Nhiều phụ nữ ấm ức vì chuyện tế nhị giữa hai vợ chồng nhưng chẳng biết tâm sự với ai, dù thân thiết ruột thịt như cha mẹ, anh chị em ruột hay kể cả chồng mình.


Chị Hương (Nam Định) mệt mỏi và ấm ức: "Em lấy chồng đã hơn mười năm có hai mặt con, hai vợ chồng khỏe mạnh, duy có việc đó nhiều khi rất ức chế nhưng không biết nói thế nào cho phù hợp. Chồng em khỏe mạnh, hiền lành và khá sung sức trong chuyện đó. Thế nhưng điều ngại nhất và em cảm thấy tổn thương nhất là mỗi khi làm chuyện đó, chồng em cứ như đi làm khoán sản phẩm".

Chị Hương cho biết thêm, vợ chồng chẳng bao giờ trao đổi với nhau chuyện ấy. Chị giãy nảy: "Ai lại nói chuyện đó với chồng, nhỡ anh ấy lại nghĩ mình dâm đãng thì sao".

"Thường thì chuyện đó do chồng em chủ động. Nhưng, ngay cả khi thoải mái nhất thì anh cũng vội vàng như đi cướp vậy. Thậm chí, nhiều khi còn không cởi cả quần áo. Có lần em chưa kịp hưởng ứng anh ấy đã lăn ra ngáy khò khò. Những khi đó sao em thấy thật khó chịu, thà cứ để im ngủ thì còn khỏe hơn". Chị Hương chia sẻ.

Không phải ai cũng có thể trút nỗi lòng chia sẻ về chuyện ấy. Ảnh minh họa
Chuyện của chị Hương không phải là cá biệt, nhiều người xấu hổ, ngại đưa những chuyện vốn tế nhị này ra hỏi han, bàn bạc hay trao đổi với người khác, kể cả chồng, vợ mình. Thế nhưng chính quan niệm đó làm hại chính họ vì không nói ra được lại càng bị dồn nén khiến họ luôn tức tối và ức chế.

Có người phải tự mày mò tìm vào các diễn đàn, tâm sự, nơi không ai biết mặt, biết tên để trút nỗi lòng mình cho vơi nhẹ bớt mong tìm được một lời chia sẻ, động viên hoặc một cách nào đó giải quyết được mối tơ lòng không dễ bày tỏ. Nhưng vấn đề cuối cùng là những hành động khoán sản phẩm kia vẫn cứ thế tồn tại và nỗi uất ức của người vợ cứ ngày càng  tiếp tục bị dồn nén một cách vô lý.

Nhu cầu tình dục là nhu cầu bản năng bình thường của con người, nhưng nhiều người, do những vấn đề bệnh lý khác nhau, đã không thể đảm bảo chức năng tình dục bình thường làm cho nửa kia không được thỏa mãn, hai người không bao giờ tìm được "tiếng nói chung". Điều đó dẫn đến sự ức chế, dồn nén hậu quả là vợ chồng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, thậm chí nghi ngờ lẫn nhau và khó có hướng giải quyết. Như trường hợp của chị Bích (Thanh Xuân, Hà Nội), hai vợ chồng lệch pha nhau thường xuyên, khiến chị có cảm giác chán chường, không còn muốn gần gũi chồng. Lâu dần, chị trở thành con người cáu bẳn và khó tính. Thà nhịn còn hơn, chị cấm vận luôn. Còn chồng chị, sau một thời gian tìm cách gần vợ không được thì lén lút mang "hàng giả" bán đầy rẫy trên chợ biên giới về "hỗ trợ" và "thay thế".

Ngược lại, không chỉ phụ nữ mới có tâm trạng đó, một số đàn ông cũng không kém phần khó khăn để giải quyết vấn đề phù hợp về quan niệm và hành động trong sinh hoạt vợ chồng. Một gia đình ở ngay tại Hà Nội, hai vợ chồng là bác sĩ hẳn hoi, song họ quan niệm chuyện đó cũng khá cố hữu, nhất là người vợ. Chị luôn tỏ ra mình là người được giáo dục nền nếp trong gia đình gia giáo, ngay cả với chồng mình cũng vậy. Chị có thể trao đổi hàng giờ với bệnh nhân về bệnh tật của họ, song với chính chồng mình, thì chị luôn tỏ ra coi thường chuyện đó. Chị cho rằng phụ nữ quan tâm nhiều quá đến chuyện đó thì không tốt. Có lần người chồng chán ngán tâm sự: "Vợ mình nhiều mặt rất tốt, riêng chuyện đó, cứ như khúc gỗ. Chán lắm, nhưng không thể nói, vì cô ấy quan niệm nói đến những chuyện đó là không đứng đắn. Chả muốn nói đến nữa vì cứ nói đến lại sinh cãi nhau".

Hậu quả của việc không phù hợp trong quan hệ vợ chồng quả là không nhỏ, nhiều khi đó cũng là nguyên nhân của việc chán nản giữa hai vợ chồng và sinh ra những quan hệ ngoài gia đình. Ít nhất cũng tạo tâm lý không thoải mái trong cuộc sống gia đình.

Tôi được biết, tại các nhà thờ Công giáo ở ta thường tổ chức các lớp học cho thanh niên chuẩn bị xây dựng gia đình. Những lớp 'Giáo lý hôn nhân' đã trang bị cho các thanh niên nam nữ chuẩn bị lập gia đình các kiến thức cơ bản về cuộc sống vợ chồng thế nào cho hòa hợp, kể cả lĩnh vực tình dục. Ở đó, người ta coi hoạt động tình dục giữa vợ và chồng trên cơ sở tình yêu, dâng hiến cho nhau, mục đích là sự truyền sinh. Kết quả của những lớp đó rất khả quan, người thanh niên bước vào đời sống gia đình có được các kiến thức cơ bản, không phải tự mày mò và khi vướng mắc không có nơi giải đáp. Ở đó sinh hoạt vợ chồng được coi là một hoạt động văn hóa của con người thể hiện trách nhiệm, sự trân trọng và tình yêu thương.

Vậy, trong xã hội, chuyện sinh hoạt tình dục, chuyện vợ chồng có nên coi là một nét văn hóa và cũng cần có những giáo dục cụ thể hơn?

Trâm Anh