùng của ông và các cộng sự Trường ĐH Y trên 660 mẫu rau tưới bằng nước thải tại thành phố và nông thôn tỉnh Nam Định cho thấy, có đến 72% rau ở nông thôn có tỷ lệ nhiễm đơn bào trong đó có cả khuẩn Ecoli và bào nang Amip (thành phố là 53%). Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm trứng giun đũa là 2,4%, giun tóc là là 2,2%, nhiễm ấu trùng giun móc/lươn 3,6%, nhiễm trứng sán lá gan nhỏ/sán lá ruột nhỏ là 0,3 %.
“Người bệnh do trùng Amip thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt, đau bụng, không sốt hoặc sốt nhẹ, đi ngoài nhiều lần, phân nhầy hoặc lẫn máu. Còn nếu đã chuyển sang áp xe gan, phổi hay não thì đau bụng, đau đầu dữ dội và sốt cao, thậm chí co giật nếu áp xe não”. TS Nguyễn Văn Đề |
Nang kén Amip có sức đề kháng với các hóa chất nên khó mà diệt chúng trong môi trường nước, tuy nhiên, chúng có thể chết ở nhiệt độ 85 độ C.
Vì thế, người dân có thể phòng ngừa nhiễm Amip và các loại giun sán khác bằng cách ăn chín, uống sôi, rửa rau thật sạch, đặc biệt nên rửa rau dưới vòi nước chảy để loại bỏ ký sinh trùng. Người dân cũng nên được vận động để bỏ thói quen tưới rau bằng nước thải sinh hoạt.
Theo TS Đề, việc phát bệnh do nhiễm trùng Amip nói chung và nhiễm ký sinh trùng nói riêng thường đều dễ điều trị, thuốc rẻ và khá phổ biến. Tuy nhiên, các loại bệnh này rất dễ bị chẩn đóan nhầm sang các bệnh viêm nhiễm, ung thư khác nên việc điều trị không kịp thời, gây nguy hiểm đến tính mạng.
(Theo Dân Việt)