- Phát hiện vợ không còn trong trắng, một người đàn ông có học thức, có hiểu biết vẫn sẵn sàng quay lưng, coi vợ như một tội đồ. Không đánh đập tàn nhẫn, nhưng anh ta thậm chí còn có cách trừng phạt vợ khủng khiếp gấp nhiều lần.


“Bỏ đói quan hệ” vì vợ trót “lỡ” trong quá khứ
Quan niệm “chữ trinh đáng giá nghìn vàng” tưởng chừng đã cởi mở, nhẹ nhàng hơn rất nhiều ở xã hội hiện đại. Nhưng không, ngay trong những gia đình trí thức, cả hai vợ chồng đều có học thức nhưng do ám ảnh về chữ “trinh” quá nặng nề vẫn đủ sức phá tan hạnh phúc gia đình.

Bà Hoàng Kim Thanh - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đầy trăn trở khi kể lại những câu chuyện bạo hành gia đình chỉ vì người phụ nữ từng “trót lỡ” trong quá khứ.Một trong những câu chuyện ám ảnh bà Kim Thanh nhất là chuyện người vợ “bị chồng bỏ đói quan hệ” khi phát hiện ra vợ không còn trong trắng.

Không đánh đập, không chửi bới, anh trừng phạt vợ bằng cách "bỏ đói" nhiều năm liền. Ảnh minh họa
Người vợ chỉ tìm đến chuyên gia tư vấn khi đã bị khủng hoảng tinh thần trong một thời gian khá dài. Chia sẻ với chuyên gia, sau rất nhiều ngập ngừng, chị mới nói hết được câu chuyện của mình.
Trước khi lấy chồng, chị đã một lần yêu và trao cái quý giá nhất đời con gái cho anh. Tình yêu không thành, chị coi đó là một lần lầm lỡ, và giữ kín nó như một bí mật trong lòng. Nhờ thế, cuộc hôn nhân của chị khá êm ấm khi hai vợ chồng đã có một bé trai.

Không ngờ, chồng chị vô tình biết được “bí mật động trời” ấy.

Mọi chuyện vỡ lở, người chồng hiện nguyên hình là một gã đàn ông hẹp hòi, ích kỷ. Dù hai vợ chồng đều là người thành đạt, có học, có hiểu biết, nhưng anh ta không chấp nhận bất cứ chia sẻ, giải thích gì của vợ. Anh ta lạnh lùng trừng phạt vợ bằng cách coi chị như không tồn tại: Không sờ đến vợ, “cấm vận” vợ hoàn toàn, bỏ đói quan hệ với vợ… Phũ phàng đến nỗi, khi người vợ nhớ chồng, muốn gần gũi chồng, hễ lại gần là anh ta xua đi.

Người vợ đau khổ tâm sự: “Em nhớ hơi chồng mà không dám nói ra… Thèm gần chồng đến nỗi, con trai em mỗi lần chạm vào người em, em lại ước mong đôi bàn tay ấy là của chồng em…”.Không dừng lại ở đó, người chồng tệ hại còn ra ngoài quan hệ với gái bán hoa rồi về nhà kể lại, bắt vợ nghe tường tận đến từng chi tiết”.

quá đau khổ, nhưng người vợ bất hạnh không dám oán thán, than trách đến một lời mà âm thầm chịu đựng. Đến nỗi, cơ thể suy nhược, tinh thần xuống dốc trầm trọng vì bị tổn thương và ám ảnh tội lỗi.

Sỉ nhục vợ trên giường

Nhiều người đàn ông có học, nhưng vẫn không chấp nhận được vợ không còn trinh tiết. Với họ, đó là thứ lỗi lầm đáng khinh nhất, không thể tha thứ nhất. Cũng từ suy nghĩ ấy, họ có những kiểu bạo hành kinh hoàng đến đáng sợ, dù không hề đánh đập, hành hung vợ.

Dù là tầng lớp trí thức có học, nhiều người đàn ông vẫn dùng trinh tiết để làm thước đo phẩm giá của người phụ nữ.
Chị Hằng (Hà Nội) là một giáo viên tiểu học tâm sự về hoàn cảnh của mình. Trước khi đến với chồng chị bây giờ, chị đã có một tình yêu sinh viên lãng mạn, “hết mình”. Nhưng rồi người yêu chị đi du học, và chị bị bỏ rơi… Phải mất rất nhiều năm thu mình, chị mới dám mở lòng để yêu và đồng ý lấy người chồng hiện tại.

Đêm tân hôn, anh không mảy may nghi ngờ, vì chị trong mắt anh luôn là cô gái dịu dàng, chân thành, ý nhị. Còn bản thân chị, chỉ muốn quá khứ được chôn chặt nên đã thầm nhủ, sẽ không nói ra điều chẳng hay ho gì ấy.

