- Tìm mọi cách để vùng vẫy trong cơn bão giá, nhiều người nhà đi chăm người ốm, thậm chí chính các bệnh nhân đang điều trị các bệnh nan y vẫn phải nghĩ cách mưu sinh ngay trong bệnh viện.

Xăng, gas phi mã, gia đình lục đục
5 “mẹo” đơn giản để tiết kiệm xăng

66 tuổi một mình nhặt rác lấy tiền chạy thận

Bà Giáp Thị Sáng - 66 tuổi, quê ở Tân Yên - Bắc Giang vào bệnh viện Bạch Mai chữa bệnh thận đã một năm rưỡi nay. Mái tóc bạc, lưng còng và cơ thể xanh xao gầy guộc, ít ai ngờ ngày ngày bà Sáng vẫn ngày ngày làm công việc nhặt rác để có tiền thuốc thang, chữa trị.

Bà tâm sự: “Tôi lên đây chữa bệnh nhưng cũng chỉ có một thân một mình. Đẻ được hai đứa con một trai, một gái nhưng đứa con gái làm ăn xa, thỉnh thoảng gửi về cho mẹ chút tiền, còn đứa anh ở quê làm ruộng, vừa nghèo lại một nách hai con nhỏ nên tôi không nỡ làm vướng bận chúng nó…”.

Bà Giáp Thị Sáng - 66 tuổi vẫn nhặt rác lấy tiền chạy thận

Khóe mắt rưng rưng, bà Sáng không muốn kể nhiều về gia cảnh của mình. Hỏi chuyện bà thu vén thế nào để vừa chữa trị, vừa sống được ở đất Hà thành đắt đỏ, bà cười mà như mếu bảo: “Thì chỉ có cách nhịn mồm nhịn miệng, đi làm để kiếm thêm dăm ba chục thôi!”

Bà cho biết, lâu nay bà làm nghề nhặt rác để mưu sinh. Sau giờ chữa bệnh, bà lại đi thu lượm chai lọ người ta bỏ đi, thúng giấy, hộp nhựa… rồi đem bán. Đi nhặt được ít nhiều với ai thương tình đem cho bà đều tích lại bán lấy tiền. Ngày nào cũng đi, nhưng chưa bao giờ bà nhẩm ra được mỗi tháng bà kiếm thêm được bao nhiêu tiền từ “nghề” này bởi số tiền thu được… quá ít ỏi.

“Đi thế này, ngày được một hai chục đã là nhiều. Không thì dăm ba nghìn mua cái bánh mì… cũng đỡ đần chút ít!” – bà Sáng cho biết.

Làm vậy thì chẳng đủ tiền ăn, nhưng bà vẫn cầm cự được là nhờ tiết kiệm hết mức. Bà tiết lộ, trước mỗi bữa bà chỉ ăn 10 nghìn cơm, còn đâu quả chuối, cái bánh mì cũng qua bữa. Dạo gần đây, giá cả tăng khiến bà kinh hãi. Từ hộp sữa, cuộn bỉm, suất cơm cũng tăng. Bà chẳng còn mua nổi cơm 10 nghìn nữa. Ngay cả mua cơm trắng 10 nghìn người ta cũng không chịu bán cho bà!

“Cũng may tôi được ở trong này, đỡ tiền thuê nhà, rồi thuốc thang có bảo hiểm cũng chỉ còn 500 - 600 nghìn… Nhưng nghe nói viện phí tăng thì hãi lắm, cái gì cũng tăng, không khéo đến nước bỏ về quê chịu chết!” – bà nói.

Nhưng thực lòng bà không muốn về quê, vì còn ham sống lắm, và cũng vì bà không muốn phiền con, phiền cái.

Vậy là ngày ngày, bà cố gắng đi nhặt nhạnh nhiều hơn, mong kiếm thêm được vài nghìn. Đi nhiều, hai chân bà có hôm lên cơn đau nhức khiến bà phát sốt, bôi dầu, uống thuốc mấy ngày không lại. Hai tay cũng nhức mỏi rã rời mà bà không khám đi khám, vì “sợ khám ra bệnh, rồi không có tiền thuốc thang thì cũng hoài công…”.

Đi chợ đồng nát chữa bệnh cho chồng

Chị Nguyễn Thị Hải (Thanh Hà – Hải Dương) vừa chăm chồng bệnh ung thư, vừa cáng đáng học phí, sinh hoạt phí cho con trai đang học đại học. Chi cho biết, không có duyên buôn bán, cũng không có mối xin làm giúp việc, nên chị chọn nghề đồng nát.

“Tảo đi lúc chiều trưa, lúc canh tối, khi nào chồng hết truyền thì tranh thủ chạy đi một tí, rồi lại chạy về. Ít nhiều cứ dồn lại cho vào hòm để dành, lúc nào dồn được nhiều một tí thì đem bán. Đi được thì phải gắng đi, kiếm được việc gì làm đỡ lấy miếng ăn thôi cũng quý” – chị trầm tư nói.

Thu nhập từ mưu sinh trong bệnh viện có khi chỉ đủ đỡ đần bữa ăn sáng, cái bánh mì.

Còn chị Dương Thị Hiền (Hậu Lộc – Thanh Hóa) đang điều trị tại khoa Thận BV Bạch Mai cũng chọn nghề bán nước ngoài cổng bệnh viện để thêm thu nhập. Dăm chai nước, ấm chén, một hai chiếc ghế nhựa, một chiếc làn… là tất cả vốn liếng của chị. Sau giờ chữa bệnh, chị lại ra ngoài cổng viện ngồi bán hàng. Chẳng được đông khách, nhưng chịu thương chịu khó thì mỗi ngày chị cũng tự đỡ được hai, ba chục nghìn.

Tại khu nhà lưu trú dành cho bệnh nhân nghèo của BV Bạch Mai, người bươn chải đi làm thêm như chị Hải, chị Hiền không hiếm. Hoàn cảnh khó khăn, họ vắt kiệt sức để vừa chống chọi lại với bệnh tật, vừa lo mưu sinh đối phó với bão giá.

Nhiều người vợ, người mẹ giấu chồng, con đi làm thêm vì sợ chồng con lo lắng. Có những người đêm thức trắng, ngày tận tụy chăm chồng con nhưng vẫn gắng gượng đi giúp việc ngoài giờ, đi bán hàng nước, đi quét rác, nhặt rác, buôn đồng nát kiếm sống. Thu nhập bấp bênh, nhưng đó là tất cả hi vọng giúp họ có tiền để còn “lao” theo giá cả thị trường như lời chị Hiền chua xót: “Giá cả tăng thì mình cũng vẫn phải theo, chứ biết làm sao được!”.

Quỳnh Anh