Bệnh đang tiến triển tốt, người thân bi quan, xin cho bệnh nhân xuất viện về nhà lo hậu sự. Sáng hôm sau bệnh nhân ngồi bật dậy, sinh hoạt bình thường khiến mọi người ngạc nhiên. Và nhiều người đến... xin số đề, nhờ trị bệnh!

Gần một tuần qua, tại một số xã thuộc huyện Châu Thành (Bến Tre) xôn xao lời đồn thổi về một thanh niên vừa qua cơn thập tử nhất sinh đột nhiên có khả năng phi thường. Hàng ngàn người dân hiếu kỳ đã tìm đến nhà anh Trần Hoàng Nam (SN 1983, công nhân xây dựng) ngụ xã Phú Đức. Theo ghi nhận của PV, tại nhà Nam mỗi ngày có không dưới 100 người tìm đến, có người còn có nguyện vọng nhờ anh chữa bệnh hoặc cho số đề…

Hàng trăm lượt người hiếu kỳ đến nghe Trần Hoàng Nam (bìa phải) kể lại việc anh thoát chết trong gang tấc. Ảnh: PLTP

Kiên quyết xin xuất viện

Anh Nam đang làm công nhân xây dựng tại một công trình trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Chiều 29-3, khi đang trong tư thế nằm trét bột trên ban công tầng ba căn nhà sáu tầng để chuẩn bị lăn sơn nước, đột nhiên anh bị văng ra, rơi xuống mái tôn của gian nhà nằm phía dưới (cách khoảng 8 m). Anh được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu tại BV Nhân dân Gia Định.

Theo lời kể của gia đình, tại BV, anh được chẩn đoán “chấn thương đốt sống cổ và vùng tủy sống”. Những ngày tiếp theo, sức khỏe của anh liên tục thay đổi bất thường. Trong một tuần điều trị, anh phải thở bằng máy thở oxy, sử dụng máy trợ tim, ăn bằng ống qua đường thực quản… Ngày 4-4, người thân trong gia đình thấy không khả quan và cũng theo nguyện vọng của anh Nam nên xin bệnh viện và làm cam kết xin đưa anh về nhà chuẩn bị lo hậu sự. Người nhà anh còn rước cả một vị sư cùng đi theo xe bệnh viện để đọc kinh niệm Phật và gắn phone cho anh nghe.

Tự cho rằng mình sẽ chết

Không nhận đồ cúng, bánh… tiền

“Bà con đến đây chung vui, tôi cám ơn và sẵn sàng tiếp đón nhưng tuyệt đối tôi không nhận bất cứ món đồ cúng nào như nhang, trà, bánh hoặc tiền. Tôi cũng không có phép màu gì để trị bệnh cho ai, kể cả việc cho số, bói toán. Xin bà con đừng đồn thổi tội nghiệp cho gia đình tôi” - anh Nam nói với những người đến thăm, xin số đề, xin chữa bệnh.

Cũng theo lời kể của người thân, từ chiều 4-4, Nam về nhà trong trạng thái lúc mê lúc tỉnh. Nam nói từng tiếng một và với giọng rất khó nghe, anh đề nghị gia đình cắm 12 ngọn đèn cầy quanh chiếc gường anh đang nằm, rồi căn dặn nếu anh có chết phải chờ sau 48 giờ mới tiến hành tẩn liệm. Nam kể trong lúc anh đang thi công công trình ở quận Bình Thạnh, liên tiếp nhiều buổi trưa nằm mơ màng anh thấy có một nữ thần đến xua đuổi anh, bảo không cho làm việc ở đây. Nếu cãi lời, vị nữ thần này sẽ xô anh té xuống đất, lúc ấy… Phật cũng không cứu được. Gần 50 người thân trong gia đình cùng bà con trong xóm tụ lại, thức trắng đêm cầu nguyện để mong anh ra đi bình an.

Lời đồn về phép lạ

Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, mọi người có mặt ngạc nhiên và vui mừng xen lẫn hoảng sợ khi chứng kiến cảnh Nam đang nằm trên giường từ từ hồi tỉnh. Trước đó, anh đã đề nghị người thân tháo hai mảnh nẹp cố định vùng cổ, tháo bỏ dây truyền dịch và thôi không thở oxy nữa.

