Câu mắng này, tôi đã phải nghe không dưới chục lần khi dừng đèn đỏ, cùng với nó là ánh mắt hậm hực của khá nhiều người xung quanh.


Trưa 19/4, khi xe tôi đến trước vạch sơn ở một ngã tư trục Phố Huế - Hàng Bài (Hà Nội) thì đèn vàng tắt, đèn đỏ bật lên.

Bị mắng vì đi đúng luật

Tôi dừng xe. Lập tức phía sau dội lên tiếng còi của ba bốn chiếc xe máy khác, bấm liên hồi với sắc thái giục giã và cáu bẳn. Rồi một tiếng chửi: “Điên à? Làm gì có công an mà dừng? Làm bố mày cũng phải dừng theo”. Tôi ngoái lại, thấy người vừa mắng mình là hai thanh niên chở nhau trên chiếc Air Blade, mặt mũi ngổ ngáo. Họ rất tức giận vì có tôi đứng phía trước nên không vượt đèn đỏ được.
Lao lên để vượt đèn đỏ bất chấp người đi bộ đang sang đường. Ảnh: TP

Đây không phải lần đầu tiên tôi bị mắng vì “tội” tuân thủ luật giao thông. Có lần, tôi bị một quý ông mặc áo vét, sơ mi trắng tinh, thắt cà vạt rất lịch sự, nói như tát nước vào mặt: “Đúng là đồ kỳ đà cản mũi, vớ va vớ vẩn. Lần sau không đi thì dẹp sang một bên cho người ta đi”. Những lần khác, nếu dừng xe khi đèn vừa chớm đỏ mà không có bóng áo vàng của các anh công an giao thông thì dù không bị mắng, tôi vẫn hay nhận được những cái lườm sắc lẻm hay ánh mắt tức tối, hậm hực của những người đằng sau, chỉ vì tôi mà không vượt được đèn đỏ.

“Có lần em còn bị một anh đi xe máy phía sau giơ chân đạp mạnh, em ngã dúi xuống đường, trợt cả đầu gối”, Vân, cô sinh viên năm thứ hai, kể, “Em sợ quá, từ đó cứ đến gần ngã tư là em đi nép vào một bên để lỡ có dừng đèn đỏ cũng không cản trở ai vượt”.

Vài lần gặp phải tình huống như vậy, nhiều người đã “thích nghi với hoàn cảnh” bằng cách khi đèn đỏ cũng nhìn trước nhìn sau xem có công an không rồi… vượt; vừa tiết kiệm được mấy giây vừa khỏi bị lườm nguýt, bị mắng là “dở người”. Thế là nhiều khi trên đường chẳng có mấy xe cộ mà vẫn rối như canh hẹ bởi xe hướng nào cũng tranh nhau lao bổ qua ngã tư.

Sợ “không giống ai”

Một trong các khía cạnh tiêu cực của tâm lý đám đông là nhiều người dù không muốn nhưng vẫn vi phạm các luật lệ chỉ vì sợ mình trở nên kỳ quái trong mắt mọi người. Khi thấy nhiều người làm sai, thay vì thuyết phục hoặc ít ra cũng tự mình làm đúng, họ cũng… sai theo luôn cho khỏi “lạc đàn”.

Ở khu dân cư của anh Vượng, theo quy định, rác được tập kết ở một chỗ, đến giờ thì nhân viên vệ sinh sẽ đến thu gom. Thế nhưng, hầu như nhà nào cũng vứt rác gần nhà, miễn là không phải trước cổng nhà mình, vì thế đoạn đường nội bộ ấy cứ cách một quãng lại có một đống rác vứt bừa bãi. Chỉ có gia đình anh Vượng và cặp vợ chồng cách đó chừng chục mét là cứ chiều chiều mang túi rác đến chỗ quy định. Họ lập tức được tư vấn: “Vác đi xa làm gì cho khổ, cứ để đấy, đằng nào người ta chẳng phải dọn hết”. Có người còn tỏ ra hiểu biết: “Nhân viên vệ sinh môi trường mỗi người được giao phụ trách một khu, đoạn đường nào còn rác là họ phải chịu trách nhiệm. Mình đóng tiền hàng tháng để trả lương thì họ phải dọn, không thì ăn lương làm gì?.

Khuyên vài lần, thấy hai gia đình vẫn mang rác đi đổ đúng chỗ, vài người bắt đầu tỏ thái độ dè bỉu: “Rõ thật rỗi hơi, làm ra cái vẻ”. Ít lâu sau, cặp vợ chồng trẻ kia cũng bắt đầu để rác ngay gần nhà mình. Cô vợ phân bua với anh Vượng: “Hình như nhà hàng xóm thấy em đi đổ rác xa thì ngứa mắt nên cứ toàn để vương vãi rác ngay cạnh cổng nhà em, em cứ phải gom cho cả họ nữa. Có lần bắt quả tang, em có ý kiến thì bà già mắng, bảo tôi vứt đấy thì sẽ có người dọn, có ai bắt cô dọn đâu. Họ là dân gốc, em chẳng dám dây, mà hôm nào cũng quét dọn, tha lôi cả rác nhà người ta thì oải quá nên cũng mặc kệ luôn”. Cô gái cho biết, kể từ đó, quan hệ giữa nhà cô và bà hàng xóm kia “ấm nóng” hẳn lên. Bà ta không còn lườm nguýt mà bắt đầu tươi cười bắt chuyện.