Thế nhưng, suốt ba năm trời làm vợ chồng, được anh yêu thương chăm sóc hết lòng, cảm giác tội lỗi bắt đầu xuất hiện khiến chị không thể hạnh phúc vẹn toàn. Cuối cùng, chị không đừng được, đã chia sẻ với chồng về “chuyện ấy”, những mong giữa hai người từ này không còn bí mật, không còn khoảng cách, để hạnh phúc vợ chồng được toàn vẹn…

Thật không ngờ, hạnh phúc gia đình chị thoáng chốc đã tan tành. Từ một người đàn ông hiền lành, hết lòng chăm sóc vợ, anh ta trở nên một kẻ lạnh lùng, cục súc, hẹp hòi đến đáng sợ. Ngay khi chị kể lại chuyện, anh ta đã nổi điên tra hỏi hết điều này đến điều khác về quá khứ của vợ, bất chấp chị run rẩy khóc lóc, cầu xin anh tha thứ.

Những ngày sau đó, cuộc sống chăn gối vợ chồng với chị gần như là ác mộng, khi chồng luôn luôn xen vào những phút gần gũi những câu hỏi về “thằng đàn ông trước đây của cô”. Cùng với đó là những lời sỉ nhục vợ thậm tệ, không phải chửi mắng vô học nhưng mỗi câu nói đều như dao đâm vào tim chị đau nhói. Chị chỉ biết nghiến răng lại chịu đựng, nước mắt rơi đầm đìa trên gối…

Vượt qua định kiến

Trong xã hội Việt Nam, câu chuyện về “trinh tiết” không chỉ đơn giản là một quan niệm, mà nó còn nặng ảnh hưởng tới đạo đức con người. Dù là tầng lớp trí thức có học, nhiều người đàn ông vẫn dùng trinh tiết để làm thước đo phẩm giá của người phụ nữ.

Bà Hoàng Kim Thanh chia sẻ: “Ở góc độ giới, “trinh tiết” là một khái niệm mang “chuẩn mực kép”. Tức là cùng một góc độ nhưng có cách nhìn rất khác nhau giữa người nam và người nữ. Người phụ nữ khi đã mất trinh bị xem như mất giá trị, thậm chí không còn giá trị. Còn ở người nam thì vấn đề còn hay mất đó không là vấn đề, có khi còn được xem như một thứ chiến công, để đo sự nam tính. Chuyện còn hay mất trinh không chỉ ám ảnh người phụ nữ mà còn ám ảnh cả nam giới nữa.

Ở Việt Nam, quan niệm về trinh tiết thực sự đã có sự thay đổi nhưng chưa thực sự tiến bộ, chưa thực sự bình đẳng. Bởi hiện nay rất nhiều người vẫn cho rằng người đàn ông chấp nhận bạn gái, người yêu hoặc người vợ đã mất trinh là người đàn ông hào hiệp, tử tế… Tức là người đàn ông vẫn có quyền kiểm soát, có quyền phán xét về trinh tiết.

Trinh tiết là điều thiêng liêng, nhưng theo quan điểm của tôi thì không nên nâng nó lên thành một phẩm chất, văn hóa gì cả. Còn nếu đã coi đó là truyền thống, là văn hóa... thì hãy áp dụng cho cả hai giới chứ đừng cho phép đàn ông thoải mái, còn đàn bà thì gò bó, không được phép.

Nhiều người phụ nữ tâm sự người chồng độ lượng, bao dung khi “tha thứ” cho tôi dù tôi đã quan hệ trước hôn nhân. Nhưng ngay suy nghĩ đó cũng là suy nghĩ có vấn đề. Ở đây có sự bình đẳng giới hay không? Rõ ràng là không! Họ vẫn cho rằng cái trinh tiết của người phụ nữ đã tự đặt sự đánh giá trong tay người nam giới. Người nam giới cho phép tha thứ hay không chuyện còn hay không còn hay không? Chính vì nặng như thế nên nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống vợ chồng, là nguồn gốc của những bi kịch như trên.

Trong nhiều trường hợp, là chuyên gia tư vấn, tôi chỉ có thể xoa dịu, giúp họ bớt tự áp lực với mình, day dứt quá nhiều. Họ càng day dứt, càng cam chịu thì người chồng càng lấn tới, càng cảm thấy anh ta có “quyền” như vậy. Tôi nghĩ rằng, bản thân người phụ nữ đừng nên định kiến với chính mình về chuyện ấy. Lối thoát nào cũng phải do người phụ nữ chủ động. Nếu bản thân họ vẫn cho mình tồi tệ thì làm sao họ giải thoát được chính mình?

Minh Tâm – La Hoàn