Ảnh: PLTP

Không lâu sau, anh dùng hai tay đưa lên vùng sau gáy xoay xoay, bóp bóp rồi ngồi bật dậy, tuột xuống đất đi loạng choạng đến bên bàn thờ thắp nhang. Tiếp đến, Nam vui vẻ nói chuyện với mọi người và đi đứng bình thường. Anh còn chạy xe máy ra chợ mua trái cây, hoa về cúng trên bàn thờ Phật.

Sau khi tỉnh dậy, Nam cùng anh trai đi TP.HCM, Tiền Giang… để cúng chùa và tạ lễ vị sư đã theo xe đưa anh từ bệnh viện về quê… phải mất ba ngày chờ đợi, PV mới gặp anh Nam. Theo lời mẹ và các anh em của Nam, kể từ lúc bình phục hẳn, anh nói năng nhỏ nhẹ hơn và khuyên mọi người nên ở lành lánh dữ….

Lời khai của bệnh nhân không đúng với thực tế

Ngày 29-3, bệnh nhân nhập cấp cứu và khai té dàn giáo hai lầu. Bệnh nhân khai dập tủy, xuất huyết, xin cho về chờ chết. Bác sĩ cấp cứu khám, ngoại thần kinh khám, thấy bệnh nhân yếu tay chân, thương tổn, sây sát trên da, đầu cổ, cơ thể không tương xứng với lời khai này vì không thấy vết thương và trầy trụa gì hết!

BV tiến hành chụp MRI, kết quả thấy dập tủy cổ nhẹ nên theo dõi dập tủy cổ và điều trị như dập tủy cổ bình thường. Bệnh nhân còn có những cơn nhịp tim chậm, theo người nhà bệnh nhân thì nhịp tim chậm của bệnh nhân đã có từ lâu, những lúc như thế bệnh nhân khó thở. Tuy nhiên, việc nhịp tim chậm cũng không liên quan đến tri giác bệnh nhân. Đây không phải là trường hợp bó tay. Chúng tôi điều trị chấn thương cổ và nhịp tim chậm, đây không phải là bệnh nghiêm trọng và đe dọa tử vong.

Sau vài ngày điều trị, bệnh nhân nói tay chân không hồi phục nhưng thực tế có lúc lại cử động được. Kết quả chụp MRI lần thứ hai thì thấy tủy sống cổ của bệnh nhân hết tổn thương. Việc bệnh nhân khai yếu tay chân không phù hợp với chấn thương cổ, có thể do nguyên nhân khác: ý chủ quan của bệnh nhân hoặc do hoảng loạn tinh thần... Với bệnh lý của bệnh nhân thì việc anh tự đứng dậy đi lại là bình thường.

Người nhà (vợ và cha của bệnh nhân) nằng nặc xin về và nói bệnh nhân có mơ thấy điềm gì đó. Chúng tôi đã giải thích rất kỹ cho người nhà và khuyên nên tiếp tục điều trị nhưng họ vẫn nhất quyết nên chúng tôi yêu cầu làm cam kết. Lúc xuất viện, nhịp tim bệnh nhân bình thường, 70 lần/phút. Chúng tôi xác nhận là tình trạng tạm ổn chứ không đe dọa tử vong.

Thạc sĩ-bác sĩ DƯƠNG THANH TÙNG, Trưởng khoa Ngoại thần kinh - BV Nhân dân Gia định

Có thể do yếu tố thần kinh hay suy nghĩ hơi quái

Những y, bác sĩ trực tiếp điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân cho biết lúc bình thường thì bệnh nhân nằm yên nhưng khi gặp người nhà thì Nam gồng, bứt rứt lên cơn. Nam nói bốn ngày nữa Nam sẽ chết. Có thể do yếu tố thần kinh hay do suy nghĩ hơi quái một tí.

Bác sĩ NGUYỄN ĐỨC VŨ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - BV Nhân dân Gia định

(Theo PLTP)