- Thịt bốc mùi hôi thối, chảy nước nhớt nhát nhưng chỉ cần bỏ 15 phút ngâm tẩm là trở thành thịt đỏ hồng tươi ngon, có thể chễm chệ trên mâm cơm gia đình hay hiên ngang tiến vào quán cơm, bếp ăn tập thể, trường học...

Thịt thối liên tục tấn công người tiêu dùng

Chỉ trong mấy ngày đầu tháng tư, cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy số lượng lớn thịt thối được vận chuyển đi tiêu thụ.

Sáng 1/4, Công an H.Hướng Hóa (Quảng Trị) phát hiện 16 thùng xốp đáng ngờ tại cây xăng Tân Liên trên quốc lộ 9. Khi lực lượng chức năng mở thùng thì phát hiện bên trong chứa thịt, nội tạng heo đã bốc mùi hôi thối với trọng lượng 1,6 tấn (không có giấy tờ kèm theo đúng pháp luật).

Một số lượng lớn thịt thối bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: TN

Rạng sáng 4/4, trên QL1A, đoạn qua xã Gio Quang (H.Gio Linh, Quảng Trị), lực lượng chức năng phát hiện xe khách 47 chỗ ngồi mang BKS 17K-4634 chạy tuyến Thái Bình - TP.HCM chở khoảng 500 kg mỡ heo và heo con không rõ nguồn gốc được giấu trong các thùng xốp, khi mở ra bốc mùi hôi nồng nặc.

Cùng ngày, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp Đội CSGT Rạch Chiếc kiểm tra, phát hiện 5 vụ vi phạm vận chuyển 550kg thịt động vật và 29.530 trứng gia cầm “bẩn”. Tổ công tác kiểm tra tuyến quốc lộ 1A (TP.HCM), phát hiện Nguyễn Minh Cảnh (SN 1981, Hậu Giang) vận chuyển gần 300 kg thịt heo bốc mùi hôi, bị xuất huyết, không giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật từ Đồng Nai về TP.HCM. Cũng trên quốc lộ 1A, tổ kiểm tra phát hiện ông Vũ Văn Tý (SN 1981, Đồng Nai) điều khiển xe máy mang biển số 60K9-8207, vận chuyển gần 200 kg thịt heo không rõ nguồn gốc, không giấy kiểm dịch, từ Đồng Nai về Thủ Đức (TP.HCM).

Chiều 4/4, tại Đà Nẵng cơ quan chức năng cũng bắt quả tang bà Nguyễn Thị Trà My (ở tổ 20, P.An Khê) tàng trữ và chế biến 150 kg thịt và xương lợn bốc mùi hôi thối, không nguồn gốc xuất xứ và không giấy chứng nhận kiểm dịch. Ngày 5/4, Chi cục Thú y TP. Đà Nẵng cho biết đã tiêu hủy gần 2,5 tấn thịt, nội tạng động vật hôi thối thu giữ được trong thời gian qua.

Đó chỉ là một số ít vụ được phát hiện và bắt giữ. Còn bao nhiêu thịt bẩn ngày ngày bị lọt lưới cơ quan chức năng đến các trường học, quán cơm, và len lỏi vào tận các gia đình. Vậy số thịt bẩn thịt thối đó làm sao có thể qua mặt được người tiêu dùng để chễm chệ trên mâm cơm hàng ngày?

Công nghệ hóa phép thịt bẩn

Theo một số chủ quán cơm bình dân, công nghệ chế biến thịt ôi thối thành thịt trông tươi ngon rất đơn giản. Với những loại thịt chưa bị ôi chảy nước, chỉ cần đun một nồi nước nóng, cho nhúm muối và trần qua là thịt lại ngon như mới. Cẩn thận hơn, trước khi chế biến, ướp các loại gia vị như hành, tỏi, muối. Nếu màu thịt chưa đẹp, chỉ cần cho chút nước hàng hay kẹo đắng vào là trở nên thơm ngon.

Với những mặt hàng thịt thiu có mùi, bị vữa, không thể xử lý bằng những phương thức thông thường, các chủ quán sẽ “phù phép” biến thành thịt tươi khi ngâm chúng vào chất bột trắng có nguồn gốc từ Trung Quốc thường gọi là bột săm pết, được chào bán tràn lan  trong chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Kim Biên (TP.HCM). Với giá chỉ 40-50 nghìn đồng/kg, chất bột này làm thịt thiu rữa thành thịt hồng hào, tươi mới chỉ trong 15 phút.

Công nghệ biến thịt thối thành thịt 'sạch'. Ảnh: SK&ĐS

Phóng viên Báo SK&ĐS cũng đã tự tay thử nghiệm với gói bột săm pết mua từ chợ Đồng Xuân với 400g thịt chân giò lợn để trong túi nilon treo dưới trời nồm suốt 3 ngày. Miếng bị thịt ôi, xám đen và bốc mùi hôi thối chỉ 15 phút ngâm trong dung dịch có pha săm pết khi được lấy ra đã trở nên hồng, tươi như lúc mới mua, hoàn toàn không còn mùi hôi.

Đáng báo động ở chỗ thứ hóa chất độc này lại được bày bán công khai với giá rất rẻ. Hầu như ai có nhu cầu đều có thể mua chúng.

Rõ ràng, những công nghệ phù phép thịt bẩn, những hành vi rất đáng lên án của một số người chăn nuôi, buôn bán gây nguy hại đến sức khoẻ của người tiêu dùng đang đến hồi báo động. Nhưng dường như, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chưa thật sự quyết liệt. Và người tiêu dùng vẫn phải sống trong mối lo "ăn gì cũng độc"

M. Thư (tổng hợp)