“Tôi đen, anh cũng không được trắng”

Ngoài thói a dua, một trong các thói xấu khác của không ít người Việt là nếu mình chẳng sống tốt được thì muốn người khác cũng phải tệ như mình, nếu không sẽ cực kỳ khó chịu. Ở một cơ quan vốn có sẵn nếp lười biếng, thiếu trách nhiệm, nếu bỗng nhiên xuất hiện một anh chàng nhiệt tình năng nổ, muốn xóa bỏ sự ỳ trệ ấy thì chắc chắn anh ta sẽ trở thành cái đinh trong mắt mọi người, cần được “đào tạo”. Sẽ có một vài người kỳ cựu nào đó xa gần bóng gió khuyên can anh ta biết ăn ở cho hợp lẽ, nếu anh chàng vẫn không chịu hiểu thì nó sẽ dùng những lời “thẳng thắn, chân thành” để cho anh ta biết người biết ta. Và nếu vẫn chưa chịu hiểu ra, anh chàng này sẽ được dạy cho một số bài học và nếu không đủ mạnh, anh ta sẽ một là “hòa nhập”, hai là bật khỏi sới.
Một nhóm bạn trẻ tay cầm các khẩu hiệu dí dỏm về giao thông Hà Nội đang đứng tại ngã tư Láng Hạ - Thái Hà. Ảnh: TT

Ngay cả trong một gia đình, chuyện tương tự cũng có thể xảy ra, chẳng hạn như đại gia đình anh Khôi ở Thanh Trì, Hà Nội. Nhà anh tứ đại đồng đường, ông bà nội giàu có, con cháu đứa nào không ở cùng thì cũng được chia đất ngay cạnh, quây quần cho ấm cúng. Biết ông già ở tuổi gần đất xa trời mà còn giữ rất nhiều vàng và bất động sản, đám con cháu toàn họp nhau bàn cách bòn rút. Họ bảo với ông là anh em cùng nhau mở công ty, xin ông rót vốn. Ông già vui vì con cháu biết bảo nhau làm ăn, anh em làm chung thì còn gì hơn nữa, thế là bán một miếng đất để cho. Khôi không chịu tham gia vụ này, nhưng can anh em không được. Ít lâu sau, họ lại kêu khủng hoảng kinh tế làm ăn khó quá, xin ông rót thêm vốn mới cạnh tranh được với người ta. Khôi bảo họ dừng lại, nếu không sẽ nói cho ông biết. Thế là ngày nào cũng có người đến, hết khuyên bảo Khôi lại xúi bẩy vợ anh cùng “làm ăn”, vì “đằng nào tài sản của ông chẳng chia cho các cháu, chẳng qua là trước hay sau thôi, quyền lợi chính đáng của chú, chú không nhận là thiệt”.

Không rủ rê được Khôi, đám anh em họ chuyển qua gây sự, dọa dẫm. Họ mắng Khôi là “đồ đạo đức giả, thằng phá đám” và cùng nhau nói xấu anh với ông nội. Kết quả của cuộc tổng tấn công là ông nội ghét Khôi, nghĩ anh là thằng lười biếng, bất tài, chuyên ghen ghét và chơi xấu anh em.

Chuyện của Khôi dù sao cũng còn dính đến quyền lợi; nhiều người khác bị “kéo xuống bùn” chỉ vì trong đàn quạ đen mà có một con trắng thì không chấp nhận được. Nhóm bạn của Quang có 7 người, hồi sinh viên ở cùng ký túc xá, nay đều làm ở Hà Nội và đều đã có vợ con. Họ thường rủ nhau tụ tập đi nhậu, đã nhậu là tới bến, không hát hò em út thì cũng nằm bẹp dí ở một chỗ nào đó mà nôn mửa, ngủ vùi, có mỗi Quang đúng giờ là về. Vợ 6 ông kia mỗi lần giận chồng bê tha là lại lôi Quang ra làm gương, khiến các ông ghét lắm. Ngày này qua ngày khác, họ đua nhau khích bác, mỉa mai, lôi kéo, dựng lên các tình huống để ép… Rốt cục, thành trì bị hạ gục. Giờ thì 6 anh bạn hoàn toàn yên tâm vì mỗi lần nhậu nhẹt, các bà vợ không còn gì để tị nạnh với nhau, cũng không ông nào còn thấy “nhột”, thấy khó chịu vì cùng hội cùng thuyền mà có kẻ lại tư cách hơn mình.

(Theo Đất Việt)