Cả tháng nay, người dân xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) xôn xao về trường hợp cụ ông Hà Văn Tới và cụ bà Bùi Thị Vinh, cùng 91 tuổi, đến xin cử hành hôn lễ tại nhà thờ và đăng ký kết hôn nhưng bị con cái cản trở.
Cụ bà tên Bùi Thị Vinh (còn gọi là Mụ Bảy), ở ấp Chợ, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách. Chồng mất đã hơn 40 năm. Bà có ba người con. Một người con ruột và hai người con nuôi, tất cả đều có gia đình và có nhà cửa ở riêng.
Minh họa, nguồn: PLTP |
Bà Vinh kể: Thời gian gần đây, bà và ông Mười Út (Hà Văn Tới) ở
ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, Chợ Lách rất thương nhau. Cả hai đều
có ước nguyện về sống chung một mái nhà để hủ hỉ sớm tối. Khoảng
nửa tháng trước, ông Mười Út có đem một số sính lễ đến nhà thờ Phú
Phụng để nhờ cha xứ làm phép kết hôn cho ông với bà. Cha xứ đồng ý
và nói: “Không có lý do nào cấm việc hai người này sống chung với
nhau. Một bên chồng chết, một bên vợ cũng đã chết. Hai bên đến với
nhau tự nguyện thì cha sẵn sàng tác hợp”. Nhưng ngay lúc đó, những
người con của bà đến can ngăn phía nhà thờ rồi chửi bới bên ông Mười
Út đủ điều.
Dư luận còn cho rằng sau khi bị cản trở không cho làm lễ hôn phối ở
nhà thờ Phú Phụng, hai ông bà đã đi đến một nhà thờ khác xa hơn làm
lễ nhưng cũng bị cản trở.
Phía những người con của bà Vinh cho rằng bên ông Mười Út chẳng thương yêu gì bà hết. Chẳng qua họ có ý đồ về tài sản và của cải của bà thôi. (Hiện bà Vinh có số tiền mặt hơn trăm triệu đồng đang gửi tiết kiệm ở ngân hàng và đứng tên sở hữu nhà cửa, đất đai). Với lại bà nay đã già, đã lẫn lộn và không còn biết gì hết. Ngày nào đi nhà thờ bà cũng thoa son, thoa phấn ăn diện như một thiếu nữ, nay lại còn đòi lấy chồng nữa. Điều đó cho thấy bà không bình thường. Cho nên tất cả đều không chấp nhận yêu cầu kết hôn của bà.
Còn bà Vinh tâm sự: "Các con giờ đã yên bề gia thất. Tôi hiện sống có một mình nên rất muốn có một người bạn sớm hôm tâm sự. Mới đêm kia, sau khi ngủ dậy, tôi thấy buồn và nằm khóc một mình khi nhìn xung quanh không thấy một ai bên cạnh. Sao tụi con nó không chịu hiểu cho tôi chứ!"
Cụ Bùi Thị Vinh trông trẻ hơn tuổi 91 rất nhiều. |
Ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch xã Phú Phụng cho biết: việc hai cụ có ý định
đăng ký kết hôn là chính đáng. Xã sẽ cấp giấy chứng nhận khi hai cụ hoàn chỉnh
các giấy tờ liên quan. Việc ngăn cản của con cái cả hai bên là vi phạm pháp
luật; xã sẽ hỗ trợ vấn đề pháp lý cũng như các vấn đề liên quan cho hai ông bà.
Tuần tới xã sẽ tiến hành họp về vấn đề này và sẽ cử Hội Phụ nữ, tư
pháp xã và Hội Người cao tuổi đến để vận động gia đình của hai ông
bà.
Ông Giang cũng cho biết, sự ủng hộ của con cháu hai cụ là hết sức cần thiết, bởi
tuy còn minh mẫn, khỏe mạnh nhưng cả hai cụ đều cao tuổi và sẽ rất khó khăn nếu
hai cụ gắn bó mà không có sự đồng tình của con, cháu.
Theo Luật sư Trần Nhật Long Huy, Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre thì Luật Hôn
nhân gia đình hiện hành chỉ quy định về độ tuổi thấp nhất đủ tuổi
kết hôn, luật không quy định mức tối đa bao nhiêu tuổi thì không được
kết hôn. Luật cấm kết hôn với người mất hành vi dân sự nhưng thế nào
là mất hành vi dân sự phải được cơ quan chức năng giám định kết luận,
không thể đơn phương cho là lú lẫn để cản trở. Tuy Luật Hôn nhân và Gia
đình không quy định nhưng nếu ngại vướng mắc về chuyện tài sản, hai
bên hôn nhân có thể có thỏa thuận riêng về tài sản theo pháp luật dân
sự.
Việc ngăn cản kết hôn với người có đủ điều kiện kết hôn là vi phạm
pháp luật có thể bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm.
(Tổng hợp theo PLTP, TTXVN)