- Cho dù phiên tòa đã chấm dứt, thì ám ảnh về vụ án vẫn còn đeo đuổi mãi những tâm hồn trẻ thơ. Với cháu Bích, cháu sẽ phải gánh chịu những hậu quả về sau như thế nào, nếu tiếp tục tham gia phiên xét xử Lê Văn Luyện?
Phiên tòa sẽ ám ảnh cả cuộc đời cháu Bích
Cháu Bích dự tòa, tên Luyện có bị xử nặng hơn?
Số phận trẻ thơ sau những phiên tòa
Từng tham gia nhiều vụ án trong đó nạn nhân hoặc nhân chứng là trẻ em phải xuất hiện trong các phiên tòa, ông Nguyễn Văn Tú – Giám đốc Công ty luật TNHH Fanci – Hà Nội khẳng định việc để cháu Bích tham gia phiên xét xử Lê Văn Luyện sắp tới rất có thể gây ra cho cháu những cú sốc lớn, ảnh hưởng lâu dài đến cuộc đời cháu về sau.
LS Nguyễn Văn Tú. |
“Để trẻ em tham gia một phiên tòa là bất đắc dĩ. Đặc biệt với những phiên tòa mà toàn bộ sự việc được đưa ra một cách đầy đủ nhất, tái hiện chi tiết nhất, thì tác động tâm lý đối với đứa trẻ sẽ rất lớn. Trẻ em không đáng bị đối xử như vậy” – Luật sư Tú nói.
Ông chia sẻ câu chuyện về những phiên tòa cách đây vài năm mà mình tham gia bào chữa. Đó là một vụ án ngược đãi ở Sóc Sơn - Hà Nội. Nạn nhân là người vợ bị chồng bạo hành dã man suốt 15 năm trời. Cuối cùng, chị tìm đến uống bả chó tự tử. Người chồng bị khởi tố vì hành vi ngược đãi vợ gây hậu quả nghiêm trọng. Trong những phiên tòa xét xử bị cáo sau đó, người ta không chỉ đau lòng vì bi kịch gia đình quá khủng khiếp, mà còn xót xa cho hai con thơ: Hai đứa trẻ vừa mất mẹ, vừa phải ra làm chứng cho bố trước tòa. Gương mặt non nớt của các em trong phiên xử một vụ án quá kinh hoàng như vậy vẫn còn đeo đẳng những người có mặt.
“Hai chị em cháu bé lúc ấy mới còn đang học tiểu học. Không chỉ phải tận mắt chứng kiến bi kịch cha bạo hành mẹ, chứng kiến cái chết của mẹ mà các cháu còn bị đưa ra làm chứng ròng rã trong rất nhiều phiên tòa và không tránh khỏi sự giằng co, lôi kéo, tác động từ cả hai bên, bên nội là cha, bên ngoại là mẹ...”.
Hai đứa trẻ là nhân chứng cho vụ án bố ngược đãi mẹ khiến mẹ phải uống bả chó tử tự |
Vụ án kết thúc, dù còn có những ẩn ức thì sau đó cũng chỉ còn hai em là những nạn nhân trực tiếp gánh chịu hậu quả: Vừa mất mẹ, vừa chứng kiến cha vào vòng lao lý mà bao nhiều hình ảnh, kí ức thương tâm về vụ việc sẽ còn đọng mãi trong tâm trí các em.
Hậu quả khôn lường
Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng những phiên tòa có thể để lại hậu quả khôn lường cho các em là nạn nhân hay nhân chứng.
Anh lấy dẫn chứng, trong hầu hết các vụ án trẻ em bị lạm dụng, các em không chị bị truy vấn trong quá trình điều tra, mà khi ra trước tòa, các em lại tiếp tục bị truy vấn. Các em phải kể lại tường tận sự việc khủng khiếp đã xảy ra với mình quá nhiều lần. Như trong một phiên tòa xử kẻ lạm dụng trẻ em ở Bắc Giang cách đây chưa lâu, nạn nhân là các em học sinh mới lớp 8, lớp 9. Giữa đám đông có mặt tại tòa, các em lần lượt xuất hiện để mô tả lại thật chi tiết sự việc. Sự việc ghê tởm một lần nữa được tái hiện trong những tâm trí dễ bị tổn thương của các em. Đã vậy phiên tòa lại bị hoãn đi hoãn lại, xử đi xử lại rất nhiều lần...
“Theo tôi, xử án là câu chuyện của pháp luật, các cháu chỉ nên tham gia ở mức độ nào đó. Việc lật đi lật lại những tình tiết của các vụ án ảnh hưởng đến tâm lý lúc ấy của các em đã đành, sau này vì dư âm của vụ việc còn có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống các em. Vì dư luận xã hội, nhiều nạn nhân sau các vụ án phải chuyển đi nơi khác sinh sống để quên đi quá khứ. Không ít em, vì mặc cảm, hoặc vì ám ảnh trở nên bất cần, dễ sa ngã, hoặc nếu không cũng bị dằn vặt suốt đời vì những hố sâu ngăn cách với gia đình, người thân liên quan”.
Thực tế, trong Bộ luật Tố tụng hình sự của Việt Nam, chỉ có quy định về những thủ tục đặc biệt với bị cáo vị thành niên mà chưa có quy định tương tự với người bị hại. Do đó, trong nhiều vụ xét xử, quyền lợi của các em – người bị hại đã vô tình bị “lãng quên”.
Tuy nhiên, luật cũng cho phép xét xử vắng mặt người bị hại, với điều kiện sự vắng mặt không gây trở ngại cho vụ xét xử. Việc xét xử vắng mặt hay không vắng mặt sẽ do HĐ xét xử quyết định. Vấn đề đặt ra về phía người áp dụng luật, ở đây chính là luật sư bào chữa cho gia đình người bị hại áp dụng như quy định của luật như thế nào?
“Tôi cho rằng, là luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại thì cần hiểu thấu đáo quyền lợi của thân chủ mình. Trong trường hợp này, quyền lợi của cháu Bích không phải là đấu tranh để cho Luyện bị xử bao nhiêu năm tù… mà quyền lợi thực sự là được cứu rỗi, được trở lại một cuộc sống bình thường” – Luật sư Nguyễn Văn Tú nhận định.
“Đặt hai mục tiêu, giữa việc để làm sáng tỏ vụ án với việc cứu rỗi tâm lý của
một con người thì mục tiêu nhân văn thứ hai phải được đặt lên trên. Để làm sáng
tỏ vụ án Lê Văn Luyện này còn có nhiều biện pháp, nhiều bằng chứng khác, không
bắt buộc phải đưa thêm cháu Bích vào!” – anh Tú nói.
Quỳnh Anh